XUÂN ẤY LÊ LỢI DỰNG CỜ.

Đăng ngày 02 - 02 - 2022
100%

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, mùa xuân gợi nhớ đến những chiến công tạo nên bước ngoặt lịch sử trọng đại. Mùa xuân, tháng 2 năm 40 nổ ra khởi nghĩa Hai Bà Trưng; mùa xuân năm 1077 cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai do Lý Thường Kiệt lãnh đạo kết thúc thắng lợi; mùa xuân năm 1258, 1285, 1288 gắn liền những chiến thắng oanh liệt lần 1, 2, 3 của quân và dân triều Trần chống quân Nguyên - Mông. Mùa xuân 1785, 1789 Quang Trung - Nguyễn Huệ đập tan quân Xiêm La và Mãn Thanh. Mùa xuân năm 1930 thành lập Đảng, mùa xuân Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968; đại thắng mùa xuân năm 1975... Đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Mùa xuân tháng giêng năm Mậu Tuất (1418) cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chính bùng nổ như một dấu mốc trọng đại của lịch sử dân tộc. Trong không khí tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, Lê Lợi và nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa, truyền hịch khắp nơi, kêu gọi nhân dân diệt giặc cứu nước.

Giữa núi rừng Lam Sơn thuở ấy, Lê Lợi - chàng trai áo vải đất Khả Lam(1) ngày đêm nung nấu hoài bão cứu nước, cứu dân thoát khỏi ngọn lửa hung tàn. Ông sớm định hình cho mình một con đường, một lẽ sống: “Ta dấy binh không phải vì tham phú quý, mà vì muốn cho ngàn đời sau biết rằng ta không chịu thần phục quân giặc”(2). Tấm lòng với nước với dân, ngọn cờ đại nghĩa của Lê Lợi sáng như sao Khuê, thuận với lẽ trời, hợp với lòng người. Các anh hùng hào kiệt khắp nơi tìm đến đất Lam Sơn ra mắt Lê Lợi, nguyện một lòng dấy nghĩa cứu nước.

Tượng đài Lê Lợi uy nghiêm giữa lòng TP. Thanh Hóa.

Hướng theo ánh sáng Lũng Nhai, những hào kiệt, dân chúng bốn phương thuộc mọi thành phần xã hội, dân tộc ngày đêm lặn lội về Lam Sơn tụ nghĩa. Trang trại Như Áng, cả gia đình Lê Lợi, họ hàng nội ngoại, bạn bè và các nghĩa sĩ khẩn trương khai khẩn ruộng nương, chuẩn bị lương thảo, tập hợp lực lượng. Núi rừng Lam Sơn trở thành nơi trú quân, bãi luyện binh, rèn mài khí giới. Ai nấy đều một lòng vì nước quên mình. Đất Lam Sơn hình thành căn cứ của cuộc khởi nghĩa, tuy nhìn bề ngoài vẫn im ắng, bình thản như thường, nhưng trong lòng nó đang sục sôi ý chí diệt thù, chỉ chờ có thời cơ là bùng nổ với sức mạnh phi thường.

Đến cuối năm 1417, điều kiện “binh lương là hai điều cần cho việc mở nước”(3) bước đầu đã được chuẩn bị. Nghĩa quân của Lê Lợi có khoảng 2.000 người. Trong khi đó, quân Minh đang ráo riết điều binh khiển tướng, tập trung lực lượng chuẩn bị tấn công vào Lam Sơn; hòng bóp chết lực lượng còn trong trứng nước. Nắm được âm mưu của địch, điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi và để giành thế chủ động, Lê Lợi triệu tập “đại hội tướng sĩ”(4) và quyết định khởi nghĩa.

Đúng ngày mùng 2 tết năm Mậu Tuất (1418) ngày 7 tháng 2 dương lịch) trong không khí Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, cờ khởi nghĩa của Lê Lợi phấp phới tung bay trên núi rừng Lam Sơn, giữa tiếng hô vang dậy của tướng sĩ suy tôn Lê Lợi làm Bình Định Vương. Ngọn cờ Bình Định Vương giương cao khẳng định sức mạnh vĩ đại của nước non Đại Việt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc ở thế kỷ XV.

Suốt 10 năm chiến đấu bền bỉ, kiên cường, trải bao qua gian khổ hy sinh, cờ đại nghĩa Bình Định Vương quật cường tung bay khắp miền núi rừng Thanh Hoá, với những trận đánh lịch sử Mường Một, Mường Chính, Bến Bổng, Ba Lẫm, Kình Lộng, Sách Khôi… rồi tiến công chiến lược vào Nghệ An theo kế sách của Nguyễn Chích, xốc tới giải phóng Tân Bình - Thuận Hoá. Sau đó, cờ nghĩa tiến thẳng ra Bắc, làm nên bao chiến công oanh liệt, mà đỉnh cao là chiến dịch Tốt Động - Chúc Động tiêu diệt và bắt sống hơn 6 vạn quân địch và chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang tiêu diệt hơn 10 vạn viện binh của Liễu Thăng, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Khu Di tích Lam Kinh.

Xuân Đinh Mùi (1427) cờ nghĩa Bình Định Vương tung bay trên nóc thành Đông Quan, báo tin cuộc kháng chiến toàn thắng. Mùa xuân sau, ngày mùng 3 tết Mậu Thân (1428) những bóng dáng cuối cùng của quân xâm lược nhà Minh bị quét sạch khỏi bờ cõi. Đất nước sạch bóng quân thù. Tuyên ngôn độc lập “Đại cáo bình Ngô” vang vọng núi sông. Cờ đại nghĩa Bình Định Vương trở thành quốc kỳ Đại Việt, lồng lộng tung bay giữa bầu trời rực rỡ nắng xuân. Đất nước độc lập, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (ngày 15 tháng Giêng Mậu Thân (1428) mở đầu triều Lê, đặt tên nước là Đại Việt, Thủ đô là Đông Kinh (tức Đông Quan - Hà Nội ngày nay).

Mùa xuân Nhâm Tý (1432) Lê Thái tổ thân chinh đi dẹp cuộc nổi loạn âm mưu cát cứ của Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ (Lai Châu) giữ yên bờ cõi, để “non sông nay vào một bản đồ”(5).

Trong gần 4 thế kỷ tồn tại của vương triều nhà Lê (từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII) nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia Đại Việt được bảo đảm, không bị nạn ngoại xâm của phong kiến phương Bắc đe doạ.

Ngày xuân lần giở “cảo thơm” của đất Lam Sơn lịch sử, về bao tên người, tên đất, tên núi sông gắn liền với những chiến công hiển hách, những sự tích thần kỳ. Lại càng thấy chói lọi hào quang “đại nghĩa” của người anh hùng dân tộc Lê Lợi tỏa chiếu từ mùa xuân ấy.

-----------

(1) Sách Khả Lam - huyện Lôi Dương, nay là xã Xuân Lam - Thọ Xuân.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư.

(3) Ngô gia thế phổ.

(4) Lê Quý Đôn - Đại Việt thông sử.

(5) Thơ Lê Lợi khắc trên vách núi Lai Châu.

 

 

<

Tin mới nhất

Tướng công Lê Thành, bậc tôi trung của Lê Lợi(21/11/2023 11:00 SA)

Khắc Quốc công Lê Văn An: Võ tướng được ban quốc tính(12/09/2023 10:45 SA)

DANH NHÂN XỨ THANH(14/03/2022 2:00 CH)

Tiến sĩ Tống Duy Tân với Phong trào Cần Vương.(13/03/2022 11:16 SA)

HỒ QUÝ LY VỚI NHỮNG CỐNG HIẾN LỚN NÊU TRONG CẢI CÁCH NÔNG NGHIỆP.(13/03/2022 8:45 CH)

XUÂN ẤY LÊ LỢI DỰNG CỜ.(02/02/2022 8:34 SA)

Di tích thắng cảnh Hàn Sơn (26/10/2012 9:17 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
2049 người đã bình chọn
°
2898 người đang online