Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 176/2010/QĐ-UBND ngày 20/01/2010 của UBND tỉnh Thanh Hoá.

I- Mục tiêu
- Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng là căn cứ pháp lý cho các cơ quan chức năng của Nhà nước quản lý nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nhằm sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, phát triển bền vững ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trong việc xin cấp giấy phép thăm dò, cấp giấy phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong giai đoạn đến năm 2015 và làm cơ sở để định hướng phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2020.                          
- Đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, xác định nhu cầu trữ lượng khoáng sản cần thăm dò, khai thác cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và khả năng đáp ứng từ nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, xác định danh mục, tiến độ thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các mỏ đến năm 2015, đồng thời xác định các mỏ, các khu vực cấm và tạm thời cấm thăm dò, khai thác.                         
II- Nội dung quy hoạch.
1- Quy hoạch thăm dò
1.1. Quy hoạch thăm dò sét gạch ngói
Trong giai đoạn (2009-2020) thăm dò 52 mỏ, bao gồm cả thăm dò mới và thăm dò mở rộng (Chi tiết xem phụ lục 1).
1.2. Quy hoạch thăm dò đá làm VLXD thông thường
Trong giai đoạn (2009-2015) thăm dò 31 mỏ và giai đoạn (2016-2020) thăm dò 11 mỏ đối với khoáng sản làm VLXD thông thường (Chi tiết xem phụ lục 2).
1.3. Quy hoạch thăm dò đá làm VLXD thông thường có tiềm năng đá ốp lát
Đối với các mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường có tiềm năng đá ốp lát phải tiến hành khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng, chất lượng và đánh giá giá trị kinh tế của mỏ để có cơ sở lập quy hoạch riêng về đá ốp lát lựa chọn biện pháp quản lý theo quy chế đấu giá mỏ khoáng sản. Trong giai đoạn (2009-2015) thăm dò 12 mỏ (trong đó có 02 mỏ đã thăm dò, đánh giá trữ lượng) và giai đoạn (2016-2020) thăm dò 6 mỏ đá ốp lát (Chi tiết xem phụ lục 3).
2- Quy hoạch khai thác
2.1. Quy hoạch khai thác sét gạch ngói
Trong giai đoạn (2009-2020) khai thác tổng 53 mỏ sét gạch ngói bao gồm các mỏ đang khai thác và các mỏ dự kiến đầu tư mới (Chi tiết xem phụ lục 4).
2.2. Quy hoạch khai thác đá làm VLXD thông thường đến năm 2015
Giai đoạn (2009-2015) khai thác 101 mỏ, kể cả các mỏ đã có trong danh mục qui hoạch VLXD được duyệt (Chi tiết xem phụ lục 5).
2.3. Đối với quy hoạch khai thác đá làm VLXDTT có tiềm năng đá ốp lát
Sau khi khảo sát, thăm dò, tuỳ thuộc vào kết quả thăm dò, báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết. 
2.4. Quy hoạch khảo sát, thăm dò và khai thác cát, sỏi lòng sông đến 2015.
Đối với quy hoạch cát, sỏi lòng sông thực nhiện theo quyết định số: 3350/2007/QĐ- UBND, ngày 05/11/2007 của UBND tỉnh Thanh Hoá.
3- Quy hoạch chế biến
3.1. Quy hoạch xây dựng các nhà máy gạch tuynel đến năm 2015
Hiện nay có 26 nhà máy gạch tuynel đang hoạt động. Giai đoạn (2009-2020) sẽ xây dựng thêm nâng tổng số lên 40 nhà máy gạch tuynel (Chi tiết xem phụ lục 6).
3.2. Quy hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất đá làm VLXD thông thường đến năm 2015
Giai đoạn (2009-2015) toàn tỉnh xây dựng 101 cơ sở sản xuất đá làmVLXD thông thường, với tổng công xuất 12.900.000m3/năm(Chi tiết xem phụ lục 7).
3.3. Quy hoạch xây dựng các cơ sở chế biến đá mỹ nghệ, ốp lát đến năm 2015
Để tránh hiện tượng khai thác, sử dụng lãng phí tài nguyên và bảo vệ cảnh quan môi trường, giai đoạn 2010- 2015 giảm mạnh và có lộ trình đóng cửa các cơ sở chế biến đá ốp lát, cụ thể:
Giai đoạn 2010 - 2012 không cấp phép kinh doanh cho các cơ sở sản xuất chế biến đá ốp lát có quy mô công suất < 500.000 m2/năm. Đồng thời không gia hạn giấy phép cho các đơn vị đang sản xuất có quy mô công suất < 100.000 m2/năm, nằm ngoài làng nghề đã quy hoạch. Tiến hành quy hoạch lại hệ thống sản xuất đá ốp lát trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến 2012 sản lượng đá ốp lát dừng ở mức 5 triệu m2/năm được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, tập trung ở các làng nghề.
3.4. Quy hoạch khu vực cấm và tạm cấm các hoạt động khoáng sản.
Các khu vực cấm và tạm thời cấm các hoạt động khoáng sản đến năm 2020, Sở tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các ngành lập, đang trình UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm: 11 khu vực cấm. Ngoài ra dự án đề xuất thêm 32 khu vực và điểm mỏ tạm cấm (Chi tiết xem phụ lục 8).
4- Nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch khoáng sản làm VLXD.
Tổng vốn đầu tư cho việc thăm dò, khoáng sản làm VLXD đến năm 2015 (không tính đến vốn điều tra cơ bản do trung ương thực hiện trên địa bàn tỉnh) khoảng 163,64 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn thăm dò sét gạch ngói thực hiện 52 đề án thăm dò khoảng 5,34 tỷ đồng do doanh nghiệp đầu tư 100%.
 - Vốn thăm dò VLXD có tận thu đá ốp lát thực hiện 31 đề án thăm dò khoảng 71,2 tỷ đồng do doanh nghiệp đầu tư 100% .
 - Vốn thăm dò đá làm VLXD thông thường thực hiện 31 đề án thăm dò khoảng 87,1 tỷ đồng do doanh nghiệp đầu tư 100%.
III- Các giải pháp để thực hiện quy hoạch khoáng sản làm VLXD đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
1. Giải pháp về quản lý nhà nước về khoáng sản làm VLXD.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, đặc biệt đối với những vùng, khu vực có mỏ khoáng sản và hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
- Kinh tế hoá việc thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, từng bước áp dụng quy chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
- Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, tổ chức công bố rộng rãi, công khai Quy hoạch để các ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư biết và triển
khai thực hiện; Định kỳ cập nhập, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản làm VLXD cho phù hợp với thực tế.
- Thực hiện nghiêm quy định về cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD, chỉ cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXD sau khi có đầy đủ kết quả thăm dò hoặc khảo sát, đánh giá ( đối với trường hợp không bắt buộc phải thăm dò) và khắc phục tình trạng khai thác không có thiết kế, chống lãng phí và thất thoát tài nguyên.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp vi phạm quy hoạch; Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ việc thăm dò, khai thác mỏ khoáng sản, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật, đảm bảo không chồng chéo với các quy hoạch khác.
2. Giải pháp về huy động vốn đầu tư
Tiến hành công bố rộng rãi danh mục, trữ lượng các mỏ đã được quy hoạch thăm dò, khai thác trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư thăm dò và khai thác khoáng sản phục vụ công nghiệp VLXD.
3. Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Thực hiện việc đấu giá thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có năng lực, có công nghệ tiên tiến tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản.
- Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD.
- Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản làm VLXD theo hướng tập trung một đầu mối, thông thoáng và thuận tiện hơn.
4. Giải pháp về khoa học công nghệ, môi trường
- Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại vào khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD để nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình công nghệ thăm dò, khai thác và phục hồi môi trường các mỏ khoáng sản sau khi kết thúc khai thác.
 IV- Tổ chức thực hiện
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm:
- Công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt; Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt, định kỳ cập nhập, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các vùng, miền.
- Hướng dẫn các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD.
- Cập nhập, đề xuất bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất VLXD đến năm 2020 để làm cơ sở tổ chức công tác thăm dò khoáng sản kịp thời và hợp lý.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
- Công bố các mỏ khoáng sản làm VLXD đã được điều tra, thăm dò
- Tham mưu cho UBND tỉnh quyết định phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật.
- Đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra cơ bản địa chất, cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD theo quy hoạch được duyệt.
- Thường xuyên cập nhật về công tác thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản làm VLXD, tổ chức thực hiện kiểm kê đối với các mỏ đã thăm dò đánh giá trữ lượng khoáng sản và đã được đưa vào khai thác trên địa bàn tỉnh.
- Kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác thanh tra khoáng sản, đẩy mạnh công tác hậu kiểm, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong quản lý và thực hiện thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản nhằm bảo đảm khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, an toàn cảnh quan, môi trường và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách thu hút đầu tư, các quy định trong việc đấu giá thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản làm VLXD.
4. Sở Tài chính có trách nhiệm:
Đề xuất bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hàng năm cho công tác điều tra cơ bản địa chất trên các diện tích vùng nguyên liệu đã quy hoạch.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm:
- Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại các khu vực có khoáng sản trên địa bàn quản lý.
- Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục giao đất, cho thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giao dục pháp luật về khoáng sản, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức, cá nhân tham gia thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng có trách nhiệm:
Chấp hành theo đúng trình tự, thủ tục về xin cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản quy định tại tại Luật Khoáng sản và Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12 /2005 về việc hướng dẩn thi hành luật khoáng sản và luật khoáng sản sửa đổi; Nghị định 07/2009/NĐ-CP ngày 22/01 /2009 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 160/2005/NĐ-CP, đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong các khâu thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm VLXD, không để xảy ra tình trạng lãng phí tài nguyên, tuân thủ các quy định về an toàn, bảo hộ lao động, bảo vệ, phục hồi môi trường.
Giao cho Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và hướng trình tự, thủ tục hồ sơ cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.