Toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trần Thanh Mẫn - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp.

Thưa Chủ tọa Kỳ họp,

Thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,

Thưa đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá,

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, đại biểu khách quý và toàn thể đại biểu dự Kỳ họp,

Thưa cử tri và Nhân dân tỉnh Thanh Hoá,

Hôm nay, tôi rất vui mừng về dự Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hoá khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Về với Thanh Hoá là về với vùng đất “địa linh, nhân kiệt, tinh hoa tụ họp”, quê hương của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, văn nhân nổi tiếng. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các vị đại biểu khách quý, các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân tỉnh Thanh Hoá lời thăm hỏi thân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thưa quý đại biểu,

Thanh Hoá là tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ 5, dân số hơn 4 triệu người, đứng thứ 3 cả nước; là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Thanh Hoá hội tụ đủ 3 vùng địa lý, các loại hình giao thông, cùng với lợi thế “biển bạc, rừng vàng”, nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Tỉnh Thanh Hoá đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển, trong đó có Nghị quyết số 58 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 37 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040. Đây được xem là “chìa khóa” quan trọng, tạo tiền đề để Thanh Hóa bứt phá trong tương lai; đồng thời tiếp tục khẳng định sự tin tưởng, kỳ vọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ đối với tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh kỳ họp.

Sáu tháng đầu năm 2024, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế đã phục hồi trở lại như trước đại dịch COVID-19 và tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước; cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực; quốc phòng, an ninh trật tự, an sinh xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP tăng 6,42%. Tổng thu tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1.020 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá, trong đó vốn đăng ký mới cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Đối với tỉnh Thanh Hóa của chúng ta, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và Nhân dân trong tỉnh, đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Tỉnh đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều dự án mới, quy mô lớn, trong đó có nhiều dự án giao thông quan trọng; diện mạo đô thị, hạ tầng nông thôn tỉnh Thanh Hoá được thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; một số cơ chế chính sách đặc thù đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 11,5% đứng thứ 3 cả nước (sau Bắc Giang, Khánh Hoà); thành lập mới 1.364 doanh nghiệp, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đứng đầu cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 29.670 tỷ đồng.

Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp quan trọng của HĐND tỉnh Thanh Hoá. Hoạt động của HĐND tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng ngày càng thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn; tăng cường dân chủ, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tiễn và Nghị quyết của Tỉnh ủy, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định. HĐND tỉnh đã lựa chọn, xem xét kịp thời, đúng và trúng nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, để quyết định, ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương về những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các ngành, các cấp, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.

Thưa quý đại biểu,

Tôi đồng tình với những đánh giá thẳng thắn về những hạn chế trong hoạt động của HĐND, những khó khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội trong báo cáo của UBND tỉnh; đồng thời cũng thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của HĐND và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024 của tỉnh. Trong thời gian tới, tình hình quốc tế có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ của tỉnh Thanh Hoá cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ 19.

Cần kiên trì và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ các điểm nghẽn, các vướng mắc, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân tỉnh nhà. Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là quy hoạch đầu tiên được xây dựng theo Luật Quy hoạch, sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, đảo Việt Nam, trong đó có 18.000 km 2 diện tích biển thuộc tỉnh Thanh Hoá của chúng ta.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Thứ hai: Tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, rà soát việc thực hiện các chủ trương của Trung ương; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó có Nghị quyết số 37 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai có hiệu quả 10 Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến người dân như: Luật căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Giao dịch điện tử; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Phòng thủ dân sự...kịp thời triển khai các quy định về thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Thứ ba: Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trọng tâm là, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tập trung xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh, phát triển công nghiệp theo hướng chiều sâu; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, tạo sự kết nối liên thông, đồng bộ; thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng số. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; triển khai các giải pháp quản lý, sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả cao nhất; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Thứ tư: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện và khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương; thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng.

Thứ năm: Tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, phải nỗ lực, quyết tâm tâm thật sự; đoàn kết, thống nhất thật sự; dân chủ, công tâm vô tư; trên hết, trước hết là vì dân, vì nước, vì sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Chủ động và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay; không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc; thực hiện hiệu quả chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thứ sáu: Đối với HĐND, phương châm hoạt động là “Trách nhiệm, đổi mới, chuyên nghiệp, hiệu quả”; tuy nhiên khi xem xét, đánh giá cụ thể chất lượng , hiệu quả hoạt động thì chúng ta nhìn vào các công việc cụ thể như: việc chuẩn bị các kỳ họp; chất lượng hoạt động thẩm tra; chất lượng hoạt động tại kỳ họp; chất lượng hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề; tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; và rất mong các đồng chí chú trọng công tác phối hợp thực chất với UBND, Ủy ban MTTQ và các cơ quan, tổ chức liên quan. Và như vậy, trước hết chúng ta cần các vị đại biểu HĐND sự tâm huyết, trách nhiệm, trình độ, kinh nghiệm, uy tín và trí tuệ, bản lĩnh trong công việc; sự chủ động, tích cực, khoa học, bài bản, sát với thực tiễn, “đúng vai, thuộc bài” của Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND. Trước mắt, tại kỳ họp này, tôi mong các vị đại biểu HĐND tiến hành thảo luận thật dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, quyết nghị đúng đắn các nội dung sẽ trình HĐND theo chương trình của kỳ họp; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn bảo đảm dân chủ, mang lại hiệu quả thiết thực.

Toàn cảnh kỳ họp.

Thưa quý đại biểu,

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và tinh thần sáng tạo, tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước của tỉnh Thanh Hoá, tôi tin tưởng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục “Đoàn kết trong đảng, đoàn kết trong hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân”, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 “là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại”, “là một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc”, đến năm 2045 “là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”, tỉnh Thanh Hóa sẽ ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống của Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thưa quý đại biểu,

Về Thanh Hóa dự Kỳ họp của HĐND tỉnh đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin trân trọng gửi đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng của tỉnh Thanh Hoá lời thăm hỏi ân cần, tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.

Một lần nữa, xin chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri, Nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành công mới, thắng lợi mới.

Chúc Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Xuân Nghĩa