Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024), trong các ngày 17, 18/7, đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, đã đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc tại tỉnh Hà Giang.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cùng các thành viên trong đoàn mặc niệm tưởng nhớ công lao trời biển của các anh hùng, liệt sỹ. |
|
Các thành viên đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa thắp hương lên từng phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. |
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên), đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cùng các thành viên trong đoàn đã thành kính đặt vòng hoa trước tượng đài ghi công các Anh hùng liệt sĩ, dành phút mặc niệm và thắp nén tâm hương tưởng nhớ công lao trời biển của các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đây là nơi an nghỉ của gần 1.900 liệt sĩ đến từ 32 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia chiến đấu anh dũng, hy sinh vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, vì hạnh phúc Nhân dân. Trong số đó có 181 phần mộ liệt sĩ được xác định quê Thanh Hoá.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm thắp hương lên mộ các anh hùng, liệt sỹ. |
Nghĩa trang cách TP Hà Giang 18 km về phía Nam, nằm ven Quốc lộ 2, nên trước kia là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt. Đến năm 1990, nghĩa trang được đầu tư xây dựng quy mô, sau đó là các lần tôn tạo và mở rộng để có diện tích hơn 11 ha như ngày nay.
Tại nghĩa trang vẫn còn gần 350 ngôi mộ chưa xác định được thông tin. Đặc biệt, có một ngôi mộ tập thể các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên từ năm 1979 đến năm 1989.
Sau lễ viếng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cùng các thành viên trong đoàn đã thắp hương lên từng phần mộ liệt sĩ.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm ghi sổ truyền thống tại các điểm đến thăm viếng. |
Ghi sổ vàng truyền thống tại đây, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm bày tỏ lòng thành kính trước những cống hiến to lớn, sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ. Đồng thời thể hiện quyết tâm đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng quê hương, đất nước ngày giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm chỉnh trang vòng hoa trước khi vào viếng Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên. |
|
Đoàn công tác thành kính dâng hương tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên. |
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm thỉnh chuông tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên. |
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm và các thành viên trong đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, nằm trên cao điểm 468 thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
Thay mặt đoàn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thỉnh chuông tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hi sinh trên khắp các điểm cao, hang núi, triền sâu tại núi rừng Vị Xuyên.
Trước anh linh các Anh hùng, liệt sĩ, đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa bày tỏ sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh nguyện phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, xây dựng Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh...
Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên nằm trên cao điểm 468, cách biên giới Việt - Trung gần 1 km, nơi bộ đội ta giành giật với địch từng ngọn núi và chịu nhiều hi sinh để bảo vệ Tổ quốc suốt giai đoạn 1979 - 1989.
Giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1989 có trên 4.100 chiến sĩ hy sinh tại chiến trường Vị Xuyên. Tại khu vực Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên có nhà tưởng niệm nằm bên vách núi, trước đây là cao điểm 468. Từ khu vực này, có thể nhìn rõ các điểm cao 772, 685 và điểm phân giới mốc biên giới Việt - Trung. Vào ngày kỷ niệm diễn ra trận đánh ác liệt với nhiều hi sinh mất mát nhất (12/7) và dịp 27/7 hàng năm, rất đông các đoàn đã về để dâng hương tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sỹ.
Đền thờ đã trở thành nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giáo dục về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng yêu nước đối với các thế hệ trẻ.