Ngày 11/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị “Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả bền vững và có trách nhiệm”; hội nghị được tổ chức tại Sở NN&MT Thanh Hóa.
Dự hội nghị có các đồng chí: Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&MT; Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN&MT; các Viện Nghiên cứu, Trường Đại học liên quan đến lĩnh vực khai thác thủy sản; Sở NN&MT và các đơn vị liên quan của 28 tỉnh, thành phố ven biển.
 |
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhiệt liệt chào mừng đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, ngành NN&MT các tỉnh bạn đến tham dự hội nghị. Tiếp đó, đồng chí đã thông tin về tình hình kinh tế và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng đến hội nghị.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thủy sản, Thanh Hóa hiện có 6.613 chiếc tàu cá, đứng đầu khu vực miền Bắc, đứng thứ 12 cả nước; có 8 cảng cá, 4 khu neo đậu tránh trú bão có sức chứa hơn 2.000 tàu cá phục vụ cho tàu cá cập cảng, neo đậu tránh trú bão; có 28 cơ sở đóng, sửa tàu cá; có 80 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản; lao động nghề cá khoảng 44 nghìn người; sản lượng thủy sản năm 2024 đạt 219.702 tấn; tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản đạt 6,6%, giá trị sản xuất đạt 14.512 tỷ đồng…
 |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu khai mạc hội nghị. |
Đồng chí nhấn mạnh: ngành thủy sản đang đối mặt với nỗ lực gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu âu, EC rút thẻ vàng cảnh báo từ tháng 10/2017, đến nay EC đã 5 lần đến Việt Nam để kiểm tra tuy nhiên vẫn chưa rút được thẻ vàng, nếu EC rút thẻ đỏ sẽ ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu thủy sản ở thị trường Châu âu. Ngoài ra, ngành thủy sản đang phải đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Theo thống kê trong vòng 20 năm trở lại đây, hàng năm Việt Nam phải hứng chịu 10-12 trận thiên tai, trong đó bão là 6-7 cơn/năm, làm chết khoảng 500 người/năm, thiệt hại về tài sản khoảng 24.000 tỷ đồng/năm; khu vực ven biển đang đối mặt với ô nhiễm môi trường do sự phát triển nhanh các khu công nghiệp, đô thị và du lịch ven biển; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và ở Biển Đông có thể ngày càng gia tăng và gay gắt hơn, lao động nghề cá ngày càng khan hiếm do dịch chuyển sang các nghề khác, hạ tầng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển… những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế thủy sản, đời sống của bà con ngư dân.
 |
Toàn cảnh hội nghị. |
Đồng thời, để đạt được mục tiêu phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, Bộ NN&MT đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển triển thủy sản hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm. Chú trọng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ nuôi trồng thủy sản đối với các địa phương có tiềm năng phát triển nghề nuôi biển…
Đồng chí mong muốn, thông qua hội nghị này, các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp, ngư dân sẽ có định hướng, giải pháp hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh để đưa ngành thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn thách thức hiện nay. Đồng thời, sẽ hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trong việc phát triển thủy sản, chỉ ra những hạn chế trong công tác chống khai thác IUU để có những giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chương trình, đề án thực hiện chiến lược theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
 |
Các đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến nêu một số kết quả nổi bật của ngành thủy sản trong năm vừa qua, đặc biệt giá trị xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Trong quý 1, xuất khẩu thủy sản đã tương đối, do vậy Thứ trưởng nhấn mạnh cần tập trung bàn kỹ 2 trụ cột của ngành đó là khai thác và bảo tồn.
Đồng chí nhấn mạnh: việc khai thác thủy sản phải gắn với chống IUU, trong đó chú trọng việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá, thiết bị giám sát hành trình; truy suất nguồn gốc sản phẩm… Đồng thời, tập trung rà soát lại cơ cấu đội tàu, cơ cấu nghề khai thác, tập trung nâng cao trang thiết bị, đặc biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; quan tâm hơn tới việc đào tạo nghề cho ngư dân, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác IUU.
 |
Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận hội nghị. |
Đồng chí đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền để thúc đẩy cắt giảm khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, tăng cường bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, triển khai thành lập khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc phạm vi quản lý, tổ chức quản lý khu bảo tồn biển sau khi thành lập gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các khu bảo tồn biển hoạt động có hiệu quả cả về nhân lực, tài chính, hạ tầng, trang thiết bị.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân sang các sinh kế khác phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực thực hiện đào tạo, tập huấn nghề nghiệp cho ngư dân, kỹ năng quản lý bảo tồn biển, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn và lao động tay nghề cao cho phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển công nghiệp hiện đại.