Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Ngày 21/7/2022, tại phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí cán bộ chủ chốt các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội trong toàn hệ thống chính trị. Hội nghị được truyền trực tuyến đến hơn 11.000 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 1.000.000 cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; Trịnh Tuấn Sinh- Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các đoàn thể và cơ quan cấp tỉnh. Hội nghị được truyền trực tuyến đến 781 điểm cầu từ tỉnh đến các ban, sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, xã, phường, thị trấn với hơn 66 nghìn đại biểu.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Tinh ủy Thanh Hóa.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, BCH Trung ương Đảng khóa XIII là hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong thời gian 1,5 ngày, cán bộ, đảng viên tham dự Hội nghị sẽ được nghiên cứu, quán triệt 4 nghị quyết chuyên đề về: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng truyền đạt. Trên cơ sở đó, định hướng cấp ủy các cấp, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội nghị lần thứ năm, BCH Trung ương Đảng khóa XIII bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết Hội nghị nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Toàn cảnh hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến trong tỉnh.

Trong sáng nay, các đại biểu đã được nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt chuyên đề Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Theo đó, BCH Trung ương Đảng đánh giá cao các kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Theo Nghị quyết mới ban hành, đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông; hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Nghị quyết lần này đưa ra 6 nhóm giải pháp, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tiếp đó, đồng chí Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã truyền đạt chuyên đề “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gồm 5 phần: Tình hình; quan điểm; mục tiêu, tầm nhìn; nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức thực hiện. Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt Chuyên đề tại hội nghị. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)

Buổi chiều, đồng chí Lê Minh Khái- Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ quán triệt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao kinh tế tập thể, khu vực này đã cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh trật tự, từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra, đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Nghị quyết 20 của BCH Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140 nghìn Tổ hợp tác với khoảng 2 triệu thành viên, 45 nghìn HTX với khoảng 8 triệu thành viên và 340 liên hiệp HTX. Bảo đảm có trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá; Trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, có trên 5 nghìn HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Nghị quyết cũng đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó chú trọng đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển.

Sáng 22/7, hội nghị tiếp tục ngày làm việc thứ hai, quán triệt chuyên đề “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” và bế mạc.

 

Xuân Nghĩa