Báo cáo dự thảo Đề án "Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Chiều ngày 14/10/2020, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị nghe báo cáo dự thảo Đề án “Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Page Content
 |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo dự thảo đề án tại hội nghị. |
Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng, dựa trên tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương trong tỉnh. Mục tiêu nhằm hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; phát triển các chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được xác định bao gồm: lúa gạo, rau quả, mía đường, cây thức ăn chăn nuôi, thịt và trứng gia cầm, lợn thịt, bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre luồng và các sản phẩm từ tre luồng, tôm, sản phẩm hải sản khai thác xa bờ và ngao nuôi.
 |
Các đại biểu phát biểu ý kiến xây dựng đề án tại hội nghị. |
Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể về diện tích, sản lượng, chế biến, thị trường tiêu thụ… cho từng sản phẩm đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời đưa ra các giải pháp cơ bản để thực hiện các mục tiêu trong từng giai đoạn. Theo đó, phấn đấu giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp vào năm 2025 đạt trên 100 triệu đồng, năm 2030 đạt 120 triệu đồng.
Sau khi nghe báo cáo dự thảo đề án cũng như ý kiến đại diện các ngành, cơ quan liên quan đã đóng góp làm rõ hơn các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền khẳng định, việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững Ngành nông nghiệp của tỉnh.
 |
Đại diện ngành Tài nguyên và Môi trường tham gia ý kiến vào dự thảo đề án. |
Đồng chí lưu ý đơn vị xây dựng Đề án cần rà soát lại thực trạng tình hình sản xuất nông nghiệp cụ thể hơn trong từng lĩnh vực cụ thể đến quy mô tổ chức sản xuất của các sản phẩm chủ lực. Từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp khuyến khích thu hút đầu tư sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tạo sản phẩm hàng hóa lớn gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
 |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền phát biểu kết luận hội nghị. |
Với sản phẩm chủ lực trồng trọt, cần bổ sung thêm hai loại cây trồng là cây ngô và cây gai phục vụ chế biến. Chú ý đến giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững, rà soát lại các chính sách để tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách mới trong giai đoạn tới. Đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp thu các ý kiến đóng góp, phối hợp với các đơn vị liên quan sớm bổ sung, hoàn thiện Đề án.
Xuân Nghĩa