Sáng ngày 14/12/2024, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII làm việc phiên cuối cùng, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng và bế mạc kỳ họp.
Các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.
|
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm tại kỳ họp. |
Mở đầu buổi làm làm việc; đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII. Đồng chí nhấn mạnh: Đây là những ý kiến, kiến nghị rất xác đáng, tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm rất cao của các vị đại biểu, của cử tri và Nhân dân trong tỉnh, vì sự phát triển của tỉnh. Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, của cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Trong đó, có nhiều vấn đề đã và đang được triển khai thực hiện từng bước có hiệu quả; nhưng cũng có những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp phù hợp, hiệu quả để tập trung giải quyết, khắc phục trong thời gian tới, cả trước mắt và lâu dài.
Tiếp đó, đồng chí đã đánh giá những kết quả đạt được, nguyên nhân của những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2024; đồng thời nêu lên 6 nhóm vấn đề hạn chế, yếu kém, 5 bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2025.
Trong đó, tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên từng ngành, lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu hoàn thành 100% các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025; chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, đề xuất các giải pháp đột phá theo tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành, chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
|
Toàn cảnh kỳ họp. |
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng phân tích các nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm gửi tới kỳ họp về phát triển sản xuất; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; văn hóa - xã hội; cơ chế, chính sách; an ninh - trật tự, an toàn xã hội và một số vấn đề khác.
Đồng chí nhấn mạnh thêm: Nhiệm vụ năm 2025 đặt ra là hết sức nặng nề và có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành và các địa phương phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng đề nghị và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện của Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhất là của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh; sự chủ động, tích cực, quan tâm, đồng hành, ủng hộ và giám sát của HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cử tri và Nhân dân trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan báo chí để nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
|
Các đại biểu biểu quyết quyết nghị thông qua 38 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn, về cơ chế, chính sách, về chủ trương đầu tư các dự án, về nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung khác. |
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thống nhất quyết nghị thông qua 38 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn, về cơ chế, chính sách, về chủ trương đầu tư các dự án, về nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung khác.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên khẳng định: Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần đoàn kết, dân chủ và trách nhiệm cao; Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Đồng chí lưu ý: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bứt phá về đích phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Bám sát phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, căn cứ Nghị quyết số 18NQ/TU, ngày 5/12/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; HĐND tỉnh thống nhất cao với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 theo đề nghị của UBND tỉnh; đồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
|
Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên phát biểu bế mạc kỳ họp. |
Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND và UBND tỉnh theo quy định của pháp luật, nhằm tạo hành lang pháp lý cho quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; nhất là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các luật mới ban hành như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu giá tài sản...
Hai là, vì sự phát triển bền vững của tỉnh, năm 2025, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, phải vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn để nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, các dự án sản xuất kinh doanh, các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, dịch vụ... đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; cũng như chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc tính tiền sử dụng đất đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất... tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai đầu tư, sớm đưa các dự án này vào sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu mới cho ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo môi trường hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào tỉnh.
|
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Đồng thời, cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để triển khai các dự án mới, như: Điện khí LNG Nghi Sơn, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology 2, Khu công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa, Khu công nghiệp dược phẩm công nghệ cao Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 1... Rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, gây lãng phí, vi phạm các quy định của pháp luật.
Ba là, tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 trình cấp có thẩm quyền, trong đó quy định rõ các nguyên tắc, tiêu chí, sắp xếp thứ tự ưu tiên bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm để khởi công mới những công trình, dự án quan trọng, có tính liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của khu vực liên huyện; không phân bổ vốn dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, không để thất thoát, lãng phí. Năm 2025, tạm dừng bố trí vốn từ ngân sách để đầu tư, sửa chữa trụ sở các cơ quan thuộc diện sáp nhập, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, cũng cần rà soát, đề xuất tiếp tục bố trí vốn đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu khác... là công trình trọng điểm của tỉnh, hiện đã đầu tư nhưng còn dang dở hoặc đang dừng ở giai đoạn 1... để tiếp tục bố trí vốn đầu tư, đưa công trình vào khai thác, tránh lãng phí.
|
Các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp. |
Bốn là, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; sản xuất sạch, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có giá trị, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Trước mắt, năm 2025, ngành nông nghiệp cần tham mưu xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, xác định rõ quy mô về diện tích, số lượng, của từng loại hình sản xuất để chỉ đạo. Đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Năm là, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế; tập trung giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh; sớm nghiên cứu tháo gỡ khó khăn trong tự chủ tài chính cho các bệnh viện công lập tại 11 huyện miền núi, nhất là các huyện miền núi cao, tạo điều kiện cho các bệnh viện duy trì hoạt động, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân các dân tộc. Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Sáu là, tập trung cao nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Quá trình sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy phải tập trung chỉ đạo giải quyết thông suốt các nhiệm vụ, không để gián đoạn công việc, tạo thuận lợi trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
|
Toàn cảnh phiên họp cuối của kỳ họp. |
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi và giải quyết công việc, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Kiên quyết khắc phục bằng được tình trạng nói mà không làm, nói xong để đấy; xóa bỏ tư tưởng dễ làm, khó bỏ, khắc phục bệnh đùn đẩy, né tránh, vòng vo trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí cũng gửi lời kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hãy phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.