Tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản

Đăng ngày 17 - 08 - 2021
100%

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Ngày 23-7-2021, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 2457/BTP-BTTP về một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản. Theo tổng hợp của Bộ Tư pháp cho thấy, thời gian vừa qua tại một số địa phương hoạt động đấu giá tài sản còn gặp nhiều vướng mắc, sai sót trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, thông báo công khai về đấu giá tài sản trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, tình trạng đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người đăng ký tham gia đấu giá vẫn còn diễn ra...

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời, khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ sau:

Việc thông báo trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã đưa vào vận hành hiệu quả Cổng Thông tin về đấu giá tài sản. Do đó, yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa thực hiện nghiêm quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản về thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, góp phần đảm bảo công khai, minh bạch thông tin đấu giá; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, khắc phục biểu hiện các tổ chức đấu giá tài sản không đăng thông báo hoặc đăng thông báo nhưng không đúng quy định trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản như: không đủ số lần, không đúng thời gian theo quy định; thông tin về đấu giá không đầy đủ, không đúng thực tế...; hoặc người có tài sản đấu giá không đăng thông tin lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, buông lỏng trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức đấu giá của các tổ chức đấu giá tài sản...

Yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa thực hiện nghiêm quy định tại Điều 47 Luật Đấu giá tài sản, tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi đưa tài sản ra bán đấu giá, đăng tải đầy đủ việc lựa chọn tổ chức đấu giá trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, giám sát chặt chẽ tổ chức đấu giá tài sản do mình lựa chọn ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trong việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá, chú trọng kiểm tra việc đăng thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản; nếu có vi phạm, người có tài sản có thể xem xét huỷ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản; Nếu tổ chức đấu giá tài sản theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 53 Luật Đấu giá tài sản phải yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản tiếp tục đăng thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của cuộc đấu giá, tối đa hoá lợi ích cho Nhà nước (việc thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản hiện nay không mất phí).

Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, thực hiện nghiêm Điều 56 Luật Đấu giá tài sản về tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; tránh tình trạng khi lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản thì đưa ra các tiêu chí chung chung, không liên quan đến tài sản đấu giá hoặc áp dụng hình thức chỉ định thầu mà không căn cứ vào các tiêu chí theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản...

Khắc phục ngay tình trạng tổ chức đấu giá tài sản vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận, xử lý, kiến nghị huỷ kết quả đấu giá nhưng vẫn được người có tài sản lựa chọn tiếp tục việc ký hợp đồng; Khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phải căn cứ theo đúng các tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, đảm bảo tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn phải có uy tín, năng lực; không được đặt thêm các yêu cầu thiếu cơ sở pháp lý. Trong quá trình lựa chọn cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những tổ chức đấu giá tài sản có vi phạm đã bị báo chí phản ánh và cơ quan có thẩm quyền xử lý, nhất là hành vi không đăng thông báo, thông báo công khai không đúng quy định việc đấu giá tài sản trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản; chú trọng việc đấu thầu để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; Trường hợp lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo hình thức đấu thầu thì khuyến khích việc lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Đấu thầu với các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản.

Việc bán và thu hồ sơ tham gia đấu giá, thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản trong việc bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày; Điểm c khoản 2 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản đã nghiêm cấm hành vi cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá. Phát hiện và xử lý nghiêm hành vi của các tổ chức đấu giá tài sản gây khó khăn, cản trở người có nhu cầu tham gia đấu giá trong việc mua, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá như: tổ chức đấu giá tài sản có văn bản thông báo dừng nhận hồ sơ nhưng trên thực tế vẫn tiếp nhận của một số tổ chức, cá nhân; bán giới hạn số lượng hồ sơ trong ngày; bán không đảm bảo đủ thời gian quy định nhằm mục đích cản trở, hạn chế, gây khó khăn cho khách hàng; bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá ngoài giờ hành chính.., tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực, hạn chế người có nhu cầu tham gia đấu giá, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đăng ký tham gia đấu giá, lợi ích của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố sau khi ký hợp dồng dịch vụ đấu giá tài sản với các tổ chức đấu giá phải tăng cường giám sát tổ chức đấu giá tài sản tuân thủ quy định về bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia. Nếu có căn cứ xác định vi phạm của tổ chức đấu giá phải thực hiện ngay các biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Việc đặt thêm yêu cầu, điều kiện không có cơ sở đối với người tham gia đấu giá, trong trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khi tham gia đấu giá thì người tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện đó. Ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người đăng ký tham gia đấu giá, tránh tình trạng đặt thêm các điều kiện khi tham gia đấu giá để nhằm hạn chế người tham gia đấu giá; khi xây dựng phương án đấu giá yêu cầu các đơn vị có tài sản đấu giá không đặt thêm các điều kiện, yêu cầu đối với người tham gia đấu giá không có cơ sở làm hạn chế việc đăng ký tham gia đấu giá.

Việc bán đấu giá tài sản theo lô, Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì việc đấu giá tài sản trong đó có tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, bảo đảm tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan. Do đó, yêu cầu các đơn vị có tài sản đấu giá phải kịp thời phát hiện tình trạng người có tài sản gom chung nhiều tài sản thành một tài sản đấu giá duy nhất để bán theo lô, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất dẫn đến tài sản đấu giá có giá khởi điểm không sát thực tế, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua tài sản để sử dụng tham gia đấu giá mà hướng đến nhóm người tham gia đấu giá nhất định, tiềm ẩn nguy cơ “đầu cơ”, trục lợi, gây thất thoát tài sản Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu giá tài sản, các đơn vị có thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật và nhiệm vụ được UBND tỉnh giao cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản nói chung, đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng tại địa phương, đơn vị trong đó chú trọng phát hiện xử lý các vi phạm đối với người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản trong việc tổ chức hoạt động đấu giá tài sản; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát các phương án đấu giá, tập trung xem xét phát hiện các trường hợp người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài quy định của pháp luật để xử lý theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo UBND tỉnh các trường hợp vượt quá thẩm quyền để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

 

<

Tin mới nhất

Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng của Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc...(26/09/2024 3:48 CH)

Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc...(19/08/2024 8:50 SA)

Quy định khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác tại các cơ quan,...(19/08/2024 8:48 SA)

Giao quản lý xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh thuộc tỉnh...(19/08/2024 8:47 SA)

Phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2024 (bao gồm cả vốn năm 2023 chuyển sang...(25/06/2024 9:43 SA)

Quyết định giao dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương và...(05/01/2024 3:35 CH)

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT làm việc với UBND tỉnh(31/10/2023 10:28 SA)

Phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc...(15/10/2023 4:10 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
2028 người đã bình chọn
°
1514 người đang online