UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác của Jica tại Việt Nam.

Sáng ngày 10/5/2022, đồng chí Nguyễn Văn Thi – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với Đoàn chuyên gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica) do ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện JICA Việt Nam làm trưởng đoàn.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh dự họp.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Thi – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã giới thiệu khái quát về tiềm năng và lợi thế của tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Thanh Hóa sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế riêng biệt mà không phải địa phương nào cũng có gồm đầy đủ các loại địa hình và hệ sinh thái; có vị trí khá thuận lợi về giao thông với đủ các loại hình gồm: đường bộ (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh; quốc lộ 217; quốc lộ 10; 15; 45; 47; đường cao tốc Bắc - Nam (dự kiến hoàn thành trước tháng 6/2023, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về tỉnh Thanh Hóa còn 1,5 giờ); tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An (đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023), đường sắt Bắc - Nam, đường thủy (Cảng nước sâu Nghi Sơn có công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm và khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT), có Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế; có Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thông thương với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, qua đó liên thông với nhiều nước trong khối ASEAN. Tỉnh Thanh Hóa có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị như: di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Lam Kinh; các bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa,... là tiềm năng, lợi thế về văn hóa, xã hội để các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch chất lượng cao như: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá lịch sử, du lịch tâm linh.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt giữa Thanh Hóa và Nhật Bản. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký kết biên bản ghi nhớ với một số đối tác uy tín của Nhật Bản như: dự án Liên doanh Tập đoàn Hokuetsu (Nhật Bản) và Tập đoàn Lee&Man (Hongkong) ký kết đầu tư tổ hợp dự án giấy và năng lượng, tổng vốn đăng ký khoảng 3 tỷ USD; Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam ký kết bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa về thực hiện dự án Trung tâm thương mại Aeonmall với tổng vốn đầu tư khoảng 190 triệu USD. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã cử lãnh đạo tỉnh tham gia Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ thăm, làm việc tại Nhật Bản (năm 2016, 2021); đón tiếp, làm việc với nhiều đoàn công tác của Nhật Bản đến khảo sát cơ hội hợp tác tại tỉnh; làm sâu sắc quan hệ hợp tác với Đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến của Nhật Bản, thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư tại tỉnh.

 Đồng chí Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Ngoài ra, trên toàn tỉnh hiện có 140 dự án FDI đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 14,495 tỷ USD, trong đó có các dự án quy mô lớn, tác động lan tỏa không những trong tỉnh mà cả khu vực Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc bộ. Toàn tỉnh có 17 dự án đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư 12,53 tỷ USD, chiếm 86% tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn trực tiếp của nhà đầu tư Nhật Bản gần 6 triệu USD, là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn FDI của tỉnh Thanh Hóa), trong đó, có 14 dự án nằm trong KKT Nghi Sơn và các KCN, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12.529,1 triệu USD và 03 dự án nằm ngoài KKT Nghi Sơn và các KCN, với tổng vốn đăng ký là 2,92 triệu USD.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đề nghị thời gian tới tỉnh rất mong nhận được sự giúp đỡ của Jica trong nhiều lĩnh vực đầu tư. Theo đó, Thanh Hóa có 06 lĩnh vực ưu tiên đầu tư, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo: Ưu tiên phát triển nhóm ngành trọng điểm như sản xuất xăng dầu; các sản phẩm sau lọc hóa dầu, hóa chất, nhựa; sản xuất thép; công nghiệp điện tử viễn thông; cơ khí chế tạo; sản xuất thiết bị y tế và công nghiệp dược phẩm; dệt may; giày da; chế biến nông, lâm, thủy sản...  Du lịch: Tập trung phát triển du lịch biển; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, tâm linh và khám phá thiên nhiên; đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước. Y tế: Xây dựng hệ thống y tế phục vụ tốt nhất cho người dân trong tỉnh và khu vực lân cận trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...Ngành nông nghiệp: Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng sản xuất tập trung theo vùng, quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuối giá trị; đấy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp để chăn nuôi trở thành động lực tăng trưởng của ngành nông nghiệp, có một số sản phẩm đứng đầu cả nước.  Phát triển hạ tầng và lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Thanh Hóa đã thành lập Bộ phận hỗ trợ đầu tư tại Nhật Bản (Japan Desk); đây sẽ là bước ngoặt quan trọng để tỉnh Thanh Hóa đưa quan hệ hợp tác giữa 2 địa phương đi vào chiều sâu. Đồng chí cũng đề xuất một số dự án mong phía Đoàn công tác đặc biệt quan tâm Dự án Nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn; ngoài ra, đề nghị JICA quan tâm, hỗ trợ để tỉnh Thanh Hóa tiếp cận “Chương trình Đối tác Phát triển” mà Jica đang triển khai để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ cho người dân tại các khu vực khó khăn của tỉnh; đồng thời, quan tâm một số dự án trong các lĩnh vực: quản lý hành chính công, quản lý nguồn nước, y tế, giáo dục đào tạo, giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị, góp phần phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh. Hiện nay, JICA đang xây dựng dự án hợp tác kỹ thuật về lao động ngoài nước cùng với Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Dự án sẽ cung cấp thông tin chính xác, khách quan về điều kiện, môi trường làm việc tại Nhật Bản cũng như thông tin về vị trí việc làm của các doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam cho người lao động đi làm việc tại Nhật Bản (mô hình của dự án như một ‘Chợ việc làm’). Hiện dự án đã được phía Chính phủ Nhật Bản đồng ý và dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào tháng 8/2022. Đề nghị JICA quan tâm, hỗ trợ tỉnh Thanh Hoá tham gia vào dự án và tổ chức các hoạt động thí điểm như tư vấn, đào tạo và truyền thông cho dự án trên địa bàn tỉnh. Đề nghị JICA hỗ trợ giới thiệu nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Nhật Bản có tiềm năng đến khảo sát, triển khai các hoạt động đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa theo các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh Thanh Hóa...

 Ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện JICA Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện JICA Việt Nam khẳng định, Thanh Hóa và Nhật Bản có mối quan hệ văn hóa tương đồng, quan hệ kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, Thanh Hóa đã trở thành địa phương hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản thời gian gần đây.

Ông Shimizu Akira khẳng định, ngày nay không chỉ mối quan hệ cấp Quốc gia được quan tâm mà mối quan hệ giữa địa phương với địa phương đã ngày càng gắn bó, sâu sắc hơn.

Về một số dự án đang triển khai tại Thanh Hóa, ông Shimizu Akira cũng cho biết thêm thông tin và mong muốn nhiều dự án được triển khai hơn nữa; ông cũng đề xuất tiếp tục hình thức cử tình nguyện viên đến các bệnh viện như Bệnh viện phục hồi chức năng đã được thực hiện và dự án hợp tác cấp cơ sở về “hỗ trợ hộ lý”...

Ông Shimizu Akira bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc vì sự tin cậy của chính quyền tỉnh Thanh Hóa đối với Jica, đồng thời, Jica sẽ hỗ trợ tích cực để quan hệ giữa 2 bên địa phương ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn./.

 

Bích Phương