Phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Đăng ngày 13 - 09 - 2022
100%

Sáng ngày 13/9/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến đến các tỉnh, thành phố. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Vũ Đức Đam; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Tại các điểm cầu ở các địa phương có các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 là Bí thư tỉnh, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, dự phiên họp có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; Đầu Thanh Tùng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trung tâm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, đến 11/9/2022, thế giới ghi nhận trên 613 triệu ca mắc, trên 6,5 triệu trường hợp tử vong do COVID-19. Biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.

Việt Nam đã ghi nhận trên 11,4 triệu ca mắc, có 10,3 triệu người khỏi bệnh (90,2%) và trên 43 nghìn ca tử vong (0,38%). So với tháng 7/2022, tháng 8/2022 ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca).

Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

Về công tác tiêm phòng vaccine, tính đến hết ngày 11/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được 258,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 77,0% và tỉ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 55,2% (so với tổng dân số tỉ lệ này là 56%, cao gấp đôi tỉ lệ trung bình trên thế giới (28,0%)). Tỉ lệ tiêm mũi 4 là 77,0%. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 85,8%; tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt 57,6%.

Tại Thanh Hóa, tổng số ca mắc COVID-19 lũy tích từ 27/4/2021 đến nay là: 204.052 ca; Số ca tử vong: 76 ca; Trung bình số ca mắc trong 1 tuần qua là 83 ca/ngày, tăng gấp 1.2 lần so với tuần trước đó. Tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, CẤp độ dịch từ đầu tháng 5 đến nay toàn bộ 559/559 xã phường trên địa bàn tỉnh là vùng xanh (cấp độ 1).

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; tính đến 12h00 ngày 12/9/2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận 9.065.380 liều vắc xin phòng Covid-19, đã và đang triển khai triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ tuổi trở lên. Cụ thể, tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên: Có 2.396.832 người tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 100,1%; Có 2.377.695 người tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 99,34%. Có 2.110.602 người tiêm mũi nhắc lại lần 1, đạt tỷ lệ 95,7%; Có 567.383/638.774 người tiêm mũi nhắc lại lần 2, đạt tỷ lệ 88,8%. Tiêm cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, có 292.833 trẻ tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 102,5%; có 290.120 trẻ tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 101,6%; có 223.789/285.497 trẻ tiêm mũi nhắc lại, đạt tỷ lệ 78,4%.Tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: có 451.375/472.621 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 95,5%; có 387.994/472.621 trẻ tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ 82,1%.

Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương đã nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác tiêm vắc xin. Đồng thời đề nghị những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tiêm vắc xin trong thời gian tới.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua.

Đồng chí quán triệt mục tiêu đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết trước hết; thực hiện hiệu quả phương châm “thích ứng linh hoạt”, kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại, tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị; thực hiện nghiêm 2K (khẩu trang, khử khuẩn).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Bộ Y tế nắm chắc tình hình dịch; thường xuyên rà soát, cập nhật kịch bản và các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương và khẩn trương rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn, sẵn sàng nhân lực, vật tư bảo đảm ứng phó kịp thời, tại chỗ, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc tiêm vaccine đặc biệt tại các địa phương có tỷ lệ tiêm thấp. Bộ Y tế bảo đảm đủ số lượng, phân bổ kịp thời vaccine; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và khẩn trương đánh giá việc suy giảm khả năng bảo vệ của vaccine để có phương án tiêm các mũi bổ sung kịp thời, khoa học.

Các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các ngành liên quan cùng các địa phương khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, sửa đổi ngay các Thông tư của Bộ về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế… tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm. Sớm chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là cho phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng cho trường hợp dịch diễn biến phức tạp.

Ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh; đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm vaccine để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn trường học.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, đặc biệt về tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine, nhất là đối với người có nguy cơ cao, có bệnh lý nền, người sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp.

<

Tin mới nhất

Quyết định phê duyệt điều chỉnh Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về...(01/07/2025 8:53 SA)

Quyết định đổi tên Bệnh viện Đa khoa khu vực; Bệnh viện Đa khoa huyện, thị xã, thành phố trực...(27/06/2025 3:47 CH)

Quyết định đổi tên Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Sở Y tế (27/06/2025 3:28 CH)

Mỗi căn nhà được hoàn thành là biểu tượng của niềm tin, sự hồi sinh và động lực vươn lên thoát...(24/06/2025 2:54 CH)

Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thực sự là “ngày hội” của toàn dân, toàn xã hội(19/06/2025 7:53 SA)

Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng cho Trường Đại học Hồng Đức...(18/06/2025 2:47 CH)

Tổ công tác số 5 họp nghe báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025(12/06/2025 2:19 CH)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh và đại...(10/06/2025 2:48 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
2112 người đã bình chọn
°
1070 người đang online