Sông Mã của xứ Thanh

Đăng ngày 05 - 02 - 2022
100%

Trên hành trình 410 km đổ vào đất Việt, sự hùng vĩ của dòng sông Mã được mệnh danh là hệ thống sông lớn nhất ở Thanh Hoá. Sông Mã đã gắn liền với sự hình thành của miền đất xứ Thanh suốt từ vùng cao tới tận vùng đồng bằng và miền biển.

Đặc biệt, châu thổ sông Mã được hình thành và phát triển dần dần qua nhiều giai đoạn trong thế Plếitôxen và thế Hôlôxen để tạo nên một vùng đồng bằng Thanh Hoá bao la, trù phú đón nhận người nguyên thuỷ tụ cư ngay từ thời tiền sử... Với nhiều chi nhánh và chảy qua các vùng, miền khác nhau trong tỉnh, sông Mã đã góp phần chủ yếu trong giao thông đường thuỷ xưa ở đất Thanh. Và ngay cả ngày nay ở vào thời hiện đại, con đường thuỷ trên sông Mã vẫn không kém phần quan trọng. Từ sông Mã và các chi lưu của nó, thuyền bè có thể ngược, xuôi, lên rừng, xuống biển, đi được hầu hết các vùng, miền trong tỉnh và còn ra cả tỉnh ngoài... Phần lớn các huyện ở Thanh Hoá có sông Mã và các chi lưu của nó chảy qua như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá, Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc, Thiệu Hoá, Yên Định, Đông Sơn, Hoằng Hoá, Hà Trung, Hậu Lộc, thành phố Thanh Hoá. Hầu hết các vùng đất này do vị trí thuận lợi đã xuất hiện sớm các khu dân cư, các chợ làng nằm sát ven sông Mã (trên bến, dưới thuyền) - xưa kia là những tụ điểm giao lưu kinh tế, văn hoá chủ yếu ở xứ Thanh như thị trấn Hồi Xuân (Quan Hoá), chợ Phong Ý (xã Cẩm Phong, Cẩm Thuỷ), chợ Dương Xá (Đông Sơn), chợ Sét (Yên Định) v.v.. Bởi thế bằng đường thuỷ trên sông Mã, du khách sẽ có dịp vãng cảnh ở xứ Thanh suốt từ vùng cao, tới tận đồng bằng và miền biển với những di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh đặc sắc.

Dòng sông Mã anh hùng trong lòng xứ Thanh.

Hãy từ ngọn nguồn nơi sông Mã đổ vào địa phận xứ Thanh tại xã Tam Chung, huyện Mường Lát, chúng ta sẽ bắt gặp nơi hợp lưu của ba con sông Mã, sông Lũng và sông Sơn Trà tạo nên phố Hồi Xuân (H. Quan Hoá) là tụ điểm giao lưu nổi tiếng ở miền núi Thanh Hoá từ xưa. Nơi đây, Mường cổ Ca Da có truyền thống lâu đời lưu giữ nhiều vốn cổ văn hóa văn nghệ dân gian của dân tộc Thái (gồm 5 xã Phú Nghiêm, Hồi Xuân, Nam Xuân, Trung Xuân, Phú Xuân). Đặc biệt cách không xa phố Hồi Xuân chừng 300m, ta sẽ gặp di tích mộ táng treo trên vách núi mới được Viện khảo cổ học phát hiện năm 1998, có niên đại khoảng từ thời Lý trở lên (khoảng thế kỷ XI). Tới UBND huyện Quan Sơn, ta sẽ được chiêm ngưỡng trống đồng loại II, được phát hiện và lưu giữ trong nhà truyền thống, là chứng tích của văn hoá Đông Sơn ở miền Tây Thanh Hoá. Nơi đây còn có một hệ thống đền đài, miếu mạo là những dấu ấn lịch sử về tinh thần đấu tranh dựng nước của cha ông, trở thành những di tích lịch sử văn hoá gắn liền với dòng sông Mã. Đó là đền thờ Trần Nhật Duật, một danh tướng có nhiều công tích thời Trần (tại thị trấn Hồi Xuân). Những đền thờ các tướng lĩnh có công trạng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở thế kỷ XV như: Đền Khâm Ban (Phò mã nhà Lê tại Hồi Xuân), đền Tư Mã (xã Tén Tần, Mường Lát), đền và bia ghi sự tích về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (ở Mường Lát)... Đến thời kháng Pháp, đồn Hồi Xuân, nơi cách mạng tập trung cướp chính quyền nay đã trở thành di tích lưu niệm Cách mạng kháng chiến. Đặc biệt, tại Phá Ú Hồ (xã Phú Thanh, Quan Hoá) - một địa danh thắng cảnh, cũng là địa điểm trận địa bắn rơi máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại, vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Tới huyện Bá Thước, sông Mã chảy vào giữa huyện nên từ đầu đến cuối huyện, những ghềnh, thác, hang động với những cảnh quan mỹ lệ, huyền bí, xuất hiện nhiều truyền thuyết, giải thoại thần kỳ và thơ mộng. Thác, ghềnh trên sông Mã tại Bá Thước như: thác Suội, thác Cả, thác Long, thác Ngốc Cùng... là những thác ghềnh nguy hiểm trở thành câu hò quen thuộc đối với người ngược, xuôi trên sông Mã.

Nhất Suội, nhị Cả, ba Long

Lòng còn ái ngại Ngốc Cùng mà thôi.

(Hò sông Mã)

Thành phố Thanh Hóa yên bình bên đôi bờ sông Mã.

Các hang, động nằm ven đôi bờ sông Mã như hang Làng Tráng, Mái Đá Điều, Mái Đá Nước, hang Anh Rồ, hang làng Cốc, hang làng Chuông, hang Ma Xá, hang làng Cuộn... là những di chỉ khảo cổ học trở thành địa chỉ di tích lịch sử, văn hoá thời tiền sử, sơ sử của đất Thanh. Bên cạnh đó, địa điểm văn hóa Mường Ông (xã Thiết Ông), Mường Ai (xã Ái Thượng) là nơi phát tích của sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” mà dấu tích Đồi Chu (Thiết Ông) vẫn còn in dấu lại. Mường Khô là nơi phát tích trường ca Khăm Panh, mường Ai nơi phát tích của xường, truyện Nàng Om và điệu múa Pồn Poông tha thiết. Chính những mường cổ như mường Khô, mường Ông, mường Ai, mường Khả, mường Âm là những mường lớn lưu giữ nhiều vốn quý về văn hoá dân gian đã ngược xuôi cùng sông Mã tự bao đời nay. Sông Mã tại Bá Thước còn được chứng kiến những trận đánh lịch sử của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo hồi thế kỷ XV. Đó là trận Ải Thiết Ống (xã Thiết Ống) thắng giặc Minh oanh liệt (1422); đồn luỹ Chiềng Lẫm (xã Điền Lư) căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn (1421-1423), nơi xảy ra trận quyết chiến, chiến lược góp phần quyết định cho nghĩa quân kết thúc giai đoạn hoạt động du kích ở vùng rừng núi Thanh Hóa (1418-1423); tiến xuống đồng bằng, giành thế chủ động vào Nam, ra Bắc tiêu diệt quân thù và giành toàn thắng vào năm 1428. Nơi đây còn lưu nhiều dấu tích trong phong trào Cần Vương chống Pháp hào hùng của các văn thân, nghĩa sĩ, đồng bào các dân tộc tại miền núi rừng Thanh Hoá hồi nửa sau thế kỷ XIX. Đó là đền thờ các thủ lĩnh phong trào Cần Vương chống Pháp như: Đền thờ Hà Văn Nho (xã Văn Nho); đền Lư cùng đồn luỹ, bia ký thờ Hà Văn Mao (ở xã Điền Lư), hang Văn Kỷ (xã Văn Nho) nơi đặt bản doanh của Hà Văn Nho và Tống Duy Tân v.v... Cũng tại đây, thời kháng Pháp, các đồn La Hán (thị trấn Cành Nàng), đồn Cổ Lũng (xã Cổ Lũng) là những nơi chứng kiến nhiều trận chiến đấu đánh giặc kiên cường và chiến thắng vẻ vang của quân và dân Thanh Hoá, nay đã trở thành những di tích kháng chiến chống Pháp oanh liệt.

Sông Mã cùng với núi rừng hùng vĩ ở Bá Thước còn tạo nên những khu thắng cảnh tuyệt đẹp như danh thắng tại xã Lương Nội và thắng cảnh Son Bá Mười ở xã Lũng Cao...

Tại huyện Cẩm Thuỷ, sông Mã tiếp tục chảy vào giữa huyện tạo nên các bãi bồi đôi bờ rộng bát ngát, rất thích hợp với cây ngô. Do đó, ở Cẩm Thuỷ, những bãi ngô nối tiếp nhau xanh ngút ngàn, tít tắp khiến cho cảnh quan khá gần gũi với miền đồng bằng... Bởi vậy, sông Mã chảy tới Cẩm Thuỷ, lòng được nới rộng hơn. Song dãy núi Diệu Sơn (núi Mâu - bắc sông Mã) ép sát bờ sông; nhiều chỗ dường như đứng chắn ngang sông, bắt dòng sông phải rẽ dòng một cách đột ngột về phía phải. Ngọn núi cuối cùng ép sát dòng sông Mã nơi đây chính là ngọn núi Cửa Hà - đã tạo nên một danh thắng “Cửa Hà” độc đảo của xứ Thanh. Do đó, hướng sông hầu như song song với dãy núi này, khiến cho sông, núi hoà quyện vẽ nên một bức tranh “sơn thuỷ hữu tình” kỳ thú...

Từ xưa, các chợ ở Cẩm Thuỷ như chợ Phong Ý (xã Cẩm Phong) lắm lâm, thổ sản; chợ Mầu Bãi (xã Cẩm Vân) nhiều ngô, sắn, đậu xanh; chợ Cẩm Sơn (huyện lỵ) vô vàn sắn ngô, cá sông, cá lồng... rồi luồng Cẩm Thuỷ cũng là đặc sản quý. Những mặt hàng đó đã theo sông Mã về xuôi để tới nhiều vùng, miền trong tỉnh.

Cầu Chiềng Nưa nối bản Chiềng Nưa (xã Mường Lý) với bản Sao Lư (xã Trung Lý) thuộc huyện Mường Lát.

Trên đất Cẩm Thuỷ, những di tích khảo cổ học được phát hiện và trở thành những di tích lịch sử, văn hoá như Mái đá núi Một, hang núi Một, hang Trống, Mái đá làng Bon, hang Điền Hạ (I, II, III), mái đá chòm Đồng Đông, mái đá chòm Đồng Tây, hang Chòm Vạn, hang Chòm Bét, mái đá Thạch Sơn, hang Chuông, hang Lơi, hang Lộc Thịnh (I, II); hang Mộc Trạch.

Tại đây, một hệ thống đình, chùa, nghè, miếu cũng trải dài theo đôi bờ sông Mã, gồm các đền thờ thần nữ, thờ nhiên thần, và thờ các vị anh hùng dân tộc và những người có công tích với quê hương. Đó là đền thờ Kỳ Lân ở xã Cẩm Sơn, đền Rồng (xã Cẩm Long) thờ Kỳ Đà Đại Vương, đền Tứ Phủ Long Vương (rắn thần) giúp vua dẹp giặc, giúp dân trồng cây ở xã Cẩm Lương, đền Bến Hang, thờ người vợ Hồ Quý Ly (thế kỷ XV) có công tích cho lính khẩn hoang, đào mương giúp dân. Đền thờ những vị có công đánh giặc như: đền Đô đốc quận công ở xã Cẩm Tân, đền Nhà trong thờ ông Sơn đen, Sơn đỏ có công đánh giặc thời Lê; đền thờ Trần Hưng Đạo ở xã Cẩm Sơn v.v... các nghè ở Cẩm Thuỷ cũng khá nhiều, đó là nghè Chúc (xã Cẩm Vân) thờ Tản Viên (Kiến trúc thời Lê - thế kỷ XVI). Nghè Vọng (xã Cẩm Giang) thờ Bạch Y công chúa có công giúp Lê Lợi đánh giặc (thế kỷ XV), nghè Phe Đông (xã Cẩm Vân) thờ ông Lê Vũ Mục có công dẹp giặc và lập ấp (thời Lê - thế kỷ XVII), nghè Hạ (xã Cẩm Yên) thờ ông Đạo Xà v.v... Đặc biệt, chùa thờ Phật tại Cẩm Thuỷ hầu như được xây dựng cụm lại ở một địa vực. Chúng ta thấy riêng xã Cẩm Thành có tới 6 chùa, xã Cẩm Thạch có 2 chùa, xã Cẩm Liên có 2 chùa. Có những chùa được xây trong hang và là thắng cảnh hoà đồng cùng cảnh sắc núi rừng và dòng sông Mã như chùa Làng Bet, chùa Rồng (xã Cẩm Thạch). Đình ở Cẩm Thuỷ được phân bố khá rộng; hầu như làng nào cũng có, chủ yếu để thờ Thành Hoàng. Thành Hoàng được thời trong đình có thể là nhiên thần, thiên thần như: Đình Phú Lộng (xã Cẩm Ngọc) thờ Cao Sơn, đình quan Bản Thổ (xã Cẩm Phong) thờ thổ thần, đình làng Chiềng (xã Cẩm Quý) thờ thần Vũ v..v... Thành Hoàng là tổ nghề như đình làng Chà Vải (xã Cẩm Ngọc) thờ tổ nghề dệt. Và Thành Hoàng là những vị có công dẹp giặc, giúp dân được thờ trong đình làng tại Cẩm Thuỷ rất nhiều như: thờ Lê Lợi (anh hùng dân tộc thế kỷ XV), thờ Trương Nghĩa, người có công tập hợp binh sĩ phù Lê diệt Mạc, thờ Hà Văn Mao (thời Cần Vương chống Pháp), Hà Công Tiến, Hà Văn Thái người khai canh, lập ấp v.v...

Cầu Hàm Rồng trên dòng sông Mã

Núi, rừng và sông Mã tại Cẩm Thuỷ hoà quyện vào nhau, kiến tạo nên những danh thắng tuyệt mỹ, dễ hút hồn du khách. Đó là danh thắng Mó Đóng (mó Cá) làng Dùng, xã Cẩm Liên, từng bầy, đàn cá tự nhiên bơi lượn dày đặc cả mặt nước mà dân trong vùng gọi là Mó cá thần. Suối cá thần làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, có nguồn nước suối quanh năm và nhiều cá vô kể. Hang động Trường Sinh (xã Cẩm Lương) khá rộng, lớn với động Thiên và Thuỷ vô vàn những nhũ đá lóng lánh, muôn màu sắc như cảnh thần tiên. Đặc biệt, thắng cảnh Cửa Hà (Cẩm Phong) đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngoạn mục “sơn thuỷ hữu tình". Nơi đây từng là tiền đồn của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh hồi thế kỷ XV. Tại đây, hướng sông Mã dường như song song với dãy núi Hà. Sông núi hoà quyện nhau, gắn bó, rồi đành bịn rịn, dứt ra để dòng sông Mã xuôi về với đồng bằng bao la của xứ Thanh.

 

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Đình Phú Thọ và tục thờ thần Cao Các thời An Dương Vương(08/01/2024 3:39 CH)

    Vì sao du lịch Thanh Hóa có pha bứt tốc mạnh mẽ?(17/08/2023 2:11 CH)

    Xác định tiêu chí di tích Hang Con Moong đề cử Danh mục Di sản thế giới (02/08/2023 9:56 SA)

    Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa(10/11/2022 3:55 CH)

    VƯỜN QUỐC GIA BẾN EN.(15/03/2022 8:39 SA)

    DI TÍCH THẮNG CẢNH XỨ THANH(14/03/2022 2:45 CH)

    NÚI RỒNG - SÔNG MÃ - CẦU HÀM RỒNG.(13/03/2022 8:42 CH)

    Sông Mã của xứ Thanh(05/02/2022 5:46 CH)

    Chỉ đạo điều hành

    Văn bản mới

    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
    2026 người đã bình chọn
    °
    1721 người đang online