Chiều ngày 01/8/2023, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh và đại diện các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng.
 |
Toàn cảnh hội nghị. |
Thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 4 kế hoạch, 2 quyết định, HĐND tỉnh ban hành 15 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 26 quyết định, 6 kế hoạch; các địa phương ban hành hàng trăm nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo tại địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội".
Một trong những kết quả nổi bật nhất, đó là chất lượng giáo dục đại trà đã được cải thiện không ngừng. Cách đây 8 năm, giáo dục đại trà của Thanh Hóa đứng thứ 47 cả nước, nhưng đến thời điểm hiện tại, đã vươn lên vị trí thứ 21. Toàn bộ 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, quy mô trường lớp được mở rộng. Thanh Hóa là tỉnh thứ 15 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; là tỉnh thứ 12 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Giáo dục mũi nhọn giữ vững trong top đầu cả nước tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giáo dục đại học, đào tạo nghề được quan tâm phát triển; tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ngày càng cao. Giáo dục ngoài công lập và công tác xã hội hoá giáo dục phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.
Trong giai đoạn 2013-2022, nguồn ngân sách của tỉnh chi cho giáo dục và đào tạo đạt trên 85 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,5% tổng chi thường xuyên từ ngân sách của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức đoàn thể trong các nhà trường được quan tâm; thực hiện tốt phương châm "Nhà trường văn hoá; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch".
 |
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin về những kết quả đạt được của ngành giáo dục nước nhà sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đồng thời bày tỏ sự phấn khởi và biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Đồng chí mong muốn, qua hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, tỉnh Thanh Hóa có cái nhìn tổng quát, đánh giá lại những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, từ đó đưa ra giải pháp thiết thực, quyết sách đúng đắn đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa không ngừng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như sự nghiệp phát triển GD&ĐT nước nhà.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị ngành giáo dục đào tạo đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua góp phần trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu được vinh danh, khen thưởng tại hội nghị.
 |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên phát biểu tại hội nghị. |
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa “đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”, đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Ngành Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021 - 2025; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, phải kiên trì, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, bất cập, những “điểm nghẽn”, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục và đào tạo của các địa phương và toàn tỉnh.
 |
Đại diện các tập thể vinh dự được nhận Bằng khen tại hội nghị. |
Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; trọng tâm là đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ; làm tốt cả việc “dạy chữ”, “dạy nghề” và “dạy người”; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học theo phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm”, “Nhà trường làm nền tảng”, “Thầy cô giáo làm động lực”; khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện; gắn học với hành, gắn học kiến thức với giáo dục chính trị tư tưởng, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và nâng cao chất lượng giáo dục miền núi; tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng và tạo đột phá về giáo dục ngoại ngữ, tin học và chất lượng giáo dục mũi nhọn; đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi để vừa phù hợp với nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa có tính liên thông với chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế bậc THPT.
 |
Các cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen tại hội nghị. |
Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và động viên, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được giao, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tuyển dụng kịp thời, hết chỉ tiêu, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu, chuẩn bị thật tốt các điều kiện cho năm học 2023-2024. Hàng năm, xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên để nâng cao tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo quy định. Tăng cường công tác quản lý giáo dục, nâng cao đạo đức nhà giáo và năng lực ứng xử sư phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành giáo dục. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục; khắc phục những hạn chế, yếu kém về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên các cấp; thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới quản lý và dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo trong quản trị và định hướng phát triển của các nhà trường. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng lộ trình cụ thể để từng bước thực hiện tự chủ tài chính; thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, đa dạng hóa các ngành đào tạo, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch tuyển sinh hàng năm. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thực tập và tuyển dụng học viên, sinh viên tốt nghiệp. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; đồng thời, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư để hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tiếp tục chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các nhà trường; làm tốt công tác phát triển đảng viên, nhất là trong học sinh, sinh viên; xây dựng nhà trường vừa là trung tâm giáo dục, vừa là trung tâm văn hóa có môi trường dân chủ, nhân ái, nghĩa tình, nơi con người được tôn trọng, được yêu thương, được trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển.
 |
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận hội nghị. |
Thứ năm, xây dựng xã hội học tập vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển; vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng; đa dạng hóa các phương thức học tập dựa theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, kết hợp giữa học trực tuyến với học trực tiếp, lấy "tự học làm cốt". Tiếp tục phát động và triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình, điển hình, các nhân tố mới về học tập và xây dựng xã hội học tập, những tấm gương sáng về học tập, những gia đình, dòng họ, khu dân cư, đơn vị hiếu học tiêu biểu, những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập...
Tại hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 14 tập thể và 15 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.