Tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Sáng ngày 11/5/2022, đồng chí Lê Đức Giang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị bàn về các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo tại hội nghị.

Trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, ngành Thủy sản Thanh Hóa đã kết quả tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 4,2%, giá trị sản xuất năm 2021 đạt 6.276 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 126,589 triệu USD tăng 26,3% so với cùng kì; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 201.687 tấn đạt 104% kế hoạch, tăng 4,6% so với cùng kì. Cụ thể như sau:

Sản lượng thuỷ sản khai thác năm 2021 là 135.893 tấn, đạt 104,5% so với kế hoạch, tăng 104,3% cùng kì (sản lượng khai thác biển 131.544 tấn, nội địa 4.349 tấn). Sản lượng khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 là 40.835 tấn bằng 96.4% cùng kì (khai thác biển 39.369 tấn; khai thác nội địa: 1.466 tấn).

Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 65.794 tấn, đạt 102,7% so với kế hoạch, tăng 105,1% cùng kì; 4 tháng đầu năm 2022: sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 23.675 tấn, đạt 34,8% kế hoạch, bằng 106,2% so với cùng kì.

Đại diện chủ tàu cá phát biểu tại hội nghị.

Sản lượng xuất khẩu thủy sản năm 2021 khoảng 59.800 tấn các loại, giá trị 126,589 triệu USD tăng 26,3% so với cùng kì; 4 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu khoảng trên 6.200 tấn thuỷ sản đông lạnh các loại, 770 tấn chả cá và 7.051 tấn bột cá.

Tuy nhiên, ngành Thủy sản của tỉnh vẫn chỉ đạt tốc độ tăng trưởng thấp so với tiềm năng; nguồn lao động làm việc trên tàu cá thiếu, thị trường tiêu thụ hải sản không ôn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác thủy sản, nhiều tàu cá không thường xuyên hoạt động khai thác nên sản lượng khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 giảm so với cùng kỳ.

 

Đại diện ngành ngân hàng phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, công tác đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 đến dưới 12m còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được các quy định. Diện tích nuôi trồng thủy sản còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, sản lượng và năng suất chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; hạ tầng vùng nuôi tôm đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ (thiếu hệ thống điện, giao thông nội đồng. Sản phẩm chế biến chủ yếu là sản phẩm thô, chưa có sản phẩm chế biến sâu; thị trường tiêu thụ hạn chế, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh còn hạn chế. Nguồn lao động qua đào tạo nghề, trình độ cao còn thiếu trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản…

Mục tiêu trong năm 2022, ngành Thủy sản tỉnh đặt ra sẽ đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 5% trở lên. Tổng giá trị sản xuất thuỷ sản ước đạt 6.848 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010). Tổng sản lượng thuỷ sản: Năm 2022 ước đạt 206.000 tấn, trong đó: sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 138.000 tấn; nuôi trồng thủy sản 68.000 tấn.

Đại diện lãnh đạo các địa phương phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý tàu cá, hậu cần nghề cá; việc triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm, công tác hỗ trợ sau dịch bệnh cũng như nguồn lao động có tay nghề khan hiếm sau đại dịch…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đánh giá cao những nỗ lực của ngành thủy sản đã gồng mình vượt qua đại dịch và đạt được những kết quả khả quan. Đồng chí cũng ghi nhận những sáng kiến của các đại biểu đã đóng góp tại hội nghị để tháo gỡ khó khăn cho ngành Thủy sản.

Đồng chí nhấn mạnh, đối với ngư dân phải có trách nhiệm với khoản vay của mình, không thể để nay sinh tâm lý trông chờ ỉ lại vào nhà nước xóa nợ. Đối với hệ thống ngân hàng, cần xem xét tạo cơ chế chính sách hợp lí, hỗ trợ cho người dân. Không để xảy ra tình trạng đẩy người vay rơi vào cảnh trắng tay, mất trắng. Đồng thời, tình toán lại việc thu hồi nợ bằng cách phát mại tài sản tầu thuyền của ngư dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu kết luận hội nghị.

Đối với các đơn vị bảo hiểm, đồng chí đề nghị tiếp tục triển khai gói bảo hiểm thương mại đối với tầu cá, kể cả là các tầu cá không thuộc diện Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Các đơn vị liên quan, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Các địa phương và ngành nông nghiệp chủ động đấu mối với các Bộ, ngành chức năng liên quan nhanh chóng thực hiện việc nạo vét hệ thống luồng lạch, nâng cấp hạ tầng cảng cá.

Đồng chí giao ngành Nông nghiệp xây dựng phương án quản lý hệ thống các cảng cá; Sở Lao động Thương binh và Xã hội có phương án đào tạo nguồn nhân lực nghề cá. Các địa phương hoàn thành việc thống kê số lượng tầu cá, báo cáo lại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước 30/5/2022. Đơn vị Biên phòng thực hiện nghiêm chế độ quản lý ra vào luồng, lạch và các tàu không đủ điều kiện ra khơi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuẩn bị tổng kết công tác nuôi trồng thủy sản; để có giải pháp phát triển công tác nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới phù hợp; các địa phương ven biển đẩy mạnh phát triển sản xuất OCOP thủy hải sản.

 

Xuân Nghĩa