Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Đăng ngày 25 - 12 - 2022
100%

Sáng 25-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06); tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì và điều hành hội nghị. (Ảnh: TTXVN).

Đồng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Thiếu tướng Trần Phú Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.

Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi sốThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: TTXVN).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2022 là năm của những biến động nhanh, phức tạp, khó lường và có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, kinh tế - xã hội năm 2022 của đất nước đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong thành tựu chung đó có đóng góp của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đóng góp của công tác chuyển đổi số.

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, chuyển đổi số quốc gia có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhất là phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu COVID-19; xa hơn là vai trò của chuyển đổi số trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi sốCác đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng, và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số(Ảnh: TTXVN)

Nhấn mạnh về nhiệm vụ nặng nề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 là phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu dự hội nghị đánh giá rõ ràng, khách quan việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 với tinh thần “không tô hồng cũng không bôi đen”.

Đồng thời, nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, “điểm nghẽn” cản trở đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; tìm đúng nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể, hữu hiệu đối với việc triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 trong năm 2023, cũng như trong dài hạn. Trong đó, việc kết nối, khai thác dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tham gia vào quá trình này.

Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi sốTrung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Đề án 06 (Ảnh: TTXVN).

Báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 tại hội nghị nêu rõ: Công tác chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt. Nổi bật là kết quả thực hiện các dịch vụ công đã hoàn thành, đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân lên môi trường điện tử. Riêng ngành Công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có nhiều nội dung thiết thực được người dân đón nhận như cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú...

Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bước đầu cung cấp 8 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế.

Về phát triển công dân số, đây là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Đến cuối năm 2022 hệ thống đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân; cung cấp 76,5 triệu thẻ căn cước công dân gắp chíp điện tử cho công dân.

Đến nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương; tiếp nhận hơn 819,323 triệu yêu cầu tra cứu, xác thực, đồng bộ thông tin. Ngoài ra, đã hỗ trợ các đoàn thể xây dựng dữ liệu quản lý 1,7 triệu hội viên Hội Nông dân, 516.622 hội viên Hội Người cao tuổi. Triển khai kết nối, làm sạch thông tin thuê bao di động của 3 nhà mạng viễn thông là Viettel, Mobifone, Vinaphone.

Báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022 do đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trình bày tại hội nghị, cho biết: Theo kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022 có tổng cộng 107 nhiệm vụ về chuyển đổi số. Kết quả, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 42 nhiệm vụ; có 2 nhiệm vụ đang triển khai. Có 59 tỉnh, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ; 4 địa phương đang tiếp tục triển khai là: Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tiền Giang, Trà Vinh. Cũng trong năm 2022, có 30/30 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố đã lựa chọn ngày chuyển đổi số. Bộ TT&TT đã tổng hợp và công bố 72 bài toán, 21 câu chuyện chuyển đổi số Việt Nam từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, từ đó lan toả những sáng kiến, cách làm, kinh nghiệm, bài học, mô hình tham khảo về chuyển đổi số.

Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi sốCác đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Về hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 79,95 Mbps, tăng 29,6% so với năm 2021, xếp thứ 45 và cao hơn mặt bằng chung của thế giới là 71,39 Mbps.

Về nền tảng số, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số phục vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Về Chính phủ số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% huyện, xã trên toàn quốc. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua dữ liệu quốc gia trong năm 2022 đạt khoảng 860 triệu giao dịch, gấp hơn 4,8 lần so với cả năm 2021. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%. Từ khi khai trương vào tháng 11-2019 đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.250 dịch vụ công trực tuyến.

Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Có 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt 7,5%, vượt mục tiêu đề ra. Có trung bình 40 triệu người dùng/tháng sử dụng 3 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, tăng 43% so với năm 2021. Có 2,7 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money, tăng hơn 7,3 lần so với năm 2021.

Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi sốThống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu thảo luận tại hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình).

Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi sốLãnh đạo tỉnh Bình Dương phát biểu thảo luận. (Ảnh chụp qua màn hình).

Trên cơ sở gợi mở của Thủ tướng Chính Phủ, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân. Đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện Đề án 06 trong thời gian tới, như: Người đứng đầu các ngành, các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện lộ trình chuyển đổi số và Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nội dung của Đề án 06, nhất là đối với những nội dung mới chưa có tiền lệ; nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện. Đẩy mạnh phát triển công dân số và tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối dùng chung, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Rà soát đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, có sự kết nối, chia sẻ phục vụ các nhiệm vụ chung của đất nước.

Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi sốThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình).

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Đề án 06. Đồng thời nhấn mạnh: Năm 2023 tình hình dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, hời cơ thuận lợi đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn, vì vậy các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cần thúc đẩy chuyển đổi số và Đề án 06, góp phần giảm bớt những khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ thiết thực đời sống Nhân dân.

Thủ tướng lưu ý: Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công, truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân, nhằm tăng năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số(Ảnh: TTXVN).

Với tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Tổ công tác triển khai Đề án 06 trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06 một cách chủ động, tích cực, hiệu quả. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về chuyển đổi số và các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển kinh tế - xã hội.

Người đứng đầu các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình chuyển đổi số và Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh lộ trình thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

 

<

Tin mới nhất

Công nhận “Hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số cấp xã” năm 2022 cho 03 đơn vị xã, thị trấn: Thị...(26/03/2024 9:24 SA)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liên làm việc với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông...(07/03/2024 3:49 CH)

Quyết định công nhận hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số cấp xã cho 02 đơn vị xã, thị trấn...(16/02/2024 8:20 SA)

Công nhận hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số cấp xã cho 05 đơn vị xã, thị trấn thuộc huyện...(16/01/2024 9:03 SA)

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu(08/01/2024 4:06 CH)

Công nhận hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số cấp xã năm 2022 cho 07 đơn vị xã, thị trấn thuộc...(05/01/2024 2:01 CH)

Sở Thông tin và Truyền thông tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024(02/01/2024 3:53 CH)

Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024(29/12/2023 2:43 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
1960 người đã bình chọn
°
0 người đang online