Hội thảo khoa học "Giải pháp chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa"

Sáng ngày 24/4/2025, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề: “Giải pháp chuyển đổi số trong các tổ chức sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Các đồng chí: Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thế Nguyên, Phó Trưởng khoa Kinh tế chính trị - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã giới thiệu đôi nét về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh tới các đại biểu tham dự hội thảo được biết. Đặc biệt, về nông nghiệp, Thanh Hóa là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp trên 900 nghìn ha, chiếm 81,86% diện tích tự nhiên; lao động trong ngành nông nghiệp là 629 nghìn người, chiếm 29,9% tổng lao động xã hội. Toàn tỉnh có 801 Hợp tác xã, 1.436 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực; 43 doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu nông sản đi 30 thị trường nước ngoài...

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp thuộc TOP đầu cả nước, giá trị sản xuất đạt 77.671 tỷ đồng (đứng thứ 9 cả nước), tốc độ tăng trưởng đạt 4,17% cao nhất từ trước tới nay, xuất khẩu nông sản đạt 289,224 triệu USD. Về xây dựng Nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 15 đơn vị cấp huyện (đứng thứ 2 sau TP. Hà Nội là 18 đơn vị), 374 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (đứng thứ nhất); có 4 huyện (đứng thứ 2 sau TP. Hà Nội có 5 huyện), 125 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao (đứng thứ 3, sau TP. Hà Nội 186 xã, tỉnh Nam Định 184 xã); 33 xã, 604 thôn, bản đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; có 634 sản phẩm OCOP đã được công nhận (trong đó 2 sản phẩm OCOP 5 sao).

Chuyên gia trình bày chuyên đề tại hội thảo.

Đồng chí nhấn mạnh: chuyển đổi số là xu thế tất yếu của nền kinh tế các quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam. Với mục tiêu xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số; ngày 30/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Mới đây nhất, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là động lực quan trọng để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất và đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Đây là yếu tố quyết định để đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Đại diện doanh nghiệp Thanh Hóa phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp mang tính đột phá, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chuỗi giá trị, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Hội thảo hôm nay là dịp để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và các địa phương cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận những vấn đề thực tiễn, định hình những mô hình phù hợp và kiến nghị các giải pháp để nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp trên nền tảng chuyển đổi số, trọng tâm là “Giải pháp chuyển đổi số trong các tổ chức sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” thuộc khuôn khổ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Đồng chí mong muốn: với tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết và trí tuệ, hội thảo sẽ đạt được nhiều kết quả quan trọng, đề xuất được mô hình, giải pháp thiết thực, hiệu quả thúc đẩy chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và định hướng phát triển kinh tế số nông nghiệp của cả nước.

Tại hội thảo các chuyên gia, nhà quản lý đã trình bày các tham luận về các chuyên đề, như: Chuyển đổi số ngành nông nghiệp của Việt Nam và sự sẵn sàng cho AI trong lĩnh vực kinh tế; Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá - thực trạng và giải pháp; Cải thiện hạ tầng và công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực nông nghiệp tại Thanh Hoá; Thực trạng và giải pháp chuyển đổi số ngành chăn nuôi của tỉnh Thanh Hoá.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thế Nguyên phát biểu tại buổi hội thảo.

Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thế Nguyên đã giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp, HTX và đơn vị sản xuất các sản phẩm chủ lực trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản liên quan đến vấn đề về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số nông nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh; công tác đào tạo nhân lực ứng dụng điện toán đám mây, Internet vạn vật, công nghệ AI... đáp ứng nhu cầu hoạt động quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Hội thảo khoa học "Giải pháp chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa" là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Là sự thể hiện rõ nét mô hình hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước - Nhà trường – và Doanh nghiệp. Góp phần đưa các thành tựu nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Xuân Nghĩa