Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa

Đăng ngày 10 - 11 - 2022
100%

Nằm ở phía Đông Bắc thành phố Thanh Hoá, cách trung tâm chừng 5km, làng Đông Sơn tụ cư bên bờ sông Mã (nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá) là địa điểm đầu tiên tìm thấy và khai quật được nhiều di vật thuộc sơ kỳ đồ sắt sớm, cách ngày nay trên hai ngàn năm. Đây cũng là nơi tìm thấy trống đồng Đông Sơn (trống loại I Heger) thông qua quật khảo cổ học.

Cho đến nay, đã gần một thế kỷ trôi qua kể từ ngày đầu tiên di tích văn hoá Đông Sơn được phát hiện. Năm 1924, một nông dân làng Đông Sơn, sau cơn nước to ra bờ sông Mã câu cá, đã tình cờ phát hiện được một số đồ đồng nằm trong lòng đất nơi bờ sông bị lở. Những đồ đồng này được đem bán cho Pa Giô (L.PaJot, một viên thuế quan Thanh Hoá thời bây giờ). Phát hiện này được báo tới trường Viễn Đông Bác Cổ và Pa Giô được uỷ nhiệm tiến hành khai quật di tích Đông Sơn suốt từ năm 1924 đến 1932, thu được 489 hiện vật bằng đồng.

Có thể nói, tư liệu thu lượm được trong các đợt khai quật của Pa Giô (L.PaJot) ở Đông Sơn là vô cùng quan trọng, đã trở thành tư liệu cơ bản, duy nhất cho các học giả trong và ngoài nước trong nhiều năm nghiên cứu về nền văn hoá độc đáo này. Song, đáng tiếc do trình độ chung của khảo cổ học thế giới những năm 20 của thế kỷ XX, cùng với khả năng chuyên môn của một người làm khảo cổ nghiệp dư, các cuộc khai quật của Pa Giô có rất nhiều thiếu sót, gây khó khăn cho việc nghiên cứu di tích Đông Sơn cũng như cho cả nền văn hoá này.

Tuy vậy, tài liệu về Đông Sơn của Pa Giô được công bố đã gây tiếng vang trên thế giới, thu hút sự chú ý của nhiều học giả. Mười năm sau, kể từ khi phát hiện - năm 1934, trong một bài nghiên cứu về đồ đồng ở Đông Nam Á, nhà khảo cổ học người Áo có tên là Heine - Geldem đã đề nghị gọi tên nền văn hoá đồ đồng này là văn hoá Đông Sơn. Từ đó đến nay, thuật ngữ văn hoá Đông Sơn đã trở thành phổ biến, nổi tiếng và được các học giả trên thế giới chấp nhận. Vậy, làng Đông Sơn là địa điểm đầu tiên tìm ra dấu vết của nền văn hoá kim khí rực rỡ với nhiều di vật quý gồm đồ đồng, đồ đá, đồ gốm và đồ sắt...

Sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt, thập kỷ 60 những nhà khảo cổ học non trẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã tiến hành những đợt nghiên cứu, khai quật ở đây. Mở đầu là cuộc khai quật di chỉ Thiệu Dương (TP. Thanh Hóa). Đây là cuộc khai quật có quy mô lớn đầu tiên một di tích văn hóa Đông Sơn bên bờ sông Mã, phát hiện một loạt mộ táng huyệt đất với nhiều đồ tuỳ táng bằng đồng, đồ gốm và đồ trang sức bằng đồng và đá.

Cuối năm 1961, di tích Đông Sơn lại được khai quật, cũng phát hiện hàng loạt mộ đất cùng một số mộ thời Bắc thuộc trong tầng văn hoá với nhiều đồ tuỳ táng bằng đồng và gốm. Tiếp những năm sau đó, một loạt các di tích văn hoá Đông Sơn được phát hiện tại lưu vực sông Mã như di tích núi Nấp, núi Sủi, Hoằng Lý, Quỳ Chử... Tại lưu vực sông Hồng cũng phát hiện được rất nhiều di tích Đông Sơn và trên lưu vực sông Cả phát hiện được di tích Xuân Áng (Hà Tĩnh), tiếp đó là di chỉ làng Vạc.

Mấy chục năm qua, từ một di tích Đông Sơn, chúng ta đã biết tới hàng trăm di tích Đông Sơn và tiền Đông Sơn trên lãnh thổ Việt Nam. Riêng Thanh Hoá, phát hiện được nhiều nhất gần 100 di tích Đông Sơn và được phân bố trên khắp cả bốn miền của tỉnh từ đồng bằng, trung du, miền núi đến miền biển. Văn hoá Đông Sơn là một sự hoà nhập, hội tụ của các văn hoá tiền Đông Sơn mang đậm tính địa phương. Đông Sơn đã như “một biển lớn đón nhận những dòng sông văn hoá tiền Đông Sơn khác nhau và Thanh Hoá đã có một dòng sông văn hoá riêng đổ vào biển Đông Sơn”)... Văn hoá Đông Sơn đã đạt tính thống nhất văn hoá trên địa bàn rộng lớn, chứng tỏ sự hoà hợp các bộ lạc để hình thành một Nhà nước sơ khai. Đó là Nhà nước Văn Lang thuở các vua Hùng dựng nước mà Thanh Hoá bấy giờ thuộc bộ Cửu Chân. Vào thời kỳ này đã có những làng xóm định cư lâu dài như Đông Sơn, Thiệu Dương...

Đến nay, số hiện vật của văn hoá Đông Sơn tìm được lên đến hàng vạn chiếc là nguồn tư liệu quý cho việc nghiên cứu được toàn diện, chính xác hơn về nền văn hoá này. Các hiện vật như công cụ sản xuất có lưỡi cày đồng, liềm, lưỡi câu, rìu sắt... Vũ khí có rìu chiến, dao găm, giáo, mác, mũi tên đồng... đồ đựng có nồi, âu, bình, vò, thố, thạp... đồ trang sức có vòng tay, khuyên tai (cả đá, thuỷ tinh và đồng) đặc biệt là tác phẩm nghệ thuật độc đáo với tượng, chuông, khèn, trống... Song, trống là di vật điển hình của văn hoá Đông Sơn. Trống loại I Heger - trống Đông Sơn tại Việt Nam đã công bố 143 chiếc (năm 1993), riêng Thanh Hoá nhiều trống nhất - đến nay đã phát hiện trên 80 chiếc. Theo các nhà nghiên cứu cho biết, chủ nhân sáng tạo nền văn hoá Đông Sơn chính là người Lạc Việt.

Trước đây, các học giả nước ngoài, do hạn chế về mặt tư liệu và quan điểm lịch sử đã không tránh khỏi những nhận định phiến diện, vội vàng cho nguồn gốc văn hoá Đông Sơn là từ bên ngoài vào. Ngày nay, nguồn gốc bản địa của nền văn hoá Đông Sơn đã được chứng minh và khẳng định chắc chắn với nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam và nước ngoài bởi những quan điểm, phương pháp và tư liệu mới. Tại Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy tính thống nhất và đa dạng của văn hoá Đông Sơn. Văn hoá Đông Sơn đã hình thành trực tiếp từ ba giai đoạn văn hoá thuộc ba vùng (hay loại hình) khác nhau trước khi hoà nhập vào nền văn hoá Đông Sơn thống nhất. Đó là ba trung tâm văn hoá nằm trong hệ thống nền văn hoá tiền Đông Sơn thuộc thời đại kim khí: Với lưu vực sông Hồng là văn hoá Gò Mun, lưu vực sông Mã là văn hoá Quỳ Chử và lưu vực sông Lam là văn hoá làng Vạc. Tại xứ Thanh đã có con đường riêng mang sắc thái địa phương tiến tới sự hội tụ và kết tinh thành văn hoá Đông Sơn với chặng đường phát triển từ Cồn Chân Tiên - Đồng Khối - Quỳ Chữ.

Văn hoá Đông Sơn không chỉ phân bố ở Bắc Việt Nam. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ảnh hưởng của nó lan toả khắp Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Idonexia, cả Đông Nam Trung Quốc và lại không ngừng thu nhận nhiều yếu tố văn hoá bên ngoài làm giàu cho chính mình.

Kể từ ngày phát hiện, văn hoá Đông Sơn luôn được các học giả trong và ngoài nước chú ý, nghiên cứu. Riêng khảo cổ học Việt Nam đã đạt được thành tựu lớn - đặc biệt là tìm ra con đường dẫn tới nguồn gốc bản địa của nền văn hoá Đông Sơn trên lãnh thổ Việt Nam. Quê Thanh, nơi phát hiện ra di tích văn hoá Đông Sơn đầu tiên cũng là nơi nở rộ những thành công trong quá trình nghiên cứu văn hoá Đông Sơn từ gần một thế kỷ qua, đã góp phần đáng kể vào thành tựu lớn của nghiên cứu sử học dân tộc ở thế kỷ XXI.

 

<

Tin mới nhất

Đình Phú Thọ và tục thờ thần Cao Các thời An Dương Vương(08/01/2024 3:39 CH)

Vì sao du lịch Thanh Hóa có pha bứt tốc mạnh mẽ?(17/08/2023 2:11 CH)

Xác định tiêu chí di tích Hang Con Moong đề cử Danh mục Di sản thế giới (02/08/2023 9:56 SA)

Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa(10/11/2022 3:55 CH)

VƯỜN QUỐC GIA BẾN EN.(15/03/2022 8:39 SA)

DI TÍCH THẮNG CẢNH XỨ THANH(14/03/2022 2:45 CH)

NÚI RỒNG - SÔNG MÃ - CẦU HÀM RỒNG.(13/03/2022 8:42 CH)

Sông Mã của xứ Thanh(05/02/2022 5:46 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
2026 người đã bình chọn
°
1398 người đang online