Tiến sĩ Tống Duy Tân với Phong trào Cần Vương.

Đăng ngày 13 - 03 - 2022
100%

Trong phong trào Cần Vương chống Thực dân Pháp xâm lược của cả nước, cuối thế kỷ XIX, nhân dân Thanh Hóa nói chung, những văn thân sĩ phu yêu nước nói riêng đã đóng góp một phần đáng kể. Cuộc đời, sự nghiệp của họ đã để lại cho đời sau tấm gương sáng chói về khí phách hiên ngang trước kẻ thù hung bạo, về sự hy sinh cao cả về độc lập tự do của Tổ quốc. Trong số đó, có tiến sĩ Tống Duy Tân.

Tống Duy Tân tự là Cơ Mệnh, hiệu là Báo Tiều, sinh năm Đinh Dậu (1837) trong gia đình thuộc thành phần lao động bình thường ở làng Đông Biện (tục gọi Bồng Báo), phủ Quảng Hóa; nay là làng Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo gia phả họ Tống ở Bồng Trung cho biết: Tống Duy Tân vốn là người họ Nguyễn ở Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung). Khi di cư đến Đông Biện mới đổi tên từ họ Nguyễn thành họ Tống để ghi nhớ quê cha đất tổ.

Sau nhiều năm miệt mài đèn sách ở quê nhà, Tống Duy Tân tìm đến Nam Định thụ giáo Hoàng giáp Phạm Văn Nghị ở trường Tam Đăng (nay thuộc Yên Thắng, Ý Yên, Nam Hà). Năm 1870, Tống Duy Tân đỗ cử nhân. Khoa thi năm Ất Hợi (1875) thời vua Tự Đức (1848-1883), ông đỗ Tiến sĩ, rồi được bổ dụng làm quan. Triều đình phong cho ông làm Hàn lâm viện biện tu, giữ chức Thừa biện tại bộ Hình. Năm 1876, ông làm phúc khảo trường thi Nam Định, sau đó giữ chức Tri phủ Vĩnh Tường. Ông giàu lòng thương dân, căm ghét bọn cường hào sâu mọt, “phong độ đoan chính, xét đoán minh mẫn, không hà lạm. Bọn cường hào phải sợ, nhân dân nhờ đó mà được yên lành”. Sau nhớ hai năm làm quan phủ Vĩnh Tường, các quan tỉnh Sơn Tây đề nghị triều đình đề bạt ông lên chức Án sát, song tình thế lúc này rối ren, Thực dân Pháp đã đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), triều đình Huế chia làm phái chủ chiến và phái chủ hòa... Tống Duy Tân từ chối việc làm quan, xin về quê nhà mở trường dạy học. Tôn Thất Thuyết - người cầm đầu phái chủ chiến biết ông là người có tinh thần yêu nước, có uy tín với nhân dân, nên đã cử ông làm Đốc học, rồi Thương biện tỉnh vụ, Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa, chuẩn bị chống Pháp.

Đến năm 1885, khi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân đứng lên chống Thực dân Pháp xâm lược, Tống Duy Tân đã kịp thời vận động nhân dân xây dựng lực lượng, “sức đi các phủ huyện lấy hương binh ra đầu quân”. Tại quê ông, được nhân dân đồng tình ủng hộ, Tống Duy Tân đã tổ chức các đội nghĩa binh, xây dựng các làng Bồng Trung, Bồng Thượng, Bồng Hạ, Đa Bút đến núi rừng Hồng Lĩnh trở thành căn cứ khởi nghĩa và là trận địa tiêu diệt địch.

Đầu năm 1886, trước sự lớn mạnh của phong trào Cần Vương trong tỉnh, Tống Duy Tân đã triệu tập hội nghị ở Bồng Trung, gồm những văn thân sĩ phu lãnh đạo phong trào ở các địa phương, bàn kế sách đánh Pháp, nhằm biến Thanh Hóa thành một căn cứ vững chắc cho phong trào cả nước. Hội nghị quyết định xây dựng chiến lũy Ba Đình (Nga Sơn), do Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng và một số tướng lĩnh khác chỉ đạo. Giao cho Trần Xuân Soạn, Hà Văn Mao chỉ huy xây dựng căn cứ Mã Cao (Yên Giang - Yên Định). Nghĩa quân Hùng Lĩnh do Tống Duy Tân và Cao Bá Điển lãnh đạo vừa hỗ trợ cho mặt trận Ba Đình, vừa xây dựng căn cứ tại Bồng Trung - Đa Bút đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt, giết nhiều lính Pháp, khiến giặc kinh sợ.

Cuối tháng 1-1887, căn cứ Ba Đình thất thủ, phong trào Cần Vương trong tỉnh rơi vào tình trạng khủng hoảng. Tống Duy Tân đã liên kết với nghĩa quân Cầm Bá Thước ở Thường Xuân, mở rộng sự phối hợp tác chiến với nghĩa quân ở các tỉnh bạn như: Đội quân Đề Kiều, Đốc Ngữ ở hạ lưu sông Đà (Hòa Bình), của Đốc Thiết ở Nghệ An, lại liên hệ với nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Với cương vị Tán tương quân vụ Bắc Kỳ, Tống Duy Tân đã xây dựng được thế trận chống Pháp rộng lớn, căn cứ Hùng Lĩnh trở thành trung tâm thu hút các đội nghĩa binh, khiến cho địch lúng túng, lo sợ. Trong thời gian 1889-1891, nghĩa quân Hùng Lĩnh hoạt động mạnh mẽ, cơ động trên địa bàn các huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Lang Chánh... Đã chủ động đánh tiêu diệt địch, lập nhiều chiến công vang dội, làm nức lòng nhân dân cả nước. Tiêu biểu là trận Vân Đồn (10-1889), Đa Bút (11-1889), Vạn Lại (1l-1889), Yên Lược (12-1889), Yên Lãng (3-1890)... Những trận thắng giòn giã đó làm cho quân địch thiệt hại lực lượng, hoảng sợ về tinh thần.

Nhưng rồi, Thực dân Pháp tìm mọi cách ra sức đánh trả tiêu diệt bằng được nghĩa quân Hùng Lĩnh, các điểm sáng Cần Vương trong tỉnh dần dần bị dập tắt. Tống Duy Tân phải rút lên Bá Thước - Lang Chánh, đóng ở hang Nhân Kỷ thuộc Mường Kỷ, ở đây, ông được bà con dân tộc che chở. Có nhiều tấm gương hy sinh để bảo vệ ông như Hà Văn Nho, Hà Văn Huệ thà chết chứ không chịu khai báo nơi trú của Tống Duy Tân. Vì có kẻ phản bội báo cho giặc Pháp biết nơi ở của ông tại hang Dong (Bá Thước), ngày 5 tháng 10 năm 1892, ông bị giặc Pháp bắt, đóng cũi giải về tỉnh ly Thanh Hóa. Dùng mọi thủ đoạn mua chuộc nhưng không khuất phục được ý chí người anh hùng, ngày 15 tháng 10 năm 1892, giặc Pháp đưa Tống Duy Tân ra chém tại tỉnh lỵ Thanh Hóa. Khi sắp bị chém, ông đã để lại đôi câu đối nói lên khí tiết của mình:

“Nhi kim thủy liễu tiền sinh trái,

Tự cổ do truyền bất tử danh”.

(Kiếp trước, nợ cũ hôm nay trả

Không chết, danh còn để lại sau).

Cuộc đời chiến đấu, khí tiết cao thượng vì nước vì dân của Tống Duy Tân đã trở thành một tấm gương bất diệt. Năm 1920, Bác Hồ khi đang hoạt động ở nước Pháp đã đánh giá “Tống Duy Tân là một nhà đại trí thức, đấu tranh dũng cảm chống bọn xâm lược Pháp”, và Người khẳng định: “Tôi tôn kính tất cả những Tống Duy Tân... cái chết của họ làm cho Tổ quốc họ sống lại, lòng can đảm của họ bất diệt”.

 

<

Tin mới nhất

Tướng công Lê Thành, bậc tôi trung của Lê Lợi(21/11/2023 11:00 SA)

Khắc Quốc công Lê Văn An: Võ tướng được ban quốc tính(12/09/2023 10:45 SA)

DANH NHÂN XỨ THANH(14/03/2022 2:00 CH)

Tiến sĩ Tống Duy Tân với Phong trào Cần Vương.(13/03/2022 11:16 SA)

HỒ QUÝ LY VỚI NHỮNG CỐNG HIẾN LỚN NÊU TRONG CẢI CÁCH NÔNG NGHIỆP.(13/03/2022 8:45 CH)

XUÂN ẤY LÊ LỢI DỰNG CỜ.(02/02/2022 8:34 SA)

Di tích thắng cảnh Hàn Sơn (26/10/2012 9:17 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
2059 người đã bình chọn
°
731 người đang online