Hội nghị trực tuyến về ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Đăng ngày 18 - 09 - 2024
100%

Chiều 18/9/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương ven biển từ Ninh Bình trở vào Bình Định về ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 4. Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Theo thông tin nhanh từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/h.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10, ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền từ Nghệ An đến Quảng Ngãi; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới/bão số 4 (Nguồn ảnh: NCHMF).

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng đã tập trung làm rõ những phương án ứng phó với ATNĐ. Trong đó, cập nhật tình hình thu hoạch lúa hè thu, thu hoạch thủy sản; việc đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; an toàn tàu thuyền, thông tin liên lạc, phương án cung ứng lương thực, thực phẩm chống bão; kế hoạch di dời người dân, nhất là ở các khu vực dễ xảy ra sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn...

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến 9 giờ ngày 18/9 toàn tỉnh có 6.117 phương tiện, 19.968 lao động nghề biển. Trong đó, đã có 5.256 phương tiện, với 13.987 lao động; hiện còn 861 phương tiện với 5.981 lao động đang hoạt động trên các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng và tỉnh Thanh Hoá.

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, 100% phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về bão và thường xuyên liên lạc với gia đình và các cơ quan chức năng. Hiện, lực lượng Bộ đội Biên phòng đang tích cực kêu gọi các phương tiện nhanh chóng vào các nơi tránh trú an toàn.

Toàn cảnh hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến.

Kết luận hội nghị, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh diễn biến của ATNĐ này còn rất phức tạp, có khả năng mạnh lên thành bão, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra. Vì vậy, yêu cầu các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thường xuyên cập nhật thông tin để chủ động chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó phù hợp. Có các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, ven biển. Đặc biệt, cần rà soát tình trạng ngập lụt (trong đó có ngập lụt đô thị) và có phương án sơ tán dân; khẩn trương thu hoạch lúa đã chín, thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm; đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình thủy điện, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành.

Các địa phương cần chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường phát biểu sau hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thanh Hóa.

Ngay sau hội nghị trực tuyến, Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT Cao Văn Cường nhấn mạnh vào một số nội dung. Cụ thể đề nghị các ngành chức năng tích cực hỗ trợ người dân khẩn trương thu hoạch diện tích hoa màu, thủy sản, lúa mùa đã đến kỳ thu hoạch đặc biệt là khu vực cửa sông ven biển, khu vực trũng thấp theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản, nhà xưởng, hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; triệt để tiêu nước, chủ động vận hành các trạm bơm tiêu khi có yêu cầu; chủ động các phương án không để bị chia cắt về giao thông, mất liên lạc thông tin. Đặc biệt khu vực miền núi, cần thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ.

Tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ cấm tàu, thuyên ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải - sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển vào thời điểm thích hợp theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới bảo đảm an toàn cũng như sinh kế của người dân.

<

Tin mới nhất

Tòa án nhân dân huyện Thường Xuân thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất...(06/11/2024 8:11 SA)

Ban hành Quy định về phân cấp, ủy quyền kiểm tra; công tác phối hợp triển khai kiểm tra việc thực...(05/11/2024 10:46 SA)

Ban hành quy định về đường giao thông đảm bảo phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy...(31/10/2024 3:33 CH)

Sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2024(16/10/2024 3:00 CH)

Công điện tập trung ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt(23/09/2024 10:28 SA)

Hội nghị trực tuyến về ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão(18/09/2024 4:01 CH)

Công điện về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão(18/09/2024 7:38 SA)

Quyết định ban hành Quy chế quản lý, phân cấp quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh...(10/09/2024 10:00 SA)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
2042 người đã bình chọn
°
667 người đang online