Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trường học”.

Chiều ngày 22/8/2022, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trường học”. Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Nguyễn Kim Sơn – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đầu Thanh Tùng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, trường học trên địa bàn.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hoá học đường thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường.

Ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài. Đặc biệt, ngày 1/6/2022, Bộ GDĐT đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra để những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tham luận, thảo luận nhằm đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường như: Xây dựng văn hóa học đường góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Công tác chỉ đạo triển khai của Đoàn, Hội, Đội về các giải pháp phối hợp với ngành Giáo dục trong nhiệm xây dựng văn hóa học đường; Định hướng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; Xây dựng hệ giá trị văn hóa cần hình thành trong học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới...Đại diện các sở GD&ĐT, giáo viên cũng đã có những trao đổi về thực tế triển khai công tác văn hóa học đường và giải pháp tại từng địa phương, cơ sở giáo dục.

 Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (nguồn: quochoi.vn)

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng văn hoá trong trường học; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho giáo viên, học sinh, sinh viên, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hoá học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong trường học; xây dựng nội dung, chương trình tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao cho giáo viên, học sinh, sinh viên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, ngành Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên trong môi trường giáo dục; phát huy vai trò nêu gương của người thầy, để mỗi thầy cô giáo là tấm gương về tự học, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, quan tâm giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên về tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc; xây dựng đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên theo hướng chuẩn hoá, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục./.

 

Bích Phương