Hội nghị trực tuyến đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đăng ngày 14 - 12 - 2021
100%

Sáng ngày 14/12/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến đối ngoại toàn quốc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại sứ và Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; các ban, bộ ngành Trung ương.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trung tâm.(Nguồn ảnh: chinhphu.vn)

Tại điểm cầu Thanh Hóa, dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Mở đầu hội nghị, đại biểu đã được nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về thành tựu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí khẳng định, công tác đối ngoại luôn được Đảng và Nhà nước ta triển khai toàn diện, chủ động, tích cực cả về chủ trương, chính sách cũng như trên thực tiễn. Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy và nâng tầm được cả thế và lực nhất định, uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, đã tạo ra những tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển.

Đặc biệt, 5 năm qua (2016 - 2021), mặc dù gặp khó khăn trên nhiều lĩnh vực nhưng Việt Nam vẫn tận dụng được thời cơ, hoá giải được thách thức, tiếp tục đạt những kết quả toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng được triển khai hiệu quả. Từ năm 2016 - 2021, Việt Nam đã xác lập thêm 6 khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện lên 30 nước.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước; các đoàn thể, tổ chức nhân dân có quan hệ với hàng nghìn tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam cũng đã gia nhập và ký kết hơn 80 điều ước quốc tế đa phương; đã là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu; đã và đang tham gia hiệu quả vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong củng cố đoàn kết nội khối, đẩy mạnh quan hệ của ASEAN với các đối tác.

Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế; hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008 - 2009 và 2020 - 2021); Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020); Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017); Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên (2019); cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 thị trường và đối tác. 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho nước ta. Nhờ liên kết kinh tế sâu rộng, năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn vượt mốc 600 tỉ USD, vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỉ USD.

Các lĩnh vực công tác đối ngoại như: ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa.

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả công tác ngoại giao y tế/vắc-xin trên cả kênh song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vắc-xin. Việt Nam cũng kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó, thể hiện rõ vai trò “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.

Phương hướng đối ngoại của Việt Nam là: Chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương.

Nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại là: Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước và triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII đã đề ra, báo cáo đã nêu lên 9 nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần đưa đất nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Tại hội nghị, tỉnh Thanh Hóa đã tham luận với chủ đề: “Thanh Hóa với triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII: Cơ hội, thách thức và phương hướng nhiệm vụ”. Trong đó nêu rõ tỉnh Thanh Hoá tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tích, kết quả đạt được trong những năm qua; bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác đối ngoại, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại đã đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị (khoá XII) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, phấn đấu xây dựng Thanh Hoá đến năm 2025 trong nhóm phát triển dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

(Nguồn ảnh: chinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị. Đây cũng là dịp các cấp, các ngành, các địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả trong nước và nước ngoài nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, cho các cấp, các ngành trong hoạt động đối ngoại.

Đồng chí Tổng Bí thư đề nghị các bộ ngành, các cấp cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời đổi mới tư duy, không ngừng sáng tạo trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc và xu thế thời đại… Nêu lên các nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu các bộ, ngành, các cấp tập trung thực hiện, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định quyết tâm xây dựng, phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc.

Phát biểu quán triệt tinh thần hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị ngay sau hội nghị này các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cần quát triệt sâu sắc về phương hướng, nhiệm vụ công tác đối ngoại do đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trình bày tại hội nghị. Đặc biệt là bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, sâu sắc, toàn diện về công tác đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ đó cần cụ thể hoá trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh nói chung và công tác đối ngoại nói riêng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

 

<

Tin mới nhất

Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 – 2029(26/03/2024 2:36 CH)

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2024(22/03/2024 2:22 CH)

Kỳ Họp thứ 18, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII nhiệm kỳ 2021- 2026(15/03/2024 9:41 SA)

Tổng kết thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và công tác xây dựng Đảng...(14/03/2024 3:21 CH)

UBND tỉnh tổ chức Phiên họp tháng 3 năm 2024(01/03/2024 10:39 SA)

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết...(25/02/2024 3:09 CH)

Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 02 năm 2024: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn...(22/02/2024 2:17 CH)

Nghiên cứu, quán triệt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...(21/02/2024 8:35 SA)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
1960 người đã bình chọn
°
0 người đang online