Hội nghị bàn giải pháp khôi phục và phát triển rừng lim xanh.

Sáng ngày 15/3/2018, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị họp nghe dự thảo Đề án khôi phục và phát triển rừng lim xanh tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2025.

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

cùng đoàn công tác đi kiểm tra công tác trồng rừng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 20.000 ha rừng có cây Lim xanh, trong đó rừng tự nhiên với 18.500 ha, rừng trồng 1.500 ha. Mục tiêu của Đề án là bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen cây Lim xanh, phát huy những giá trị về văn hóa, khoa học, môi trường và là biểu tượng, thương hiệu của ngành lâm nghiệp Thanh Hóa; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế của rừng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 có trên 30.000 ha rừng Lim xanh.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, cây Lim xanh là loại cây mang biểu tượng của Thanh Hóa, đồng thời phải xác định đây là loại cây gỗ lớn trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Do vậy, việc khôi phục và phát triển rừng Lim xanh là cần thiết. Tuy nhiên để phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 thì thay vì xây dựng Đề án, đơn vị soạn thảo xây dựng thành Kế hoạch khôi phục và phát triển rừng Lim xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Đồng chí giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc tiếp thu ý kiến các ngành, các huyện, trên cơ sở nội dung Đề án, khẩn trương hoàn chỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch khôi phục và phát triển cây Lim xanh Thanh Hóa đến năm 2020, theo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh đến năm 2020. Với phương châm, nơi nào đã có diện tích Lim thì cần tập trung khôi phục, bảo vệ, nơi nào có khả năng trồng được thì khuyến khích phát triển, mục tiêu là trồng rừng tập trung và phân tán, phù hợp với hệ sinh thái. Trong đó, tập trung ở 4 huyện đang có diện tích Lim xanh do cộng đồng và các chủ rừng Nhà nước quản lý là Bá Thước, Thạch Thành, Như Thanh, Như Xuân. Đồng chí yêu cầu cần tính toán lại mục tiêu phát triển rừng có cây cây Lim xanh đến năm 2020 - 2025. Theo đó, đồng chí cũng gợi ý một số giải pháp cần tập trung như: làm tốt công tác tuyên truyền gắn với các đề án phát triển lâm nghiệp đã được phê duyệt; chú trọng công tác tập huấn trồng rừng. Đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành Kế hoạch trình UBND tỉnh./.

 

Bích Phương