Kết nối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024

Tiếp nối chương trình Khai trương Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố phía Bắc, các đại biểu đã tham dự Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024.

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thi - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Công Thương; trung tâm xúc tiến thương mại/trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch các tỉnh, thành phố 19 tỉnh khu vực phía Bắc; các sở, ngành cấp tỉnh; các hiệp hội DN, DN, doanh nhân đến từ Thanh Hoá và 19 tỉnh, thành phố.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thi - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội nghị kết nối sẽ là hoạt động thiết thực của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị, địa phương tỉnh Thanh Hóa, cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc để hỗ trợ các DN tìm hiểu, trở thành các đối tác chiến lược tin cậy, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các địa phương trong khu vực nói chung; đưa các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng tốt, thương hiệu uy tín của các địa phương tiếp cận được nhiều hơn tới người tiêu dùng, thông qua các hệ thống phân phối lớn trên cả nước.

Tiếp đó, đồng chí đã giới thiệu đến toàn thể hội nghị đôi nét về điều kiện tự nhiên – xã hội của tỉnh; đặc biệt: Thanh Hóa là tỉnh đứng thứ 5 cả nước về diện tích, thứ 3 về quy mô dân số, Thanh Hoá được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài nguồn lao động dồi dào, giao thông thuận lợi, nhiều năm gần đây, cơ sở hạ tầng phát triển của tỉnh liên tục được đầu tư, tạo nền tảng và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, giao thương nội địa và xuất khẩu.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị.

Ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) là khu kinh tế trọng điểm quốc gia; toàn tỉnh hiện có 19 khu công nghiệp và 126 cụm công nghiệp được quy hoạch, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng đang trở thành điểm đến cho các DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh vẫn giữ ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Có 20/26 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước.

6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước; thu ngân sách đạt 29.670 tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, tăng 40,6% so với cùng kỳ; trong đó, có phần đóng góp đáng kể từ nguồn thu các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 94.392 tỷ đồng, bằng 50,2% kế hoạch, tăng 12,9%. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh, giá trị xuất khẩu ước đạt 2.881,6 triệu USD, tăng 21,9%. Hiện toàn tỉnh có 189 doanh nghiệp xuất khẩu đến 53 thị trường, với 55 chủng loại hàng hóa, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dần được cải thiện theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị.

Toàn cảnh hội nghị.

Ngoài ra, Thanh Hóa là địa phương có nhiều lợi thế để sản xuất đa dạng các sản phẩm, hàng hóa trong các lĩnh vực: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; với các ngành công nghiệp chủ lực là hóa dầu, hóa chất, nhựa, công nghiệp điện, cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại, dệt may, da giầy, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến thực phẩm... các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu là đồ đúc đồng, đồ cói, mây tre đan… và 479 sản phẩm OCOP được lựa chọn kỹ càng, mang đặc trưng, lợi thế của từng vùng, miền, trong đó, có nhiều sản phẩm khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì đẹp.. đáp ứng thị hiếu, yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, có thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài tỉnh; nhiều sản phẩm được xuất khẩu đi Trung Quốc, các nước khu vực Asean, Trung Đông và nhiều các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Châu Âu…

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, đại diện các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh phía Bắc đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và giới thiệu sản phẩm, năng lực sản xuất, quy mô sản xuất; tình hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khả năng cung và nhu cầu tiêu thụ, liên kết, hợp tác kinh doanh.

Các DN cũng thẳng thắn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong hoạt động sản xuất, thương mại, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tăng cường kết nối tiêu thụ và đưa ra các giải pháp thiết thực, phù hợp, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa giữa các địa phương trong thời gian tới.

Sau một buổi làm việc với tinh thần tích cực và trách nhiệm cao, Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024 đã hoàn thành chương trình đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi ghi nhận, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các quý vị đại biểu và các doanh nghiệp tại hội nghị.

Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh kết nối sản xuất với phân phối, nhằm giải quyết đầu ra cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh, thành phố phía Bắc nói chung; đồng chí đề nghị các cơ quan quản lý thương mại, xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị tiếp tục dành sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Thanh Hóa để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động định hướng, kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp các địa phương nghiên cứu, hình thành các liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau.

Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ chỉ đạo Sở Công Thương và cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ theo hướng xanh, bền vững; gắn với tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa; đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu; ưu tiên tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến, kết nối cung - cầu hàng hóa do Bộ Công Thương và các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố tổ chức trong và ngoài nước.

Các DN ký kết biên bản hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại hội nghị.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tại các địa phương trong khu vực và cả nước để phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác với các chuỗi phân phối lớn, mở rộng thị trường tiêu thụ, cũng như hình thành các kênh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa lẫn nhau; đưa các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu đến với người tiêu dùng tại các địa phương trong khu vực, trong nước và quốc tế.

Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan quản lý thương mại, xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị tiếp tục dành sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Thanh Hóa để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động định hướng, kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp các địa phương nghiên cứu, hình thành các liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ Ký kết biên bản hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh giữa các DN tỉnh Thanh Hoá và các DN phía Bắc.

Xuân Nghĩa