Khắc Quốc công Lê Văn An: Võ tướng được ban quốc tính
Là bạn học thuở thiếu thời với Lê Lợi, lớn lên, lại cùng với thủ lĩnh khởi nghĩa Lam Sơn nguyện một lòng sắt son từ Hội thề Lũng Nhai đến 10 năm ròng rã nếm mật nằm gai để đánh đuổi giặc Minh xâm lược, lập nên vương triều Hậu Lê, ông chính là khai quốc công thần Lê Văn An.
Lê Văn An vốn họ Nguyễn. Theo sử liệu, ông quê ở phía Bắc, vì nhiều biến cố mà cha mẹ đã chuyển đến sách Mục Sơn, huyện Lôi Dương (thuộc Thọ Xuân ngày nay) khai khẩn đất hoang, gây dựng cơ nghiệp, tại đây đã sinh ra Nguyễn Văn An.
|
Đền thờ Khắc Quốc công Lê Văn An ở làng Diên Hào, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân). |
Cậu bé Văn An lớn lên với dung mạo khôi ngô tuấn tú, lại bản tính thông minh, ham học hỏi, thích đọc sách binh pháp, chăm chỉ luyện tập võ nghệ. Tương truyền, năm 13 tuổi Nguyễn Văn An là bạn học với Lê Lợi ở đất Lam Sơn, còn có Nguyễn Thận cùng ở sách Mục Sơn và Lê Lai người đất Dựng Tú. Bốn người thân thiết, xem nhau như anh em. Dù theo nghiệp kiếm cung song Nguyễn Văn An lại có tính cách điềm tĩnh, làm việc gì cũng suy tính cẩn trọng, thường lấy sự chân tình, lời lẽ nhẹ nhàng đối đãi với bạn bè, người thân. Vì thế, ông được nhiều người quý mến và Bình Định vương Lê Lợi tin tưởng.
Trong Hội thề Lũng Nhai (năm 1416), Nguyễn Văn An là một trong những tướng đứng đầu. Khi khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra, Nguyễn Văn An được Bình Định vương Lê Lợi tin tưởng giao trọng trách làm Thứ thủ vệ kỵ binh quân thiết đột. Trong suốt chặng đường 10 năm nếm mật nằm gai của khởi nghĩa Lam Sơn với hàng trăm trận chiến ác liệt, tướng chiến trận Nguyễn Văn An đã lập nhiều công trạng.
Năm 1424, Khả Lưu (Nghệ An) được xem là một trong những trận đánh quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn. Tại trận đánh này, Nguyễn Văn An giữ vai trò tham gia chỉ huy, ông đã xung phong đi đầu, đánh lui giặc Minh.
“Khi Lê Lợi cùng đại quân tiến ra Bắc, Lê Văn An cùng 6 tướng ở lại vây thành Nghệ An, khiến Thái Phúc giữ thành Nghệ An phải ra hàng. Khi nghĩa quân Lam Sơn vây thành Đông Quan (thành Thăng Long), Văn An cùng Lý Triện chỉ huy 14 vệ quân đóng ở cửa Bắc. Khi viện binh của giặc kéo sang, ông cùng Nguyễn Lý đem 3 vạn quân tiếp ứng cho các tướng trấn ải ở Chi Lăng. Khi giặc đến núi Mã Yên, cánh quân của Lê Văn An đánh phủ đầu, chém tướng Lương Minh, Lý Khánh thua chạy phải treo cổ tự tử. Khi quân giặc tiến xuống Xương Giang không vào được thành, hạ trại giữa đồng, Lê Văn An cùng các tướng Nguyễn Lý, Đỗ Sát, Lưu Nhân Chú... phá tan quân Minh, bắt sống Thôi Tụ, Hoằng Phúc và 3 vạn tên địch” (sách Thọ Xuân di tích và danh thắng).
Cũng theo sách Thọ Xuân di tích và danh thắng: Năm Đinh Mùi (1427) khi thành Đông Quan còn nằm trong tay giặc, Lê Lợi lấy Thiếu bảo Lê Văn An làm Tổng tri Quốc Oai thượng... và bảo rằng “Nếu có chấp sự, giám quân không theo thiết chế của người thì chém trước tâu sau”. Lê Văn An luôn giữ gìn nghiêm chỉnh 3 điều răn dạy của chủ tướng (chớ vô tình, chớ lừa dối, chớ gian tham), vậy nên được tướng sĩ trên dưới kính nể.
Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi lập ra vương triều nhà Lê, xét công ban thưởng cho tướng sĩ tham gia khởi nghĩa, “Lê Văn An được phong làm Nhập nội thiếu úy, Tư mã, Suy trung Bảo chính công thần, tham dự triều chính, tước Đình Thượng hầu, ban quốc tính (họ vua). Đến năm 1432, ông lại được gia phong Tán trị hiệp mưu công thần, Nhập nội Kiểm hiệu Đại tư không, Bình chương quân quốc trọng sự” (sách 35 vị khai quốc công thần Lam Sơn).
Là tướng chiến trận từng trải, dưới thời vua Lê Thái tông, ông được nhà vua tin tưởng giao trọng trách lĩnh ấn tiên phong đem quân đi dẹp phản loạn ở miền Lạng Sơn. Cũng theo sách 35 vị khai quốc công thần Lam Sơn, năm 1437, Lê Văn An vâng lệnh vua Lê Thái tông vào lại xứ Thanh nhận chức Hải Tây đô đốc, Đồng tổng quản, Phù lỗi trấn quốc đại tướng quân. Tuy nhiên đáng tiếc, trên đường đi nhận chức ông đột ngột qua đời. Lúc bấy giờ, ông được truy tặng chức Tư không, ban tên thụy là Trung hiếu. Đến thời vua Lê Thánh tông, khai quốc công thần Lê Văn An được truy phong Thái phó Khắc quốc công.
“Có thể nói gia đình Lê Văn An là gia đình kháng chiến. Hai người con trai của ông: Con cả Lê Văn Biếm được phong Trung Lược Đại phu Tả phụng thần Vệ tướng quân tước Đại trí sự. Con trai thứ hai là Lê Văn Yến chức Quận công, tước Phụng Lĩnh hầu. Con gái Lê Thị Ngọc Khiết làm vợ Mậu Trung hầu Bùi Bị” (sách Thọ Xuân di tích và danh thắng).
Sau khi mất, đền thờ Khắc Quốc công Lê Văn An được lập dựng ở sách Mục Sơn. Đến thời Lê Trung hưng, hậu duệ của ông dời đền thờ về làng Diên Hào thuộc xã Thọ Lâm (Thọ Xuân). Dưới thời vua Lê Hiển tông, Lê Văn An được sắc phong Thượng đẳng phúc thần, người dân tôn kính phụng thờ.
Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, đền thờ Khắc Quốc công Lê Văn An khi xưa kết cấu theo hình chữ “Đinh”, quy mô bề thế, chắc chắn, các mảng chạm khắc gỗ tinh xảo. Đáng tiếc, năm 1972, ngôi đền bị máy bay Mỹ ném bom, đổ sập hoàn toàn.
Ông Lê Minh Thái, hậu duệ đời thứ 18 của Khai Quốc công thần Lê Văn An hiện đang trông coi tại di tích cho biết: “Vào những năm cuối thế kỷ 20, với tấm lòng kính ngưỡng nhớ về tiền nhân, ngôi đền đã được con cháu trong dòng họ và người dân địa phương đóng góp kinh phí lập dựng lại trên nền móng cũ, song ngày đó còn nhiều khó khăn nên việc dựng lại đền thờ có nhiều hạn chế. Đền thờ Khắc Quốc công Lê Văn An đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tại di tích hiện còn lưu giữ một số hiện vật cổ xưa như ngai thờ, bình hương, kiếm... cùng với đó còn có 4 sắc phong (thời Lê, Nguyễn) trong đó 3 sắc phong còn nguyên vẹn, một sắc phong đã bị hư hỏng. Những năm gần đây, di tích đang bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Chúng tôi mong mỏi có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương để đền thờ sớm được trùng tu, tôn tạo”.
Theo Báo Thanh Hóa điện tử