Văn hóa vùng đất Văn Trinh.

Đăng ngày 11 - 08 - 2021
100%

Vùng đất Văn Trinh xưa, nay thuộc hai xã: Quảng Hợp, Quảng Hoà huyện Quảng Xương. Nơi đây có núi, có sông - dòng sông Lý hiền hòa chảy qua như một dải lụa mềm, tạo cho cảnh quan nơi đây như một bức tranh thủy mặc “sơn thủy hữu tình”. Trong quá trình đó, sản sinh nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đã tạo cho con người nơi đây có một sắc thái, diện mạo riêng trên vùng quê xứ Thanh.

Cùng với sự tồn tại và phát triển của làng xã, vùng đất Văn Trinh đã trở thành một địa danh quan trọng của đất nước Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược thế kỷ XIII. Trong cuộc kháng chiến này, nhà Trần đã chọn vùng đất Văn Trinh làm phòng tuyến chốt chặn quân sự quan trọng khi quân giặc tấn công vào Thanh Hóa.

Và cũng từ khi Trần Nhật Duật về Văn Trinh, việc này đã tạo ra diện mạo mới cho quá trình khai hoang lập làng nơi đây. Trong quá trình đó, nhiều giá trị văn hóa tinh thần và vật chất được nảy sinh và lưu giữ, tạo điều kiện cho con người sống trên vùng đất này có một sắc thái, diện mạo văn hóa trên vùng quê xứ Thanh. Hàng năm người dân vùng đất Văn Trinh thường tổ chức những nghi lễ, như: Lễ rước thuyền rồng làng Sòng, lễ Kỳ phúc, lễ tế đảo vũ cầu mưa, lễ Kỵ thánh Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cũng như tổ chức hát nhà trò Văn Trinh hay trò diễn Thiên Linh hết sức độc đáo, vừa mang tính cung đình, vừa mang tính dân gian...

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về một số hoạt động văn hóa của vùng đất Văn Trinh xưa và nay.

1. Lễ hội hát nhà trò Văn Trinh: Năm 1331, Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật mất, hưởng thọ 77 tuổi, triều đình sai lập đền thờ, cho hai đội quân coi giữ lăng miếu. Để tưởng nhớ công lao, ân đức của Trần Nhật Duật, hàng năm nhân dân vùng Văn Trinh tổ chức hai kỳ lễ hội: Lễ hội Kỳ phúc vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch và lễ kị thánh Chiêu Văn vào tháng 8 Âm lịch.

Hát nhà trò Văn Trinh là một trong những hoạt động nghệ thuật nằm trong khuôn khổ kỳ lễ hội thánh Chiêu Văn; đây cũng là nét văn hoá truyền thống đặc sắc của xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) - vốn là vùng đất Văn Trinh xa, nơi mà vị tướng tài ba Trần Nhật Duật đã chọn làm điểm lập ấp đóng quân. Trần Nhật Duật từng được xem là tổ sư âm nhạc đời Trần, một người sành âm luật, giỏi đặt bài ca, điệu múa để các phường hát chầu phục vụ triều đình. Chính ông là người đã khai sinh ra điệu hát nhà trò Văn Trinh - một trong những điệu hát đầu tiên của ca trù Việt Nam.

Biểu diễn hát nhà trò Văn Trinh (ngâm câu đối) tại Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh núi Văn Trinh

và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, xã Quảng Hợp (Quảng Xương).

 (Nguồn ảnh: vhds.baothanhhoa.vn)

Hát nhà trò Văn Trinh mang đậm sắc thái Văn Trinh và gắn liền với các lễ hội truyền thống của vùng. Trong đó, những lời ca được xướng lên đặc biệt tự hào, ca ngợi những anh hùng dân tộc, những cảnh đẹp của sông nước, núi non hữu tình. Dường như khi câu hát xướng lên, người nghe như cảm nhận được từng dòng chảy của thăng trầm lịch sử và từng hơi thở, nhịp điệu của cuộc sống vẫn đang âm thầm chảy theo thời gian, trong lòng mỗi thế hệ đã đi qua của vùng đất “tàng phong tích thủy” này.

Hát nhà trò Văn Trinh không phải là lễ tục, lễ nhạc dân gian mà là điển lễ được dân gian hóa. Bởi vậy, ngoài có những khuôn mẫu riêng, những bài hát trong quá trình lưu truyền đã được nhân dân sáng tạo và bồi đắp nên càng trở nên phong phú. Hàng năm, vào dịp Lễ hội núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật diễn ra ngày mùng 8 tháng 8 Âm lịch (ngày giỗ của Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật), bên cạnh các nghi lễ linh thiêng thành kính thì biểu diễn hát nhà trò Văn Trinh được coi là hoạt động nghệ thuật đặc sắc nhất của lễ hội.

2. Trò diễn Thiên Linh: Hay còn được gọi là “Ngũ trò”, được diễn ra sau tết Nguyên đán tại làng Riềng, thuộc vùng đất 9 xã miền Văn Trinh cũ, nay thuộc xã Quảng Yên. Trò diễn Thiên Linh là hoạt động tế thần Nghiêu Sơn đại vương. “Ngũ trò” được biễu diễn hàng năm tại đền Riềng gồm các trò: Trò Hú Thuần; Trò Quân Thuyền; Trò Văn Vương; Trò Trống Mõ; Trò Tiên Cuội. Nhưng chủ yếu chỉ tập trung diễn hai trò Hú Thuần và Quân Thuyền là chính.

Trò Tú Huần được trình diễn với hình tượng người mẹ: Đầu đội khăn xếp màu đỏ, màu xanh với màu trắng quấn phía trong; yếm cổ quay màu trắng, mặc áo tứ thân màu nâu; váy quay dài chấm gót màu chàm hoặc màu đen, khăn thắt lưng màu canh pha chút sắc đỏ, thắt ngang, bỏ mối trường trước; kiềng bạc đeo cổ, vòng bạc đeo tai, đeo tay; tay cầm trống tiểu cổ (trống con có cán), bưng hai mặt. Người con được đội nón vàng (giống nón dấu của lính thời xưa), chỏm nón cắm lông gà, áo xanh vàng nẹp đỏ hoặc áo đỏ có nẹp xanh, không có tay, cài khuy vải giữ bụng. Cổ áo viền bốn cái hoa lớn màu đen (còn gọi là lá đề). Người diễn vai con phải mặc quần dài màu trắng có hai sọc đen chạy thẳng theo chiều ống chân, quấn xà cạp màu đỏ; năm quân cầm mỏ nhỏ, năm quân cầm sênh ngắn. Nội dung trò diễn Tú Huần chia làm 3 phần: Phần đầu trò (màn chào hỏi), thân trò và kết trò vang lên theo từng hồi trống, nhịp sênh.

Trò diễn Tú Huần đạt giải Nhì tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc Hội chợ Quê

 tỉnh Thanh Hóa năm 2012.

Cùng với trò Tú Huần, trò Quân Thuyền cũng được xem là một trong những trò diễn độc đáo của ngũ trò trong lễ hội đền Thiên Linh. Trò Quân Thuyền được tổ chức với 12 người chơi, chia thành 10 quân và 2 cái. Trước kia quy định nghiêm ngặt, người tham gia trò Quân Thuyền phải được tuyển chọn từ những cô gái đang độ thanh xuân, chưa chồng chứ không đơn giản chỉ là chị em trong xã như bây giờ. Đạo cụ để thực hiện trò diễn Quân Thuyền bao gồm: 10 bai chèo, 10 quạt giấy, 1 trống, 1 mèng (chiêng). Trang phục biểu diễn được chuẩn bị cầu kì, tỉ mỉ, thay đổi theo từng triều đại lịch sử. Thời Tây Sơn, trang phục áo dài 3 cái (áo mớ ba) màu đỏ bên ngoài, vàng giữa, xanh trong. Đến thời Nguyễn, để tránh rườm rà đã chuyển áo xanh mặc ngoài, khăn trùm màu xanh hoặc màu đen. Thời Pháp thuộc, áo mặc ngoài không thay đổi nhưng đầu đội khăn nhiễu, khăn trùm đỏ lập ngang, lưng thắt khăn xanh lẫn vàng bỏ mối trước bụng, yếm trắng quần đen. Vòng tai lớn và vòng kiềng bạc đeo cổ. Trò Quân Thuyền được chia thành 4 phần: Phần giáo đầu, phần chèo chải, phần chèo chạy, phần múa quạt. Khi diễn, hai cái đi đầu, cái cầm trống đi thứ nhất, cái cầm mèng đi thứ hai, dẫn đàn con thong thả đi theo sau theo hàng một rồi đi theo hình chữ “nhất” trước hương án thờ hoặc trước thềm ngọc bệ rồng (mang tính tượng trưng). Trống tiểu cổ đánh một tiếng thì mèng lại đánh một tiếng, tất cả quỳ bái. Sau khi quỳ bái xong, tất cả đi lùi xuống giữa chiếu, 10 quân chia thành đôi, hướng về ban thờ đức thánh mà ngâm nga hát. Hát rằng:

“Chiềng làng lẳng lặng mà nghe

Khóa ni ông nghè, khóa nữa quận công

Quận công rồi lại quốc công

Những ông đô vệ ngồi trong áng này

Là vốn đất này thiềng nổi quan cao

Bốn bên long hổ chầu vào

Đất này thường nổi quan cao đời đời”

(Trích đoạn chèo chải trong trò diễn Quân Thuyền)

 

Dường như, các trò diễn dân gian đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Văn Trinh xưa. Thông qua các trò diễn dân gian này đã thể hiện được sức sáng tạo, sự khéo léo, tinh thần cố kết cộng đồng làng, xã và sự lạc quan, yêu đời của con người nơi đây. Hơn thế nữa, chính từ sự kết hợp khéo léo giữa sinh hoạt văn hóa tâm linh với hoạt động nghệ thuật văn hóa dân gian đã góp phần to lớn vào công cuộc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vốn luôn phải đối mặt với khó khăn, thách thức bị mai một bởi thời gian và chính sự lãng quên của những người trong cuộc.

Lễ hội đua thuyền tại vùng Quảng Xương và Nông Cống.

3. Lễ rước thuyền rồng làng Sòng: Làng Sòng thờ vị thần Tham Xung cùng chị Dương Doanh Công nữ một trong những vị tướng thời Bắc Thuộc sau khi đánh với quân nhà Tùy (Trung Quốc) bị thua, chạy về đất này thì hóa. Từ sáng sớm ngày 8 tháng 3 Âm lịch, dân làng rước thuyền rồng đưa thần Tham Xung từ đền Sòng xuống đền Tế Độ viếng thăm bà chị, đến chiều tối cùng ngày lại rước thần trở lại đền thờ.

Sáng sớm mùng 8 tháng 3, sau khi ông thủ từ làm lễ cáo yết tôn thần, 4 người phu kiệu mặc áo xanh nẹp trắng, khăn vàng thắt lưng bỏ mối bên hông trái, quần trắng quấn xà cạp xanh, đầu đội nón dấu lợp vải vàng, khiêng kiệu sơn đen xuống thuyền rồng. Trong kiệu đặt thánh vị, bát hương, đồ thất sự, mâm bồng... Tất cả màu đen, kiêng màu đỏ (màu máu, vì ngài bị chết chém). Lễ vật, ngoài trầu rượu, đèn hương, hoa quả, năm nào được mùa, cúng cả con lợn luộc chín, hay kém cũng phải cái thủ lợn hoặc cái nọng, ít khi cỗ xôi con gà. Phu thuyền do phu kiệu đảm nhiệm và sái phu, nếu thiếu, tuyển đinh tráng. Thuyền đi trước là thuyền tiền đạo mở đường. Nước sâu dùng chèo, nước cạn họ chống sào. Trên thuyền tiền đạo, ở mũi thuyền có lính tay cầm giáo, trong thuyền có đội trống rước gồm 2 trống bản, 1 trống cái và đội bát âm (chủ yếu chũm chọe, thanh la, kèn, sáo...). Người cầm lái do ông thứ chỉ và tiên chỉ. Thuyền đi sau là thuyền tôn thần chính ngự, che lọng xanh, tàn vàng, cắm cờ đuôi leo, một lá cờ đại màu vàng và đồ bát bửu (tám thứ binh khí). Đi sau thuyền rồng là thuyền hộ giá, có các bậc bô lão, chức sắc thay mặt dân xã, một chiêng lớn điểm nhịp theo trống cái thuyền mở đầu.

Đoàn thuyền cặp bến Tế Độ, rước kiệu lên đền thờ Thần mẫu đặt ở bên phải.

Bởi đường xa hơn, đoàn thuyền hai xã Thanh Nê, Tử Nê Cầu Quan đến chậm; kiệu thánh Lê Hữu đã được dành sẵn bên trái.

Khác chèo đua và bơi giải, đoàn chèo rước kén chọn từ các cô gái tân, nhà không tang trong làng xã. Cứ hai cô một chèo. Mỗi thuyền cộng 24 cô. Người cầm lái phải đạt các tiêu chuẩn: mặt mày sáng sủa, thân thể khỏe mạnh, trên đầu không tang, biết vận, kể hò hay, nhớ nhiều lời hát... Ngoài ra còn thêm một người đánh trống để điều khiển “con chèo, mẹ lái” và điểm nhịp khi hò. Con chèo đồng loạt mặc áo nâu, quần đen hoặc váy thâm, khăn nhiễu tím hoặc nâu chít đầu, khăn thắt lưng xanh bỏ mối dài đàng trước, áo tứ thân thay vai, hay không thay vai, yếm trắng hoặc hoa hiên... Người cầm lái, nếu là chức sắc trong làng càng tốt. Dù là dân thường cũng phải ăn mặc tề chỉnh, khăn nhiễu hay khăn lượt chít đầu (sau dùng khăn xếp), áo đen năm thân, quần chùng trắng. Người cầm trống bản, ăn mặc giống người cầm lái, thường là một cụ già hiểu biết tục lệ trong làng xã, có uy tín, không vướng bận tang cớ...

Ngày nay, hình tượng “con rồng” được giản lược dần và khi tổ chức hội đua thuyền chỉ còn con thuyền để tiện khi bơi đua nhanh gọn. Do đó, những chiếc thuyền rồng được bảo lưu nghiêm ngặt trong những “Lễ rước thuyền rồng” rước các vị thần tước Đại vương dạo bơi trên sông nước hoặc tượng trưng ở một số lễ hội “Chèo chải” cúng tế thần thiêng.

 

<

Tin mới nhất

Lễ hội Lam Kinh năm 2023, Kỷ niệm 605 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang,...(06/10/2023 2:46 CH)

Trên đất làng Mao Xá(12/09/2023 10:51 SA)

ĐỀN BÀ TRIỆU VÀ TỤC ĂN TẾT NGUỘI.(02/02/2022 8:30 SA)

Văn hóa vùng đất Văn Trinh.(11/08/2021 7:45 CH)

LỊCH SỬ THANH HÓA(15/03/2021 11:20 SA)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
2043 người đã bình chọn
°
2338 người đang online