Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sáng ngày 13/01/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022, việc triển khai thực hiện kế hoạch của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Thiên tai, dịch bệnh và xung đội quân sự trên thế giới…, đã tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng giá vật tư đầu vào và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản (NLTS).

Nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bám sát thực tiễn, nỗ lực vượt khó, vươn lên, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, duy trì được đà tăng trưởng khá cao và toàn diện, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt mức Chính phủ giao.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 3,36% (Chính phủ giao 2,5-2,8%). Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%; trong đó thặng dư thương mại 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Giá trị 1ha đất trồng trọt đạt 104,2 triệu đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Sản lượng thịt các loại đạt 7,05 triệu tấn, trong đó thịt lợn tăng 5,9%, gia cầm tăng 4,5% so với cùng kỳ… Có 6.009/8.225 xã (73,06%) đạt chuẩn nông thôn mới (Chính phủ giao 73%). Lũy kế đến hết năm 2022 phân hạng và công nhận 8.689 sản phẩm OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021. Trồng mới 300.000ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%.

Công tác mở cửa thị trường tiếp tục có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo. Thị trường tiêu thụ NLTS tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng thông qua phát triển các kênh tiêu thụ, gia tăng thương mại điện tử. Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn. Các mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng...

Đồng chí Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Lê Đức Giang – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2022 được sự quan tâm của Trung ương, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm qua ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 3,65% cao nhất từ trước đến nay, tổng giá trị sản xuất (giá thực tế) 66.280 tỷ đồng, (đứng thứ 9 toàn quốc), xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 321,6 triệu USD có mặt ở trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, cụ thể trong các lĩnh vực.  Trong lĩnh vực chăn nuôi, là địa phương có tổng đàn vật nuôi thuộc tốp đầu cả nước (đứng thứ 2 về đàn trâu 190 nghìn con, thứ 3 về đàn lợn 1,25 triệu con, thứ 4 về đàn gia cầm 24,5 triệu con và thứ 5 về đàn bò 270 nghìn con). Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 207,9 nghìn tấn, tăng 3,1% CK, công tác phòng chống khai thác IUU được thực hiện tốt, hoạt động trên biển an toàn, không có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Về xây dựng nông thôn mới, công tác xây dựng NTM đạt được những kết quả tích cực đến nay, toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện (đứng thứ ba cả nước), 349 xã (đứng đầu cả nước) đạt chuẩn NTM, 67 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (đứng thứ 3 cả nước).

Về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao, Thanh Hóa đã phê duyệt ban hành 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tập trung đầu tư phát triển, đến nay đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị như: vùng lúa thâm canh 150.000 ha, vùng ngô thâm canh 20.000 ha, vùng mía nguyên liệu 14.300 ha, vùng sắn nguyên liệu 13.500 ha…xây dựng được 1.295 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cần rà soát các chính sách về NN&PTNT cũ vì đã không còn phù hợp với thực tiễn để ban hành các chính sách mới phù hợp hơn nhằm kịp thời kích cầu phát triển ngành nông nghiệp. Quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng bến cá, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền đáp ứng với nhu cầu phát triển tàu cá công suất lớn của ngư dân; hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đạt hiệu quả cao. Rà soát sắp xếp các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT quản lý tại địa phương và các nông, lâm trường phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh lãnh phí nguồn lực, tài nguyên đất đai. Dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các công trình hồ đập đầu mối, liên vùng, liên tỉnh nhằm phát huy hiệu quả công tác tưới tiêu, cấp nước sạch, nước thô cho các hoạt động đời sống, sản xuất và phòng chống thiên tai.

Đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (nguồn: VGP)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được trong năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ động, nắm chắc tình hình thế giới và trong nước, điều hành linh hoạt, có những đóng góp to lớn và quan trọng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, trong năm 2023, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đoàn kết, thống nhất cả về nhận thức và hành động trong triển khai nhiệm vụ; nắm chắc tình hình, điều hành sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ quyền lực, giám sát, kiểm tra; xác định có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các đơn vị liên quan; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa du lịch; đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là cho xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp…/.

 

Bích Phương