Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Sáng ngày 17/9/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển". Hội nghị được kết nối đến các điểm cầu địa phương trên cả nước và 80 điểm cầu của doanh nghiệp nước ngoài ở trong và ngoài nước.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi: Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chân thành lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.

Thủ tướng cho biết, hiện nay tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo và tác động, ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều phương diện đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong đó nổi bật là: Đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; xung đột ở Ukraine; giá dầu thô, khí đốt, hàng hóa cơ bản biến động mạnh; lạm phát tăng cao; rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục tăng; các vấn đề an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp; chính sách kinh tế vĩ mô của nhiều nước thay đổi mạnh hoặc có cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19 khác nhau... Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam, Chính phủ đã nhất quán chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý… với tư duy: Tìm kiếm ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; kiên định, nhất quán trong sự xáo động; kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Thủ tướng cho biết, vừa qua, nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định: kinh tế Việt Nam đi ngược lại xu hướng chững lại của châu Á, thế giới khi lạm phát ở Việt Nam tương đối thấp, tăng trưởng cao và điều chỉnh dự báo tăng trưởng cao hơn so với trước đó. kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2022: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn dự kiến kịch bản đặt ra, tương đương mức bình quân các năm trước dịch; Các cân đối lớn được bảo đảm; Nền kinh tế tiếp tục phục hồi: sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh; du lịch sôi động trở lại.

Thủ tướng nhấn mạnh, có được những kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng mong rằng tại Hội nghị này sẽ cùng nhau trao đổi, lắng nghe nhau để tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư, hướng đến sự tăng trưởng bền vững.

Tham luận tại hội nghị, một số bộ, ngành cho biết: dù có những khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, biến động của tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng của bất lợi của kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế vẫn tìm kiếm các địa điểm đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Và Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn, với những lợi thế quan trọng.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã chia sẻ những góc nhìn, quan điểm và bày tỏ tin tưởng về sự phục hồi của nền kinh tế, môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trong khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đã nhìn thấy những cơ hội phát triển. Theo khảo sát của JETRO tại Hà Nội vào năm ngoái, các doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng tại Việt Nam. Tuy nhiên, thiếu lực lượng lao động lành nghề, hạ tầng logistic chưa phát triển, công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí sản xuất… là những thách thức mà Việt Nam cần phải hoá giải sớm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đề xuất việc cải cách và việc làm rõ các quy định pháp luật để cải thiện môi trường kinh doanh đối với đầu tư và thương mại, chuỗi cung ứng và kỹ thuật số…

Đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận tại Hội nghị (nguồn: https://vnanet.vn/)

Kết luận Hội nghị với các doanh nghiệp nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Nêu lên một số định hướng, lĩnh vực ưu tiên trong thu hút đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.

Đối với các hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam; phục hồi sản xuất kinh doanh, tiến tới mở rộng đầu tư; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên đầu tư với lợi ích nhà nước và nhân dân trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"./.

 

Bích Phương