Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân Khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Sáng ngày 19/5/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030”. Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Mai Xuân Liêm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan dự Hội nghị.
|
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, tổng diện tích hơn 7,950 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án với quy mô khoảng 432.400 căn, tổng diện tích khoảng 22,565 triệu m2. Trong đó, từ đầu năm 2022 đến nay, đã khởi công 20 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân KCN với khoảng 37.791 căn. Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030”, Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở tại các địa phương. Đồng thời, triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội xác định nhu cầu vốn và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định…
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị -Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu kết luận tại Hội nghị (nguồn: boxaydung.gov.vn) |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với các luật liên quan, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội và có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển. Đối với các địa phương, chủ động rà soát bổ sung quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Thực hiện đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền và quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chỉ đạo các chủ đầu tư dự án trên địa bàn nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở…
|
Đồng chí Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ngay sau hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa |
Phát biểu sau hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm khẳng định: Chính phủ ban hành Đề án 1 triệu căn nhà xã hội là cần thiết, nhằm tạo điều kiện để những người có thu nhập thấp và công nhân có chỗ ở ổn định, yên tâm làm việc. Ngoài ra, việc xây dựng nhà ở xã hội, chăm lo cho cuộc sống của công nhân, đối tượng thu nhập thấp cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến với Thanh Hóa. Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan, chủ trì là Sở xây dựng, rà soát lại các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, đối tượng thu nhập thấp; kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai, nắm bắt khó khăn vướng mắc; chuẩn bị các nội dung liên quan để tổ chức hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho tỉnh Thanh Hóa./.
Bích Phương