Một số giải pháp chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011-2015

1. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và nâng cao chất lượng các loại quy hoạch, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, cấp huyện, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới... phù hợp với nhu cầu thị trường, phát huy, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Phấn đấu sớm hoàn thành việc rà soát, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch để tổ chức thực hiện ngay từ đầu thời kỳ quy hoạch; đồng thời, trên cơ sở các quy hoạch, nghiên cứu, lựa chọn những chương trình, dự án lớn, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc để xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện.
Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch theo hướng gắn với nhu cầu thị trường, quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, lâu dài; khi xây dựng quy hoạch phải lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, công bố công khai quy hoạch, nhất là quy hoạch thuộc các lĩnh vực: xây dựng, sử dụng đất, khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất VLXD... để các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân biết, thực hiện và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch.
2. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại
Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển trên các lĩnh vực theo hướng thực sự thông thoáng, hấp dẫn, dễ triển khai thực hiện, dễ kiểm tra và bảo đảm tính khả thi.
Tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu đến năm 2015 Thanh Hoá được xếp vào tốp 10 tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao của cả nước, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp huy động các nguồn vốn nhàn rỗi của dân cư, của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là các nguồn vốn nước ngoài có lãi suất ưu đãi, thời hạn vay dài, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển.
Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và danh mục dự án ­ưu tiên nghiên cứu đầu t­ư đư­ợc Thủ t­ướng Chính phủ phê duyệt, chủ động xây dựng các dự án cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ­ương để đư­ợc bố trí kế hoạch vốn triển khai thực hiện.
Tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi danh mục các dự án lớn, quan trọng làm cơ sở để vận động, xúc tiến đầu tư. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, tập trung kêu gọi các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế cả trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh; đặc biệt cần tranh thủ những tác động tích cực sau khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn khởi công để tổ chức một số cuộc xúc tiến đầu tư lớn trong và ngoài nước để thu hút mạnh đầu tư vào địa bàn tỉnh. Sớm thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư cấp tỉnh đủ mạnh, làm đầu mối về hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.
Xây dựng kế hoạch và cơ chế cụ thể để huy động tối đa các nguồn vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ODA), vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn TPCP, vốn từ khai thác quỹ đất, vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân. Thực hiện đa dạng hoá các hình thức đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo các hình thức BT, BOT, BTO, PPP và các hình thức đầu tư khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Từng bước đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng; tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông chính, nối các vùng, các huyện, các cầu qua sông lớn, hệ thống cảng để đảm bảo tính liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải và giữa các địa phương; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thuỷ lợi, đê điều, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, cấp nước sinh hoạt và giảm nhẹ thiên tai; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống lưới điện; hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế và đô thị lớn; phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại; nâng cấp, mở rộng các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện; cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã; kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ giáo viên.
3. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ gắn với tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tạo bước chuyển biến tích cực về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng kinh tế
3.1. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả, bền vững, gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn.
- Quyhoạch sản xuất nông, lâm, thuỷ sản gắn với nhu cầu thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động đổi điền, dồn thửa, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất tạo điều kiện cho sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là khâu giống và bảo quản, chế biến nông sản; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật; xây dựng một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao để rút kinh nghiệm và nhân rộng, từng bước hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là gia súc, gia cầm và thuỷ sản.
Chuyển diện tích trồng cây lương thực năng suất thấp sang gieo trồng các loại cây con khác; mở rộng diện tích trồng cao su theo quy hoạch; hình thành các vùng chuyên canh lạc, cói, đậu tương, hoa, cây cảnh, rau quả gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.  
Phát triển mạnh chăn nuôi, chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ và một số con đặc sản ở khu vực trung du, miền núi; cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình sind hoá đàn bò, nạc hoá đàn lợn, nghiên cứu nhập ngoại một số giống bò phù hợp với điều kiện của tỉnh để phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi; chấn chỉnh hoạt động giết mổ theo hướng tập trung, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.  
Tiếp tục thực hiện rà soát quy hoạch 3 loại rừng, bảo đảm chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, mở rộng rừng sản xuất; chuyển diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, xây dựng các vùng nguyên liệu luồng, gỗ... gắn với công nghiệp chế biến; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thâm canh rừng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Quy hoạch mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản cả nước lợ, nước ngọt và nước mặn; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống và thức ăn thuỷ sản. Kết hợp hài hòa giữa đầu tư tăng năng lực đánh bắt xa bờ với tổ chức khai thác hợp lý các khu vực gần bờ nhằm nâng cao sản lượng khai thác. 
Đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là các hộ gia đình bị thu hồi đất để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và các cơ sở phi nông nghiệp; quan tâm phổ biến, hướng dẫn kiến thức tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh, khắc phục nếp nghĩ, cách làm của người nông dân sản xuất nhỏ, hướng tư duy của kinh tế hộ vào sản xuất hàng hóa lớn.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; nhân rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa nông dân với các doanh nghiệp; tổ chức thực hiện thí điểm để nhân rộng mô hình nông dân hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại bằng hình thức góp quyền sử dụng đất và lao động để phát triển sản xuất hàng hoá.
3.2. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp và xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác, công nghiệp gia công, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế tác, công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Rà soát lại các ngành công nghiệp, bên cạnh phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, hạn chế tối đa việc phát triển các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghiệp khai thác tài nguyên sử dụng công nghệ lạc hậu, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, hiện đại hóa thiết bị, công nghệ, tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào những ngành công nghiệp tỉnh có tiềm năng, lợi thế và ưu tiên phát triển trong những năm tới.
Đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại hoá kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp hiện có, Khu kinh tế Nghi Sơn và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp; hình thành KCN nam thành phố Thanh Hoá, Bãi Trành, Thạch Quảng; triển khai xây dựng khu công nghệ cao nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghệ cao. Quan tâm phát triển các cụm công nghiệp, cụm làng nghề ở các huyện có điều kiện, đặc biệt là các huyện nằm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc... để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng; tăng cường đầu tư thiết bị hiện đại, tiếp cận và từng bước làm chủ các thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến trong thi công xây lắp, đảm bảo thi công được các công trình có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp và nghiêm ngặt; nâng cao chất lượng, thẩm mỹ các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình kiến trúc; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nhà ở theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
3.3. Phát triển nhanh, đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ
Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao như thương mại, du lịch, vận tải, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục đào tạo... Phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, chấn chỉnh công tác tổ chức, quản lý, nâng cao văn hoá trong phục vụ, giao tiếp để sớm xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch lớn của cả nước. Đầu tư các khu du lịch: Hàm Rồng, Thành Nhà Hồ, nam Sầm Sơn, suối cá Cẩm Lương, Lam Kinh, Bến En, núi Nưa, Nga Sơn, Hải Hoà, Hải Tiến... từng bước đưa Thanh Hóa trở thành trọng điểm du lịch quốc gia.
Phát triển mạnh thương mại nội địa gắn với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khuyến khích đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thư­ơng mại tại TP. Thanh Hoá, Khu kinh tế Nghi Sơn, các thị xã, đô thị Ngọc Lặc và một số đô thị có sức lan toả rộng. Xúc tiến hình thành khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo làm trung tâm giao thương với Lào. Xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu Tén Tằn, cửa khẩu Khẹo; nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ bảo đảm tiêu chuẩn quy định. Đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý chợ theo hư­ớng chuyển sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, kinh doanh chợ. Đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng hình thành các nguồn hàng có quy mô lớn, ổn định, chất lượng cao, có thương hiệu; tăng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Phát triển đa dạng các loại hình vận tải, kết hợp phát triển vận tải đường bộ với đường sắt và đường thuỷ; khai thác thế mạnh cụm cảng nước sâu Nghi Sơn và các cảng sông để mở rộng vận tải biển và thuỷ nội địa. Phát triển các tuyến vận tải hành khách kết hợp với phát triển du lịch; mở rộng và nâng cao chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích các ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm mở chi nhánh trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục - đào tạo, tư vấn và chuyển giao công nghệ.
4. Phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế; xây dựng các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh cao và uy tín trên thị trường
Hoàn thành sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá. Tổng kết, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển trang trại. Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong tiếp cận vốn, thông tin, dịch vụ, đất đai làm mặt bằng sản xuất..., tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế cùng phát triển. Chủ động chuẩn bị các dự án, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn trong và nước ngoài đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Tiến hành tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phát triển doanh nghiệp, trên cơ sở đó đề ra giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2015. Hỗ trợ phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Lựa chọn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành một số công ty lớn, đa sở hữu trên các lĩnh vực tỉnh có nhiều tiềm năng. Thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ doanh nhân nhiều về số lượng, có năng lực quản trị kinh doanh, có ý chí vươn lên làm giàu, có trách nhiệm với xã hội. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhằm tăng cường đoàn kết, mở rộng hợp tác liên kết, tăng sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp.
5. Đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hoá - xã hội, phát triển nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội
- Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường khoa học công nghệ.
Sử dụng có hiệu quả kinh phí sự nghiệp khoa học, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; đổi mới cơ chế xây dựng, triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ theo hướng lấy hiệu quả ứng dụng làm tiêu chí hàng đầu; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, hướng vào sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm; phát huy vai trò tư vấn, phản biện của các tổ chức khoa học công nghệ trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và thẩm định các chương trình, đề án, dự án lớn, quan trọng.
- Thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học, bậc học; tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua và các cuộc vận động trong ngành giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành và khả năng lập nghiệp của học sinh; giải quyết dứt điểm tình trạng thừa thiếu giáo viên gắn với xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tiếp tục đầu tư cải thiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học theo chuẩn quốc gia.
Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề theo nhu cầu của xã hội, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo về cơ cấu, số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là khi các dự án trọng điểm, các dự án lớn hoàn thành đi vào sản xuất. Xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hoá, phát triển các trường dân lập, tư thục để thu hút các nguồn lực cho phát triển đào tạo và dạy nghề. Tăng cường liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động liên kết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, bên cạnh các ngành nghề truyền thống, cần đào tạo các ngành nghề mới theo định hướng phát triển của tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, hiện đại hoá các bệnh viện. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện phụ sản và Bệnh viện nhi để làm nòng cốt từng bước xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm khám chữa bệnh của khu vực Bắc Trung bộ. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư cải tạo, nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của trạm y tế xã. Đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch.
Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y bác sỹ; xây dựng chính sách khuyến khích bác sỹ về công tác tại tuyến y tế xã. Thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi. Quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề y dược tư nhân; tăng cường quản lý nhà nước về thuốc chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường công tác tuyên truyền về dân số, sức khoẻ, kế hoạch hoá gia đình, phấn đấu đạt và duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số.
- Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hoá để văn hoá thực sự là động lực phát triển và nền tảng tinh thần của xã hội. Quan tâm xây dựng lối sống và môi trường văn hoá lành mạnh; tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa; quan tâm sưu tầm, khôi phục các lễ hội, văn hóa truyền thống tốt đẹp của các vùng, miền, dân tộc trong tỉnh.
Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận thông tin, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thông tin; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; đẩy mạnh phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Phát triển thể dục, thể thao quần chúng; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực thể thao, thành lập các câu lạc bộ để đa dạng hóa hình thức tập luyện; huy động các nguồn lực đầu tư cho thể thao thành tích cao, duy trì và phát triển các môn thể thao tỉnh có thế mạnh; củng cố, nâng cao thành tích của Đội bóng đá Thanh Hoá.
- Thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm; đẩy mạnh xuất khẩu lao động theo hướng tăng xuất khẩu lao động đã qua đào tạo vào thị trường có thu nhập khá; khuyến khích người lao động tự tạo việc làm; khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các ngành nghề sử dụng nhiều lao động nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn.
Tổ chức thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 7 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; huy động mọi nguồn lực, chú trọng việc tạo môi trường thuận lợi, trợ giúp về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
6.Tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên theo hướng bền vững; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu
- Chú trọng nội dung bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, chương trình, dự án phát triển các ngành, lĩnh vực. Bảo vệ chặt chẽ rừng phòng hộ, nhất là những nơi xung yếu; mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, quan tâm phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học. Khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch; từng bước thực hiện ”sản xuất sạch”, ”tiêu dùng sạch”.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng lộ trình xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng các bãi rác hợp vệ sinh; tăng cường kiểm tra, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về phục hồi môi trường sau khai thác, chế biến khoáng sản. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường, thu gom, xử lý và tái chế chất thải. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường.
- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản; đẩy mạnh phân cấp cho cấp huyện trong việc quản lý và cấp phép khai thác một số khoáng sản thông thường như cát, đá, sỏi...; thực hiện thí điểm đấu giá quyền thăm dò và khai thác một số mỏ khoáng sản để nhân rộng; tiếp tục chấn chỉnh việc khai thác, vận chuyển trái phép cát, sỏi ra ngoài tỉnh; xây dựng lộ trình hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác đá xuất khẩu, đá ốp lát ở những nơi gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lãng phí tài nguyên. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản, kiên quyết thu hồi giấy phép đối với các dự án triển khai chậm trễ, không đúng cam kết.
Đẩy mạnh công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất ở. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết thu hồi đất của những dự án không triển khai thực hiện, triển khai chậm hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Tăng cường quản lý tài nguyên nước, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác nguồn nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép. Rà soát quy hoạch các dự án thủy điện trên các hệ thống sông; đình chỉ triển khai những dự án không có hiệu quả, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, điều hành tưới tiêu, gây mất an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
- Chủ động dự báo để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu; tiến hành nghiên cứu xây dựng một số dự án để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn xâm thực vào đất liền; sắp xếp, bố trí dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
7. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tổng kết thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010, trên cơ sở đó xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh. Căn cứ kết quả rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính, công bố công khai để tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong giải quyết công việc. Hiện đại hoá các giao dịch hành chính thông qua xây dựng các mô hình công sở hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cung cấp các dịch vụ hành chính công trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, triển khai rộng rãi mô hình “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành.
Tiếp tục đẩymạnhphâncấp quản lý nhà nước về các lĩnh vực: quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, vốn, tài sản của Nhà nước, tuyển dụng cán bộ công chức..., theo hướng việc nào, cấp nào, cơ quan nào sát thực tế hơn, giải quyết tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân thì giao chocấp đó, cơ quan đó thực hiện nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở.
Tăng cường trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, giữa các ngành với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc chỉ đạo điều hành, giải quyết những công việc có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị như: triển khai thực hiện các dự án đầu tư, bồi thường GPMB, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo..., bảo đảm bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần rà soát, xắp xếp và bố trí cán bộ công chức có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm để đảm đương các cương vị giải quyết những thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, công dân; hạn chế tiêu cực và kiên quyết xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính.
Triển khai thực hiện đồng bộ chương trình phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước...; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thành thói quen, nếp sống của mỗi người và cộng đồng.
8. Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác đối ngoại, chủ động hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội
Xây dựng lực lượng quân đội và công an vững mạnh toàn diện, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đảm bảo chất lượng; hoàn thành kế hoạch tuyển quân hằng năm; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; xây dựng tỉnh ta thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc; tăng cường củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân; nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn chặn mọi âm mưu chống phá, bạo loạn lật đổ, xây dựng cơ sở vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự”; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế, không để tội phạm gia tăng, nhất là loại tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí gây thương tích; đấu tranh đẩy lùi nạn số đề, cờ bạc, mại dâm, nghiện hút ma túy. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm số vụ, số ng­ười chết và số ngư­ời bị th­ương do tai nạn giao thông. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, nhất là ở các địa phư­ơng có đồng bào theo đạo, vùng ven biển, vùng đồng bào dân tộc.
Đẩy mạnh cải cách tư pháp; xây dựng các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, thực sự là công cụ sắc bén của Đảng, chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật đi đôi với tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với tỉnh Hủa Phăn n­ước bạn Lào. Quan tâm kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào ngư­ời Thanh Hóa chung tay xây dựng quê h­ương, đất nư­ớc.