Định hướng phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp

Đăng ngày 31 - 01 - 2007
100%

Quy hoạch phát triển đến năm 2010, Thanh Hóa hình thành 8 khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, hiện đã có 5 khu kinh tế, khu công nghiệp được thành lập đó là:

      1. Khu kinh tế Nghi Sơn:

         Khu kinh tế (KTT) Nghi Sơn có tổng diện tích 18.612 ha, nằm cách Thành phố Thanh Hóa 40 km về phía Nam, giáp với tỉnh Nghệ An và biển Đông; có lợi thế đặc biệt về giao thông như: đường bộ, đường thủy, đường sắt. Hệ thống hạ tầng trong khu kinh tế (điện, nước, giao thông, và các dịch vụ khác ...) từng bước đang được đầu tư xây dựng. Trong đó, cảng nước sâu với quy hoạch 10 cầu cảng, công suất trên 10 triệu tấn/ năm, cho tàu 10 vạn tấn (hiện nay đã hoàn thành 2 bến cho tàu 3 vạn tấn), là đầu mối giao lưu kinh tế với cả nước, khu vực và quốc tế. Đường bộ và đường sắt nối liền các vùng kinh tế khu vực và các vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Đây là vùng kinh tế động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ và Bắc Trung bộ.

      Trong KTT Nghi Sơn có Khu phi thuế quan và khu thuế quan. Khu thuế quan có các khu chức năng: khu đô thị trung tâm, các khu công nghiệp, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, khu du lịch - dịch vụ và khu dân cư. Khu phi thuế quan bao gồm các loại hình sản xuất kinh doanh chủ yếu: sản xuất gia công, tái chế, lắp ráp; thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ và xúc tiến thương mại.

         Các dự án đầu tư vào KTT Nghi Sơn, ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và chính sách áp dụng cho các khu kinh tế ở Việt Nam theo Luật đầu tư và các quy định hiện hành, còn được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu 5 năm đối với vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đối với một số dự án đặc biệt sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian dự án.

         Hiện nay, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn liên doanh với Nhật Bản công suất 2,15 triệu tấn/năm và đang triển khai mở rộng nâng công suất lên gấp đôi. Dự án nhà máy đóng mới và sửa chữa tầu thủy công suất 100.000 tấn/năm đang triển khai xây dựng. Nhà máy nhiệt điện công suất 3.000 MW đã có quyết định phê duyệt dự án, dự kiến năm 2010 hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 600 MW.

         Tại đây trong thời gian tới tập trung phát triển các ngành công nghiệp: lọc - hóa dầu, thép và cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông lâm thủy sản ...

         2. Khu công nghiệp Lễ Môn:

Đây là khu công nghiệp tập trung lớn của tỉnh nằm cách Thành phố Thanh hóa 5 km về phía đông,  cạnh quốc lộ 47 nối liền Thành phố Thanh hóa với thị xã Sầm sơn, diện tích quy hoạch 87 ha. Khu công nghiệp Lễ môn đã được đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, đảm bảo cung cấp: Điện, nước, thông tin liên lạc và các dịch vụ khác. Đến nay đã có trên 30 doanh nghiệp đăng ký thuê đất để đầu tư xây dựng với tổng số vốn đầu tư trên 700 tỉ đồng, trong đó 14 doanh nghiệp đã xây dựng xong với số vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng, đang đi vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả như: Công ty xuất nhập khẩu thủy sản, Công ty TNHH Tân Thành, Công ty sữa MILAS…

Tại khu công nghiệp Lễ Môn khuyến khích đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ cao, chế tạo và gia công từ nguồn nguyên liệu trong tỉnh, sử dụng nhiều lao động và sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao; nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, giầy da; chế biến nông, lâm, thủy sản; lắp ráp cơ khí, điện tử, thiết bị viễn thông.

3. Khu công nghiệp Đình Hương - Tây ga:

Khu công nghiệp Đình Hương - Tây ga có diện tích 150 ha, nằm ở phía bắc thành phố Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố 2km, cách cảng Lễ Môn 7 km, cách ga đường sắt Bắc nam 3 km.

Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư là: sản xuất lắp ráp hàng điện tử, viễn thông; may mặc, bao bì; sản xuất đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ; chế biến nông lâm sản thực phẩm, thức ăn gia súc, gia cầm; các ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp và dịch vụ.

4. Khu công nghiệp Bỉm Sơn:

             Khu công nghiệp Bỉm sơn có diện tích 700 ha, nằm ở phía bắc của tỉnh, cách Thành phố Thanh hóa 35 km. Điều kiện giao thông rất thuận lợi, nằm gần đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc nam, cách Hà nội 110 km và cách cảng biển Nghi sơn 75 km, có hệ thống nhà ga rất thuận tiện cho việc tập kết và trung chuyển hàng hóa. Cơ sở hạ tầng như điện, nước, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông và các dịch vụ khác… đã được đầu tư đáp ứng nhu cầu  sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện tại đã có nhà máy xi măng Bỉm sơn đang hoàn thiện dây chuyền 2 để đưa công suất nhà máy lên 4 triệu tấn/ năm; nhà máy ô tô VEAM công suất 33.000 xe ô tô các loại/năm với số vốn đầu tư trên 417 tỉ đồng đang được hoàn thiện đưa vào sản xuất...

Với ưu thế về diện tích, lợi thế về giao thông, cơ sở hạ tầng, ưu tiên kêu gọi vào khu công nghiệp Bỉm sơn các dự án: Sản xuất vật liệu xây dựng, bê tông đúc sẵn, gạch ngói, cơ khí, chế biến hàng nông lâm sản, hàng may mặc…

5. Khu công nghiệp  Lam sơn:

Thuộc huyện Thọ xuân, nằm phía Tây của tỉnh, cách thành phố Thanh Hoá 40 km, cạnh quốc lộ 15A, đường Hồ Chí Minh, gần sân bay Sao Vàng. Diện tích quy hoạch trên 1.000 ha, hiện nay đã hình thành trên quy mô 300 ha với các nhà máy đường Lam Sơn công suất 6.000 tấn mía/ngày, nhà máy giấy Mục Sơn công suất 10 ngàn tấn/năm, nhà máy sản xuất phân bón vi sinh có công suất 80.000 tấn/năm và nhiều xí nghiệp khác đang hoạt động.

Các dự án khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp là mía đường và các sản phẩm sau đường; giấy, bột giấy; chế biến lâm sản, thực phẩm; cơ khí chế tạo, lắp ráp; phân bón, hoá chất.

<

Tin mới nhất

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
1960 người đã bình chọn
°
0 người đang online