HỒ QUÝ LY VỚI NHỮNG CỐNG HIẾN LỚN NÊU TRONG CẢI CÁCH NÔNG NGHIỆP.

Đăng ngày 13 - 03 - 2022
100%

Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn trong lịch sử dân tộc; bên cạnh những nhà canh tân đất nước tên tuổi như: Khúc Thừa Dụ, Trịnh Sâm, Nguyễn Tường Tộ. Hồ Quý Ly đã là một người thực thi được cải cách mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục; đặc biệt là đối với nông nghiệp.

Hồ Quý Ly sinh năm Ất Hợi (1335), tự là Lý Nguyên (vốn thuộc dòng dõi họ Hồ ở đất Quỳnh Lưu (Nghệ An), tổ bốn đời của ông chuyển ra hương Đại Lại (nay thuộc xã Hà Đông, Hà Trung, Thanh Hóa). Sinh ra và lớn lên trên vùng quê hương Đại Lại, xứ Thanh và cũng chính nơi đây đã chắp cánh cho con đường công danh, sự nghiệp của người anh hùng Hồ Quý Ly.

Thành nhà Hồ - Dấu tích còn lại của triều đại Hồ trên đất xứ Thanh.

Từ mối quan hệ ngoại thích, Hồ Quý Ly đã bước vào quan trường ở tuổi 35 (thời Trần Nghệ Tông - năm 1370) với chức: Chi hậu tứ vụ chánh chưởng - một chức quan võ coi quân cận vệ chỉ có vương hầu, tông thất mới được giữ chức này. Là người có tài năng và ý chí, Hồ Quý Ly sớm biết tận dụng mọi cơ hội thuận lợi để nhanh chóng từ một quan võ nhỏ qua tước hầu, tước vương; ông trở thành hoàng đế vào năm 1400 và thực sự nắm được quyền binh tối cao, thực sự thực hiện mục tiêu cải cách đất nước táo bạo, mạnh mẽ, toàn diện mọi mặt. Vào những năm cuối thế kỷ XIV, Đại Việt đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Kinh tế đất nước suy thoái, nan đói xảy ra triền miên, xã hội rối loạn, trộm cướp nổi lên khắp nơi. Trong khi đó chính quyền trung ương bất lực hoàn toàn, không điều hành nổi bộ máy quan lại và không đủ sức kiểm soát được các địa phương, hiểm họa ngoại xâm phương Bắc; phương Nam lại đe dọa nghiêm trọng. Rõ ràng tình thế của đất nước đòi hỏi phải có một cuộc cải cách toàn diện và sâu sắc. Hồ Quý Ly là người đứng ra gánh vác sứ mệnh lịch sử đó, ngay từ khi ông nhận chức phụ chính Thái sư, thâu tóm được mọi quyền hành vào năm 1395.

Một cải cách quan trọng được tiến hành trong thời kỳ đó là kinh tế nông nghiệp. Với một đất nước “dĩ nông vi bản” (lấy nghề nông làm gốc), đứng trước tình thế suy thoái, trì trệ, khủng hoảng kinh tế như đã nói trên, thì việc tiến hành cải cách kinh, tế nông nghiệp được đặt lên hàng đầu là cách nhìn đúng đắn của Hồ Quý Ly nhằm mở đường cho sự phát triển. Vậy cải cách bao gồm những chính sách gì? Đó là chính sách Hạn điền ban hành năm 1397. Nội dung là: trừ một số trường hợp cá biệt, tất cả những chủ sở hữu tư nhân chỉ được phép giữ lại làm của tư một số ruộng đất không quá 10 mẫu. Thực chất đây là một chính sách nhằm xóa bỏ loại hình kinh tế đại điền trang của tầng lớp quý tộc đã trở nên lạc hậu, đang là nhân tố cản trở quá trình củng cố sự thống nhất và tập trung sức mạnh cho Nhà nước trung ương. Còn tuyệt đại bộ phận tầng lớp địa chủ bậc trung nhỏ và nông dân có sở hữu ruộng tư là tầng lớp đại diện cho hình thức kinh tế tiến bộ lúc đó, không bị động chạm đến. Có thể nói, chính sách hạn điền đã mở đường cho sự phát triển của hình thái kinh tế tiến bộ, phù hợp với đặc điểm của kinh tế nông nghiệp Việt Nam lúc bấy giờ.

Nhất quán với chính sách hạn điền, năm 1401 nhà Hồ cho ban hành chính sách hạn nô, nhằm hạn chế số nô tỳ của mỗi quý tộc, làm tăng số dân tự do và số dân định cho chính quyền trung ương kiểm soát.

Đặc biệt về chính sách thuế khóa trong nông nghiệp cũng được cải cách hợp lý. Trước đó, Nhà nước chỉ thu 3 thăng thóc/mẫu ruộng tư (mức thuế này được đặt ra từ thời Lý, sau lần đo đạc ruộng đất và lập sổ điền tịch đầu tiên ở nước ta vào năm năm 1092). Thuế ruộng tư khi đó chỉ là tượng trưng với ý nghĩa khẳng định quyền quản lý tối cao của Nhà nước (thời Lý ruộng đất tư hữu chưa phải đã chiếm một diện tích đáng kể). Bởi vì, một thăng thóc tương đương khoảng 2,9kg thì chủ ruộng chỉ phải nộp chưa đầy một yến thóc/mẫu. Điều chỉnh sự bất hợp lý đó, trong biểu thuế mới thời Hồ, mức thuế ruộng tư tăng lên 5 thăng/mẫu không ảnh hưởng gì đáng kể tới các chủ ruộng, Nhà nước lại có thêm một nguồn thu lớn, vì diện tích ruộng tư lúc này đã tăng lên rất nhiều (sau khi đã ban hành chính sách hạn điền như đã nói ở trên).

Trong khi đó đối với ruộng bãi dâu - loại ruộng có quan hệ mật thiết đến sự phát triển của thủ công nghiệp thì biểu thuế của nhà Hồ giảm đi rõ rệt. Nếu như ở thời Trần, ruộng bãi dâu loại I thu 9 quan/mẫu, loại II thu 7 quan/mẫu thì nay chia làm 3 hạng và tương ứng với nó mức thuế cho một mẫu là 5 quan, 4 quan và 3 quan. Tính trung bình thuế suất giảm 50% trên danh nghĩa, còn trên thực tế là giảm 60% (vì thời nhà Hồ thu thuế bằng tiền giấy mà theo quy định thì 1,2 quan mới bằng một quan tiền đồng). Đó là một giảm nhẹ đáng kể nhằm khuyến khích nghề trồng dâu dệt lụa.

Thuế nhân đinh cũng có thay đổi đáng kể. Trước đó, tất cả nhân đinh bị thu đồng loạt 3 quan/người. Đến đây, một suất định chỉ phải nộp 1,5 quan. Nét đặc biệt của thuế đinh thời Hồ là chỉ thu ở người có ruộng đất. Những nhân đinh không có ruộng không phải nộp. Đàn bà góa, trẻ mồ côi dù có ruộng cũng được miễn.

Có thể thấy khá rõ chính sách thuế khóa nhà Hồ trong nông nghiệp được đổi mới theo hướng tăng sự đóng góp của các tầng lớp hữu sản và giảm nhẹ cho bộ phận dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Chính sách này còn nhằm khuyến khích sự phát triển của thủ công nghiệp và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, điểm nổi bật trong cải cách của Hồ Quý Ly là đã nhìn vấn đề với cái nhìn của người có đầu óc kinh tế thị trường. Đó là việc nhà Hồ cho xây dựng kho thương bình ở các địa phương. Do nắm được hiện tượng hàng năm giá thóc gạo tăng vào những lúc giáp hạt, hay có thiên tai và hạ vào dịp sau thu hoạch, nhà Hồ lệnh cho các địa phương xây dựng kho chứa thóc lúa, phát tiền cho họ để khi thóc rẻ thì mua vào tích trữ trong kho, khi thóc kém thì bán ra với giá hạ để giữ sự ổn định giá cả lương thực. Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, hiếm thấy một triều đại nào có được tư duy kinh tế thị trường như thế. Việc làm này của Hồ Quý Ly đã có ý nghĩa to lớn về kinh tế cũng như xã hội lúc bấy giờ.

Cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh đã khiến cho sự nghiệp cải cách của Hồ Quý Ly bị bỏ dở vào năm 1407. Nhưng những cải cách đó đã định hướng, mở đầu cho bước phát triển mới trong lịch sử đất nước mà đến thời Lê Sơ mới thực hiện được và đã phát triển rực rỡ ở thời Lê Thánh Tông sau đó. Điều đó minh chứng gián tiếp tính chất đúng đắn của đường lối cải cách do Hồ Quý Ly đề ra từ những năm cuối thế kỷ XIV.

Ngót sáu trăm năm đã trôi qua, nhưng những cải cách đó của Hồ Quý Ly vẫn còn để lại nhiều điều bổ ích cho chúng ta trong cuộc đổi mới hôm nay.

 

<

Tin mới nhất

Tướng công Lê Thành, bậc tôi trung của Lê Lợi(21/11/2023 11:00 SA)

Khắc Quốc công Lê Văn An: Võ tướng được ban quốc tính(12/09/2023 10:45 SA)

DANH NHÂN XỨ THANH(14/03/2022 2:00 CH)

Tiến sĩ Tống Duy Tân với Phong trào Cần Vương.(13/03/2022 11:16 SA)

HỒ QUÝ LY VỚI NHỮNG CỐNG HIẾN LỚN NÊU TRONG CẢI CÁCH NÔNG NGHIỆP.(13/03/2022 8:45 CH)

XUÂN ẤY LÊ LỢI DỰNG CỜ.(02/02/2022 8:34 SA)

Di tích thắng cảnh Hàn Sơn (26/10/2012 9:17 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
2059 người đã bình chọn
°
651 người đang online