Ngày 24/3/2020, UBND tỉnh tiếp tục Phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2020 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh.
 |
Đồng chí Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận và thông qua Tờ trình thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa. Theo Tờ trình có 10 xã đủ điều kiện được thành lập Phường gồm: Phường Quảng Phú, Phường Quảng Đông, Phường Quảng Thịnh, Phường Quảng Tâm, Phường Quảng Cát, Phường Thiệu Khánh, Phường Thiệu Dương, Phường Đông Tân, Phường Đông Lĩnh, Phường Long Anh. Nâng tổng số đơn vị hành chính của thành phố lên 30 Phường và 4 xã.
 |
Đồng chí Giám đốc Sở Giao thông Vận tải phát biểu tại Hội nghị. |
Tiếp đó, các đại biểu đã cho ý kiến vào Báo cáo Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa đến năm 2040. Khu vực quy hoạch Đô thị Thanh Hóa gồm thành phố Thanh Hóa hiện tại và phần mở rộng là toàn bộ huyện Đông Sơn chiếm 15% dân số toàn tỉnh và nắm giữ khoảng trên 40% giá trị sản xuất toàn tỉnh. Quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 228,28 km2, dân số hiện trạng (2020) gồm cả quy đổi khoảng 580.000 người. Là khu vực trung tâm của đồng bằng Thanh Hóa với hạt nhân là thành phố Thanh Hoá là đô thị loại I, là tỉnh lỵ - trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, không những có vị trí, vai trò quan trọng về quốc phòng an ninh, mà còn là đô thị chuyển tiếp giữa vùng kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng, có tiềm năng ảnh hưởng tới các vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc Lào. Đây là khu vực có vị trí, cảnh quan sinh thái thuận lợi, khí hậu ôn hòa, mạng lưới giao thông đa dạng và thuận tiện, đầu mối tập trung các loại hình giao thông quan trọng. Quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa lần này hướng tới xây dựng một thành phố trong tương lai với những thông điệp chính sau: (1) “Xây dựng một thành phố là nơi hội tụ, kết nối” phát triển Đô thị Thanh Hóa gồm các hạ tầng kinh tế, xã hội cấp vùng để phát huy vai trò, vị thế của tỉnh Thanh Hóa là một “cực tăng trưởng mới trong tứ giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Thanh Hóa”, là trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào; đồng thời là nơi thu hút, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực ổn định, chất lượng cao cho cả nước và quốc tế. (2) “Nâng cao vai trò trung tâm động lực để phát triển tỉnh Thanh Hóa”. (3) Xây dựng thành phố đẹp, có bản sắc, môi trường sống thuận lợi”.
 |
Đồng chí Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội nghị. |
Định hướng phát triển không gian tổng thể: Phát triển không gian đô thị tập trung, lan tỏa có kiểm soát với ý tưởng chủ đạo là: tựa núi (Ngàn Nưa) - bên sông (sông Mã) - hướng biển (vịnh Bắc Bộ), lấy dãy Ngàn Nưa làm chỗ dựa, phát triển đô thị hai bên bờ sông Mã, kết nối mạnh về phía Đông, hướng ra biển. Tiếp tục phát triển theo hướng Đông Nam để hình thành vùng đô thị hóa Nam sông Mã kết nối với Sầm Sơn và vùng đô thị du lịch ven biển Quảng Xương. Phát triển về phía Tây (huyện Đông Sơn) theo các hướng kết nối với các khu vực Tây Bắc, Tây, Tây Nam của tỉnh. Phát triển theo hướng Đông Bắc kết nối Đô thị Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) tạo thành vùng đô thị hóa Bắc sông Mã. Kiểm soát phát triển để bảo vệ và khai thác không gian cảnh quan hai bên sông Mã, khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ và các vùng danh thắng thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn. Từng bước di chuyển và chuyển đổi theo lộ trình các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu vực trung tâm thành phố Thanh Hóa sang chức năng dịch vụ, du lịch và đô thị để đảm bảo môi trường. Phát triển hệ thống trung tâm phân tán, gắn với các phân vùng phát triển, tạo hình thái phát triển riêng cho từng khu vực. Tăng cường phát triển các trung tâm hỗn hợp, đa năng, cân bằng tại chỗ để phục vụ dân cư đô thị và phát triển dịch vụ, du lịch. Quy hoạch, xây dựng các công trình kiến trúc độc đáo, tạo điểm nhấn tại các khu vực trung tâm, khu vực ven sông, các điểm cao đồi núi. Khai thác các khu vực đồi núi, ven sông và các vùng trũng thấp để phát triển dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch và tạo công trình điểm nhấn cho không gian đô thị trên cơ sở tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, tránh san gạt làm biến dạng địa hình, phá vỡ cảnh quan khu vực. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng tại các khu vực đồi núi, phát triển các không gian xanh, mật độ xây dựng thấp. Cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu trong đô thị theo hướng bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng các tiêu chí đô thị loại 1, nâng cao điều kiện sống của người dân và kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch. Các công trình xây dựng mới xen cấy phải đảm bảo hài hòa về không gian và kiến trúc với khu vực hiện trạng. Ưu tiên quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, trong nội thành thành phố sau khi di dời để bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội, công viên, bãi đỗ xe cho các khu vực hiện trạng. Xây dựng mới các tổ hợp công trình chung cư kết hợp dịch vụ, thương mại cao tầng để thay thế khu dân cư đã xuống cấp, để dành các quỹ đất đảm bảo hạ tầng cơ sở cho các khu dân cư; đảm bảo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị. Bảo vệ và phát huy sự đa dạng sinh thái, địa hình, cây xanh mặt nước trong đô thị để phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước đô thị. Xây dựng hệ thống cây xanh mặt nước vừa trở thành hình ảnh đặc trưng cho Đô thị Thanh Hóa, vừa hỗ trợ việc thoát nước mặt, phòng chống úng ngập.
Phát biểu thảo luận, đồng chí Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, sáp nhập hai đơn vị hành chính không phải là xếp hai cái bàn lại mà là xếp hai bàn thành 01 cái bàn, do vậy đồng chí lưu ý tính kết nối giữa các vùng thế nào để giải quyết được các điểm nghẽn về giao thông trong lòng thành phố, vấn đề tìm địa điểm phù hợp bố trí khu Nghĩa trang; tính toán việc xử lý thoát nước.
 |
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị. |
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến rất nhiều ngành, đây cũng là Quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt do vậy cần nghiên cứu kỹ để quy hoạch có tính ổn định lâu dài. Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao Quy hoạch, có tính mở tốt, kết nối được đa chiều, từ phạm vi khảo sát đến hệ thống giao thông.
Góp ý cụ thể, đồng chí yêu cầu xem xét nghiên cứu tính tổng thể trong kết nối giữa các vùng, dù là đô thị gì thì cần lấy gốc là đô thị sinh thái, đáng sống, môi trường trong sạch, không cần là cao ốc mà vẫn hiện đại, thông minh. Đồng chí lưu ý, cần làm rõ các khu chức năng để tổng hợp thành động lực phát triển của đô thị, đặc biệt là khu chức năng khi Đông Sơn sáp nhập vào thành phố; khu đô thị văn hóa Hàm Rồng - Núi Đọ; khu đô thị du lịch sinh thái 2 bên bờ sông Mã; khu đô thị nông nghiệp; khu đô thị y tế. Nghiên cứu tuyến đường cao tốc vành đai, kết nối dưới tuyến đường cao tốc thế nào, đồng thời lý giải có hay không tàu điện ngầm, tàu cao tốc... Cần dành nhiều diện tích bố trí hồ nước điều hòa. Chú ý hệ thống thoát nước thải, về Khu nghĩa trang cần nghiên cứu vị trí mới trong quy hoạch, bố trí hợp lý. Đánh giá lại hệ thống công viên, bố trí hệ thống công viên cây xanh hợp lý. Yêu cầu các ngành có ý kiến bằng văn bản báo cáo trước ngày 30/3; UBND thành phố và Đông Sơn bố trí lịch họp để thảo luận về nội dung quy hoạch, báo cáo UBND tỉnh.
 |
Đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu thảo luận tại Hội nghị. |
Hội nghị cũng thảo luận, góp ý kiến và cơ bản thông qua các Tờ trình, báo cáo: Tờ trình về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2020; Tờ trình đề nghị giao kế hoạch chi tiết vốn Ngân sách Trung ương của Tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của Chương trình 30a thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 (đợt 2); Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoằng Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070; Quy hoạch vùng huyện Nga Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050./.