Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023

Đăng ngày 09 - 02 - 2023
100%

Sáng ngày 9/2/2023, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia chủ trì hội nghị.

Dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các ngành có liên quan của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố…

Trong năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 2.865.684 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 4.124 tỷ 652 triệu đồng, tước 388.141 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 614.520 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 1.263.641 trường hợp (-30,6%), tiền phạt tăng 1.360 tỷ 298 triệu đồng (+49,11%); so với năm 2021, giảm 19.171 trường hợp (-0,66%), tiền phạt tăng 1.316 tỷ 028 triệu đồng (+46,86%).

Bộ GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra triển khai 05 đoàn thanh tra, trong đó tập trung kiểm tra về các lĩnh vực liên quan đến bảo đảm TTATGT. Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/12/2022, theo số liệu báo cáo, các đơn vị đã thực hiện 84.925 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 53.834 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt trên 291,3 tỷ đồng; tạm giữ 365 ô tô; đình chỉ hoạt động 71 bến và 135 phương tiện thủy nội địa; giám sát 1.398 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 1.214 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Kết quả, TNGT năm 2022 (tính từ 15/12/2021 đến 14/12/2022), theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT: toàn quốc xảy ra 11.457 vụ TNGT, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2021, số vụ TNGT giảm 38 vụ (-0,33%), tăng 598 người chết (10,31%), giảm 214 người bị thương (-2,67%). Tuy nhiên nếu so sánh với năm 2019 (trước khi xảy ra COVID-19): số vụ TNGT giảm 6.216 vụ (-35,2%), giảm 1.246 người chết (-16,3%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%).

Có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 11 địa phương giảm trên 10% số người chết là: Thanh Hóa, Thái Bình, Thái Nguyên, Lai Châu, Quảng Ninh, Cà Mau, Lạng Sơn, Kon Tum, Quảng Bình, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An. 31 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó có 10 tỉnh, thành phố có số người chết tăng trên 30% là: Thừa Thiên - Huế, Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Yên Bái, Cần Thơ, An Giang, Bình Dương…

Năm 2023, UBATGT Quốc gia đặt ra 3 mục tiêu lớn, gồm: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2022. Khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Tại Thanh Hóa, trong năm 2022 trên địa bản tỉnh đã xảy ra 316 vụ TNGT và va chạm giao thông, làm chết 123 người, bị thương 288 người, so với cùng kỳ 2021 giảm 57 vụ TNGT (giảm 15,2%), giảm 13 người chết (giảm 9,5%), giảm 38 người bị thương (giảm 11,6%). Có được kết quả đó là nhờ các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT gắn với phòng chống dịch Covid-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, UBATGT Quốc gia và UBND tỉnh…

Đồng chí Mai Xuân Liêm- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa.

Phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Mai Xuân Liêm- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết trong năm qua, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác đảm bảo ATGT, triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT; đặc biệt là tuyên truyền “Đã uống rượu, bia – không lái xe” tại các nhà hàng ăn uống trên địa bàn tỉnh. Về hạ tầng giao thông đã được tiếp tục quan tâm đầu tư, sửa chữa; các tuyến giao thông đô thị được tổ chức phân luồng hợp lý; hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng cường; các kế hoạch, phương án đảm bảo ATGT trong dịp lễ, tết được thực hiện hiệu quả, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, thuận tiện.

Ngoài ra, Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phân vùng trong công tác đảm bảo ATGT, như: khu vực bến cảng, khu vực mỏ, khu vực giao thông đường bộ… Gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương với công tác ATGT.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đề nghị năm 2023 Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng mở các đợt cao điểm xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn và tốc độ. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần chỉ đạo các Sở GTVT trên toàn quốc nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý các trung tâm đăng kiểm, nhất là các trung tâm đăng kiểm tư nhân để nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện.

Tới đây, tuyến đường cao tốc qua Thanh Hóa sẽ đưa vào hoạt động, vì vậy Bộ GTVT, Bộ Công an cần phối hợp với địa phương quản lý hạ tầng, tổ chức giao thông trên tuyến đường này. Xử lý nghiêm phương tiện đi không đúng tốc độ, làn đường, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của tuyến đường cao tốc. Đồng chí cũng đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam xem xét sửa đổi tiêu chí “điểm đen” nhằm sớm cải tạo, sửa chữa nâng cấp hạ tầng giao thông, kiềm chế tai nạn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Văn Thắng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các kết luận, chỉ thị của Trung ương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn giao thông, xoá bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt. Bảo đảm và tiếp tục nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện GTVT. Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao để thực hiện tốt các mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc và xây dựng văn hoá giao thông.

 

<

Tin mới nhất

Tăng cường, củng cố xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng...(14/03/2024 3:43 CH)

Sơ kết Kế hoạch số 05/KH-UBND và thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng...(28/02/2024 2:37 CH)

Sơ kết 5 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2019 - 2024(27/02/2024 3:09 CH)

Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030(27/02/2024 2:42 CH)

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng dự lễ giao nhận quân, động viên thanh niên huyện Quảng Xương lên...(26/02/2024 1:46 CH)

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn dự Lễ giao, nhận quân tại thành phố Thanh Hóa (26/02/2024 10:20 SA)

Trao thư khen cho lực lượng triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép số lượng rất lớn ma...(21/02/2024 8:48 SA)

Tòa án nhân dân huyện Hà Trung thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố đã chết đối với ông...(06/02/2024 10:02 SA)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
1960 người đã bình chọn
°
0 người đang online