Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Thanh Hóa

Đăng ngày 11 - 11 - 2023
100%

Ngày 11/11/2023, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tham dự đoàn công tác có lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị liên quan.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các Ban, sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, một số đề xuất kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kinh tế của tỉnh được duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm (giai đoạn 2021 - 2023) ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.

Các đại biểu trong đoàn công tác của Thủ tướng tại buổi làm việc.

Trong đó, sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 3,85%. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện, 363 xã đạt chuẩn NTM, 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 01 sản phẩm OCOP 5 sao.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó có một số sản phẩm sản lượng trong nhóm dẫn đầu cả nước như: lọc hóa dầu, xi măng, thép; tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hằng năm ước đạt 15,41%. Lĩnh vực xây dựng đạt kết quả tích cực; hệ thống quy hoạch ngày càng đồng bộ; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ước đạt 10,11%; Tỷ lệ đô thị hóa năm 2023 ước đạt 38%, tăng 3% so với năm 2020.

Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh, trong đó có một số ngành phát triển mạnh, nhất là du lịch. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Số lượt khách du lịch tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch tăng bình quân 32,5%/năm. Dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, tài chính ngân hàng từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển.

Thu ngân sách nhà nước hằng năm luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước; 9 tháng năm 2023 ước đạt 28.728 tỷ đồng, bằng 81% dự toán. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm ước đạt 11,3%.

Các đại biểu của tỉnh Thanh Hóa tiếp và làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 409,3 nghìn tỷ đồng, gấp 1,25 lần giai đoạn 2016 - 2018; thu hút được 170 dự án đầu tư trực tiếp (có 22 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 37.676 tỷ đồng và 214 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Đầu tư công tập trung xây dựng các tuyến giao thông kết nối các trung tâm kinh tế động lực, các vùng, miền và kết nối với các trục giao thông huyết mạch của cả nước; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực miền núi, hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh. Tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công năm 2021 đạt 89,1% kế hoạch; năm 2022 đạt 78% kế hoạch; 9 tháng năm 2023 ước đạt 49,7% kế hoạch.

Giai đoạn 2021 - 2023, ước có 10.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ 7 cả nước; tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 112 nghìn tỷ đồng.

Về tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống nhân dân được ổn định. Công tác quốc phòng – an ninh, trật tự án toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên…

Về mục tiêu trong thời gian tới, báo cáo đặt ra là tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc.

Báo cáo cũng đưa ra 14 đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Trong đó, có những đề xuất quan trọng như:

Để triển khai Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg ngày 06/4/2022 quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha và Quyết định số 14/2022/QĐ-TTg ngày 25/5/2022 quy định thí điểm về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết liên đến quan quy định tại Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg, Quyết định số 14/2022/QĐ-TTg các quy định của pháp luật hiện hành. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 6158/UBND-NN ngày 08/5/2023 báo cáo và kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến 2 quyết định nêu trên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại buổi làm việc.

Tỉnh Thanh Hóa nằm ở vị trí nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, là cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực Tây Bắc. Trên địa bàn tỉnh có Cảng nước sâu Nghi Sơn hiện tại có thể tiếp nhận tàu Container và tàu có trọng tải 70.000 DWT ra, vào; có Khu kinh tế Nghi Sơn là một trong những khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước; có Cảng hàng không Thọ Xuân đã đi vào hoạt động, đã được quy hoạch phát triển thành cảng hàng không Quốc tế. Mặt khác, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, lên đến Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng. Những yếu tố nêu trên là điều kiện quan trọng để phát triển liên kết vùng, mở rộng giao thương, liên kết phát triển kinh tế, du lịch giữa Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc. Tuy nhiên, hiện nay giao thông đi lại giữa Thanh Hóa và khu vực Tây Bắc còn nhiều khó khăn, hạn chế phát huy tiềm năng, thế mạnh của Vùng, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa, nông sản từ các tỉnh Tây Bắc đến Cảng nước sâu Nghi Sơn. Để khắc phục điểm nghẽn về giao thông, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương đầu tư Đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh tại xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc với Quốc lộ 6 tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; chiều dài khoảng 89km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi; tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, thành viên trong đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc.

Quốc lộ 217 là tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch của tỉnh Thanh Hóa, kết nối cửa khẩu quốc tế Na Mèo với các tuyến quốc lộ quan trọng trên địa bàn tỉnh; hiện trạng Quốc lộ 217 đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh là đường cấp V đồng bằng, không đáp ứng được nhu cầu vận tải, năng lực khai thác bị hạn chế. Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 8740/BGTVT-KHĐT ngày 24/8/2022 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất Dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay WB (trong đó có tuyến Quốc lộ 217 đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài khoảng 59,42km). Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho triển khai thực hiện đầu tư dự án nêu trên...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội trong hơn nửa nhiệm kỳ qua của tỉnh đã đạt được. Để đạt được mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đồng chí nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại lời Bác Hồ căn dặn tỉnh Thanh Hóa năm xưa: “Thanh Hóa nhất định phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu”, để đạt được điều đó toàn Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần nêu cao tinh thần đoàn kết, nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ kết luận về Thanh Hóa. Khai thác có hiệu quả về tiềm năng thế mạnh của tỉnh, giữ vững quốc phòng – an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần không bỏ lại ai phía sau.

Ngoài ra, đồng chí nhấn mạnh thêm: Thanh Hóa cần chú trọng đến công tác quản trị điều hành thông minh, hạ tầng thông suốt, có chế chính sách thông thoáng. Cần có sự đột phá về nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để; nâng cao tinh tần tự lực tự cường trong phát triển kinh tế - xã hội, không trông chờ ỷ lại khi tình hình có những khó khăn nhất định. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy chính quyền theo hướng hiệu lực, hiệu quả gắn với việc cơ cấu, nâng cao năng lực đội ngũ công chức viên chức…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, Thanh Hóa phải chú ý công tác phát triển giáo dục, sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay; có chính sách hỗ trợ con em đồng bào dân tộc thiểu số trong học tập. Chú trọng phát triển du lịch, đẩy mạnh thương mại điện tử; tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Về phát triển các khu công nghiệp và nông nghiệp, Thủ tướng gợi ý tỉnh Thanh Hóa phải phát huy thế mạnh tiêu dùng của tỉnh có dân số đông, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp sang sản xuất cơ giới hóa công nghiệp trong nông nghiệp.

Về những đề xuất kiến nghị của tỉnh, đồng chí giao trực tiếp cho các Bộ, ngành liên quan trực phối hợp với tỉnh để xử lý dứt điểm. Đối với những vấn đề có thể giải quyết trực tiếp hoặc những đề xuất mang tính chất liên ngành, đồng chí trực tiếp giao nhiệm vụ cho các ngành và địa phương tại buổi làm việc.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương. Đồng chí nhấn mạnh, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Thanh Hóa sẽ nỗ lực quyết liệt thực hiện các ý kiến chỉ đạo Chính phủ trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại buổi làm việc.
Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương, hoa tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng dâng hương tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dâng hương tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP. Thanh Hóa); đi thăm một số đơn vị, công ty trong Khu kinh tế Nghi Sơn, gồm: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực - Nghi Sơn; các dự án thuộc Cảng biển Nghi Sơn và nghe báo cáo định hướng quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái cụm Đảo Mê.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ, công nhân viên Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe báo cáo định hướng quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái cụm Đảo Mê.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm và động viên cán bộ, người lao động các nhà máy, công ty, đơn vị trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, kiểm tra quy hoạch, tình hình đầu tư các dự án thuộc Cảng biển Nghi Sơn.

Thủ tướng Chính phủ đến thăm và tặng quà cán bộ, công nhân Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn.
Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực - Nghi Sơn.

Tại những nơi đến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã được giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của đơn vị nói riêng cũng như của Khu kinh tế Nghi Sơn nói chung. Đồng thời, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cũng bày tỏ sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong việc hiện thực hóa những yêu cầu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã kiểm tra thực tế hình hình sản xuất; thăm, tặng quà, trò chuyện, động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân và người lao động đang làm việc tại đơn vị. Đặc biệt, tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cho cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, trước mắt cần tái cấu trúc lại hoạt động quản trị, hoạt động tài chính và hoạt động sản xuất. Đối với việc tái cấu trúc lại hoạt động quản trị, Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường tỷ lệ người Việt Nam trong quản trị, điều hành theo quy định hợp tác và pháp luật hiện hành. Đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ phân cấp, phân quyền trong quá trình quản lý, điều hành; xây dựng các quy trình, quy định trong quản lý, điều hành và tăng cường giám sát, kiểm tra.

Đối với việc tái cấu trúc về tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Công ty phải có những giải pháp linh hoạt, sử dụng hiệu quả nguồn vốn để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Về tái cấu trúc sản xuất, Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp mấu chốt là giá nguồn nguyên liệu đầu vào phải phù hợp và tránh tình trạng độc quyền trong việc cung cấp đầu vào.

Thủ tướng Chính phủ thăm các bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực - Nghi Sơn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, các nhiệm vụ liên quan nhằm bảo đảm cho Nhà máy vận hành, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Đối với quy hoạch, tình hình đầu tư các dự án thuộc Cảng biển Nghi Sơn; nghe báo cáo định hướng quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái cụm Đảo Mê; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc đầu tư các dự án thuộc cảng biển phải bám sát quy hoạch không gian bến cảng và phải gắn với công tác quy hoạch phát triển hệ thông giao thông để tính toán nguồn hàng đến và đi thực sự hiệu quả. Để hiện thực hóa các dự án đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải có đánh giá tổng thể, phân kỳ đầu tư và đặc biệt là phải có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi vốn đầu tư.

Thủ tướng cũng hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng quy hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái cụm Đảo Mê, đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện phải làm một cách cẩn trọng, làm đến đâu chắc đến đó. Đối với các dự án đầu tư thuộc Cảng biển Nghi Sơn, cũng cần tính toán kỹ lưỡng, khi bắt tay vào thực hiện phải khẩn trương, nghiêm túc.

<

Tin mới nhất

Báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội các Dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, lần thứ IV năm 2024(11/10/2024 11:16 SA)

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đánh giá kết quả 9 tháng, đề ra nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024(04/10/2024 2:27 CH)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng; đề ra nhiệm vụ trọng tâm 3...(27/09/2024 4:27 CH)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại Thanh Hóa(26/09/2024 4:18 CH)

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam...(24/09/2024 3:21 CH)

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại huyện Bá Thước, Cẩm...(24/09/2024 8:08 SA)

Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9 năm 2024 (23/09/2024 3:01 CH)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào Đề cương chi tiết Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Đảng...(13/09/2024 2:40 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
2028 người đã bình chọn
°
1496 người đang online