Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão số 3

Đăng ngày 05 - 09 - 2024
100%

Chiều 5/9/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì hội nghị triển khai công tác ứng phó với bão số 3 (bão Yagi). Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với điểm cầu các tỉnh, thành phố phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Bão Yagi đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc biển Đông vào sáng ngày 3/9 với cường độ cấp 8, giật cấp 11. Sáng ngày 5/9, tâm bão tại vị trí 19,0 độ vĩ Bắc, 115,8 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía Đông với cường độ cấp 15, giật cấp 17 (tăng 7 cấp so với thời điểm vào biển Đông). Dự báo bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15km/h; tiếp tục mạnh lên đạt cường độ mạnh nhất cấp 16, giật trên cấp 17 trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Rủi ro thiên tai cấp độ 4 với phía Bắc khu vực Bắc biển Đông trong các ngày 5-7/9/2024 (dự báo tỉnh ta cũng bị ảnh hưởng bởi cơn bão).

Toàn cảnh hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến.

Dự báo khoảng chiều tối ngày 7/9 bão đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình). Sóng biển cao nhất 10,0-12,0m trong các ngày 5-6/9. Thủy triều tại trạm Hòn Dấu: cao nhất là 2,0m vào 17h00 ngày 7/9 (đang trong thời kỳ nước ròng). Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 500mm.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.426 tàu cá/220.805 người, trong đó có 1.671 tàu/10.692 người đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ. Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.

Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của cơn bão Yagi, trung ương và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các công điện, văn bản nhằm tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ do ảnh hưởng của bão. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 công điện về ứng phó khẩn cấp với bão số 3.

Dự báo vị trí và đường đi của bão số 3 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương báo cáo công tác chuẩn bị, ứng phó với cơn bão số 3; nêu lên các giải pháp làm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho nhân dân.

Tại Thanh Hóa, tính đến 9 giờ ngày 5/9 toàn tỉnh có 6.116 phương tiện, 19.901 lao động nghề biển. Trong đó, đã có 5.234 phương tiện, với 14.551 lao động; hiện còn 882 phương tiện với 5.350 lao động đang hoạt động trên các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Biển Đông và tỉnh Thanh Hoá.

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, 100% phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về bão và thường xuyên liên lạc với gia đình và các cơ quan chức năng. Hiện, lực lượng Bộ đội Biên phòng đang tích cực kêu gọi các phương tiện nhanh chóng vào các nơi tránh trú an toàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao công tác dự phòng của các bộ, ngành địa phương và khẳng định bão Yagi có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Do đó, đề nghị các ngành chuyên môn làm tốt công tác dự phòng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin liên quan đến bão số 3 nhanh nhất, chính xác nhất để người dân có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Kiên quyết kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; chủ động cấm biển tuỳ theo diễn biến thực tế tại địa phương; không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố, có thể bị sập đổ khi bão đổ bộ, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển. Tuỳ tình hình thực tế có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Thanh Hóa sau hội nghị trực tuyến. 

Sau hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương dừng các hoạt động hội họp không cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với tác động của bão. Đồng thời, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS tỉnh chủ động bám sát cơ sở, địa phương, đơn vị được phân công để triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai có thể xảy ra.

Tỉnh Thanh Hoá dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm biển từ 12 giờ ngày 6/9 để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

<

Tin mới nhất

Công điện tập trung ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt(23/09/2024 10:28 SA)

Hội nghị trực tuyến về ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão(18/09/2024 4:01 CH)

Công điện về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão(18/09/2024 7:38 SA)

Quyết định ban hành Quy chế quản lý, phân cấp quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh...(10/09/2024 10:00 SA)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3 tại Hậu Lộc, Nga Sơn(06/09/2024 2:58 CH)

Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đỗ Trọng Hưng kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại các...(06/09/2024 3:09 CH)

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Hoằng Hóa và TP...(06/09/2024 2:45 CH)

Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão số 3(05/09/2024 8:07 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
2028 người đã bình chọn
°
936 người đang online