Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng
Sáng 24/12/2024, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
|
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa. |
Qua 5 năm thi hành Luật PCTN, công tác đấu tranh PCTN tại các Bộ, ngành, địa phương được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” được cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành 583 Nghị định, 617 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 389 Quyết định, 27 Chỉ thị. Các Bộ, ngành, địa phương ban hành 71.796 văn bản; sửa đổi, bổ sung 3.642 văn bản; bãi bỏ 833 văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực. Góp phần tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, minh bạch, hạn chế phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
|
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa. |
5 năm qua, toàn ngành Thanh tra triển khai hơn 37.000 cuộc thanh tra hành chính; hơn 935.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế trên 658.300 tỷ đồng; hơn 28.300 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 559.000 tỷ đồng, hơn 5.500 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính gần 13.000 tập thể, gần 15.900 cá nhân… Cơ quan điều tra công an các cấp thụ lý điều tra 2.990 vụ án, với hơn 7.500 bị can phạm tội về tham nhũng; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý, kiểm sát giải quyết 3.510 nguồn tin về tham nhũng, chức vụ; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý, xét xử sơ thẩm gần 3.000 vụ án về các tội danh tham nhũng…
Tình trạng tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; tạo bước đột phá trong công tác PCTN. Công tác PCTN được triển khai toàn diện, đồng bộ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
|
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa. |
Thảo luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã nêu bật kết quả đạt được tại địa phương, đơn vị, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ; đồng thời đề xuất và thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp thực thi trong thời gian tới như: Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan Nhà nước...
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh: Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Một số giải pháp PCTN hiệu quả còn chưa cao, như: Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu hạn chế; công tác quản lý cán bộ, đảng viên để PCTN vẫn phải tăng cường.
Cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn chưa đủ mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân trong PCTN chưa cao. Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, như: Kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả...
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu kết luận hội nghị. |
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị thời gian tới, các Bộ, ban, ngành, các địa phương cần tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện tốt chương trình công tác, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương có liên quan.
Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về PCTN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Xuân Nghĩa