Về với vùng đất Nam Ngạn xưa

Đăng ngày 20 - 11 - 2023
100%

Nằm bên bờ sông Mã, tên làng Nam Ngạn có từ thời nhà Trần, gắn liền với công lao của Liệt hầu đồng bình Chương sự Chu Văn Lương - người đã vâng lệnh vua Trần đi khai hoang, mở nước. Khi đến vùng đất bên bờ sông Mã, ông đã dừng lại khai phá đất đai, mở lớp dạy học và lập nên trại Nam Ngạn. Tên gọi Nam Ngạn có từ thuở ấy.

Nằm trong không gian của văn hóa Đông Sơn, Nam Ngạn được biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng hào hùng. Đi qua thời gian, trên đất Nam Ngạn ngày nay là những dấu tích lịch sử, văn hóa... được gìn giữ.

Tượng đài Nam Ngạn chiến thắng ghi nhớ sự anh dũng của quân, dân Nam Ngạn trong chiến đấu.

Theo lời giới thiệu, tôi tìm gặp ông Lê Ngọc Thắng - Bí thư chi bộ phố Nam Ngạn 1, Trưởng Ban quản lý di tích đền thờ Chu Văn Lương, đồng thời là bậc cao niên có nhiều hiểu biết tại địa phương. “Được bồi đắp bởi phù sa sông Mã tốt tươi, thuận lợi cho trồng trọt, bởi vậy nơi đây hàng ngàn năm trước đã có con người đến sinh sống. Tuy nhiên, phải đến thời Trần, thì mới hình thành nên xóm làng và cái tên Nam Ngạn mới chính thức được nhắc đến trong thần phả của làng, cũng như một số tài liệu xưa. Muốn hiểu về vùng đất này, có lẽ phải bắt đầu từ vị Thành hoàng làng Chu Văn Lương”. Vừa nói, ông Thắng vừa dẫn chúng tôi ra ngôi đền thiêng của người dân Nam Ngạn.

Thần phả của làng Nam Ngạn đến nay vẫn lưu truyền, ngài Chu Văn Lương vốn quê ở miền ngoài, có mẹ họ Trần vốn thuộc dòng dõi trâm anh, còn cha làm nghề dạy học và bốc thuốc cứu người. Từ nhỏ, cậu bé Chu Văn Lương đã nổi tiếng thông minh, lại chăm chỉ luyện tập võ nghệ. Lớn lên, vì có nhiều công trạng với vùng đất Long Biên (thuộc Hà Nội ngày nay) nên được vua Trần yêu quý, phong cho chức Liệt hầu đồng bình Chương sự (chức quan được cho là giữ việc giáo hóa, dạy dân). Cũng bởi đã có kinh nghiệm trong việc giáo hóa người dân, nên năm 1258, chàng trai Chu Văn Lương được vua Trần tin tưởng cử về vùng đất xứ Thanh theo chính sách khai hoang, chiêu dân lập ấp. Khi đến vùng đất Đông Sơn, đã chọn trại Nam Ngạn làm chốn dừng chân để mở lớp dạy học, dạy dân làm ăn.

Khi giặc Nguyên Mông với dã tâm bành trướng sang xâm lược nước ta, trước tình thế gian khó, vua Trần đã mở hội nghị Diên Hồng bàn việc nước. Trong hội nghị lịch sử này, quan Liệt hầu đồng bình Chương sự Chu Văn Lương đã cùng với các bô lão nhất tề đồng lòng đánh giặc, giữ gìn non sông gấm vóc Đại Việt.

Hưởng ứng lời hiệu triệu cứu nước, Liệt hầu đồng bình Chương sự Chu Văn Lương đã về lại Nam Ngạn, chọn được hơn 500 trai tráng trong làng có sức khỏe, thạo sông nước, giỏi võ nghệ. Ngoài ra, ngài còn cho người đi các huyện tuyển thêm hàng nghìn trai tráng về đây luyện tập đêm ngày, sẵn sàng xung trận. Dưới sự dẫn dắt của quan Liệt hầu đồng bình Chương sự Chu Văn Lương, đạo quân Nam Ngạn đã tiến ra Hải Dương đánh giặc. Tương truyền, sau thời gian trận mạc, đạo quân do Chu Văn Lương lãnh đạo đã bắt được tướng giặc, đại thắng trở về. Khi vua Trần ban thưởng, dù được giữ lại triều đình làm quan, song Chu Văn Lương lại xin được trở về Nam Ngạn xứ Thanh sống cùng người dân.

“Liệt hầu đồng bình Chương sự Chu Văn Lương không chỉ là người đã có công chiêu dân, lập nên làng Nam Ngạn, mà còn được xem là người thầy đầu tiên dạy chữ cho người dân trên vùng đất này. Vì thế, sau khi ngài mất, đã được vua Trần sắc phong Thượng đẳng phúc thần và người dân Nam Ngạn lập đền thờ phụng, tôn làm Thành hoàng làng. Điều này có nghĩa, đền thờ Thành hoàng làng Chu Văn Lương trên đất Nam Ngạn đã có lịch sử ra đời cách đây khoảng 7 thế kỷ” - ông Lê Ngọc Thắng cho biết.

Theo các tài liệu còn lưu giữ tại địa phương, đền thờ Chu Văn Lương khi xưa nằm sát về phía sông Mã. Tuy nhiên, cuối thời Lê, một năm lụt lội khiến nước dâng vào bên trong đền, nên đền thờ Chu Văn Lương và chùa Mật Đa được dời vào vị trí mới cho đến ngày nay. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đền thờ Chu Văn Lương hiện mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Cũng bởi có nhiều công trạng với đất nước và dân làng, qua các triều đại phong kiến, Thành hoàng làng Chu Văn Lương đã nhiều lần được ban sắc phong. Hiện nay tại đền thờ còn lưu giữ 9 đạo sắc phong qua các triều Lê, Nguyễn.

Cũng theo ông Lê Ngọc Thắng, cùng với đền thờ Chu Văn Lương thì chùa Mật Đa trên đất làng Nam Ngạn cũng là một công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng vào thời Trần. Tương truyền, chùa Mật Đa năm xưa được dựng lên theo lệnh của Liệt hầu đồng bình Chương sự Chu Văn Lương. Bên cạnh việc thờ Phật, chùa còn là nơi để ngài dạy học và chữa bệnh cho người dân.

Về 2 di tích có lịch sử lập dựng sớm nhất trên đất Nam Ngạn, theo sách Địa chí TP Thanh Hóa: “Làng Nam Ngạn có đền thờ Chu Văn Lương, một vị tướng có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông đời Trần. Trong đền còn nhiều hiện vật mang phong cách hoa văn của thế kỷ 15 - 16. Đền còn có một tấm bia với nội dung bàn về hương ước của làng. Trong làng Nam Ngạn còn có một ngôi chùa khá nguyên vẹn, mang đậm dấu ấn của Tam giáo đồng nguyên. Chùa có tên Mật Đa tự”. Ngày nay, đền thờ Chu Văn Lương và chùa Mật Đa đều thuộc cụm di tích lịch sử Nam Ngạn, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

“Không chỉ là di tích lịch sử, trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đền thờ Chu Văn Lương và chùa Mật Đa còn là những địa điểm chứng kiến sự quật cường của đất và người Nam Ngạn. Nếu như đền thờ Chu Văn Lương từng là kho chứa binh lương, đạn dược phục vụ chiến đấu thì chùa Mật Đa chính là nơi cấp cứu thương bệnh binh” - vừa nói, ông Lê Ngọc Thắng vừa dẫn chúng tôi ra phía trước chùa Mật Đa, nơi có tượng đài Nam Ngạn chiến thắng gắn liền với trận chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng của quân dân Nam Ngạn ngày 3 và 4-4-1965; cùng với đó là dấu tích của hầm chỉ huy năm xưa.

Năm 1965, để thực hiện mưu đồ đánh phá miền Bắc, mục tiêu của đế quốc Mỹ chính là các cầu, kho vũ khí, đạn dược. Và cầu Hàm Rồng là một trong những mục tiêu đầu tiên của kẻ địch. Với máy bay tối tân, trang bị hiện đại và đội quân thiện chiến, kẻ địch hung hăng tưởng rằng có thể nhanh chóng phá hủy cầu Hàm Rồng.

Trong hai ngày (3 và 4-4-1965) cùng với các lực lượng vũ trang bảo vệ cầu Hàm Rồng, Nhân dân Nam Ngạn đã góp công lớn trong việc bắn hạ nhiều máy bay Mỹ, để cầu Hàm Rồng sừng sững hiên ngang nối liền đôi bờ sông Mã. Đó là hình ảnh nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vác trên vai 2 hòm đạn vượt đê tiếp viện kịp thời cho các chiến sĩ chiến đấu; những cụ già cùng nhau nổi lửa nấu cơm phục vụ bộ đội; và cả những nhà sư mặc tiếng đạn bom rền vang trên bầu trời, cày xới mặt đất, cứ miệt mài cấp cứu người bị thương... Chiến tranh đi qua, nhưng ký ức về những ngày đạn bom, khói lửa đau thương, hiểm nguy và rất đỗi hào hùng vẫn “sống mãi” cùng lịch sử của đất và người Nam Ngạn...

Về thăm vùng đất bên bờ sông Mã, trong “nhịp” chảy trôi của cuộc sống hiện đại, còn đó những dấu tích lịch sử, nét đẹp văn hóa đang được người dân giữ gìn. Đó vừa là niềm tự hào, cũng là “nguồn lực” tinh thần để đất và người Nam Ngạn vươn mình phát triển.

 

<

Tin mới nhất

Về với vùng đất Nam Ngạn xưa(20/11/2023 10:55 SA)

TỔNG QUAN VỀ THANH HOÁ(26/01/2007 9:06 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
2059 người đã bình chọn
°
358 người đang online