Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nghe báo cáo một số nội dung quan trọng.

Chiều ngày 14/9/2022, đồng chí Lê Đức Giang – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên qua đã nghe và cho ý kiến về một số đề xuất, dự thảo quan trọng, gồm: Đề nghị xin phép nhập 1.500 con bò sữa về nuôi của Công ty TNHH HTV Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ; Dự thảo quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đại diện phía Công ty TNHH HTV Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ trình bày đề xuất tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Công ty TNHH HTV Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ trình bày đề nghị xin phép nhập 1.500 con bò sữa về nuôi tại công ty vào cuối tháng 9/2022. Theo trình bày, chủ đầu tư đã hoàn thành được các hạng mục chính của giai đoạn 1 dự án như: San lấp mặt bằng; Đường điện 35kV; Hệ thống thu gom và thoát nước mưa chảy tràn… Theo kế hoạch, sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục công trình vào quý III/2022; nên chủ đầu tư đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài và nhập bò về nuôi cách ly tại trại Tân Đáo, thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An với số lượng đợt 1 là 1.500 con bò cái hậu bị giống Holstein Friezian (từ 6 đến 10 tháng tuổi).

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tuy nhiên, hiện nay một số hạng mục công trình của dự án chưa hoàn thành theo đúng tiến độ. Do đó, để vừa thực hiện được việc tiếp nhận 1.500 con bò về nuôi tại địa bàn và vừa đảm bảo được công tác bảo vệ môi trường; chủ đầu tư đã nghiên cứu phương án: Thức ăn được nhập từ Trung tâm sản xuất thức ăn thuộc Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Nước uống sẽ mua nước sạch từ các đơn vị cung cấp nước trong vùng. Xử lý chất thải sẽ được thu gom và sử dụng xe chuyên dụng để chở về xử lý ở nhà máy ủ phân vi sinh thuộc Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Việc đưa bò về nuôi tại dự án trong giai đoạn này là động lực để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai dự án, vừa có ý nghĩa khẳng định trách nhiệm cam kết của chủ đầu tư và tạo niềm tin với chính quyền địa phương, dư luận xã hội.

Chủ tịch UBND huyện Nông Cống tham gia ý kiến tại hội nghị.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giangđánh giá cao sự nỗ lực từ phía chủ đầu tư; song đồng chí đồng thuận với ý kiến của các ngành tại hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng nhất trong việc này là khâu xử lý nước, chất thải của đàn bò, trong khi khu xử lý chất thải của dự án vẫn chưa đi vào hoạt động. Vì vậy, đồng chí đề nghị phía công ty nhanh chóng tất các hạng mục xử lý chất, khí, nước thải cho dự án; các hạng mục về cây xanh trong vùng dự án để giảm thiểu tiếng ồn; đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Để giải quyết vấn đề di chuyển đàn bò theo hợp đồng đã kí của công ty, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đồng thuận về mặt chủ trương cho phép Công ty nhập đàn bò 1.500 con về nuôi nhốt tại dự án ở Thanh Hóa; nhưng với điều kiện công ty phải kí cam kết đảm bảo đúng các quy định về nuôi nhốt và các vấn đề về môi trường liên quan. Việc này sẽ được các đoàn thanh tra của tỉnh kiểm tra, giám sát vào giữa tháng 10/2022. Nếu không đảm bảo các yếu tố đã cam kết, tỉnh Thanh Hóa sẽ cho trục xuất đàn bò ra khỏi địa bàn tỉnh.Đồng chí giao UBND huyện Nông Cống thường xuyên theo dõi giám sát tiến độ dự án và ghi nhận các kiến nghị của người dân trong vùng dự án phản ánh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày dự thảo tại hội nghị.

Tiếp đó, hội nghị đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo dự thảo, mục đích của việc quy định “Nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quá trình triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Quan điểm của dự thảo đưa ra là tuân thủ các quy định ban hành thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa nội dung, quy trình thực hiện, nhưng phải đảm bảo đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, khách quan; không phát sinh thủ tục hành chính; không quy định lại các nội dung đã được quy định tại các văn bản Luật, Nghị định hiện hành.

Để thực hiện được mục tiêu trên, dự thảo cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; Hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu kết luận tại hội nghị.

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh, nhằm hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, đồng chí lưu ý việc phân cấp, ủy quyền tối đa trong công tác hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Đồng chí giao sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, hoàn chỉnh lại dự thảo, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 19/9.

Xuân Nghĩa