Hội thảo khoa học quốc gia: “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Lê Văn Hưu (1322 – 2022).

Chiều ngày 20/4/2022, tại Trung tâm hội nghị huyện Thiệu Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1322 - 2022).

Dự hội thảo có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh- Phó Bí thư Tỉnh ủy; Đào Xuân Yên- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đầu Thanh Tùng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo huyện Thiệu Hóa.

Các chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng tại hội thảo.

Chủ trì buổi hội thảo gồm có các đồng chí, các nhà nghiên cứu: PGS.TS Trần Đức Cường- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS. TS Nguyễn Quang Ngọc- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS. TS Võ Văn Sen- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng; đồng chí Bí thư Huyện ủy huyện Thiệu Hóa Nguyễn Văn Biện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đầu Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thanh Hóa là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến; là quê hương của nhiều anh hùng, hào kiệt nổi tiếng của đất nước, như Triệu Thị Trinh, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi… đây cũng là quê hương của nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng đất nước như Lê Văn Hưu, Nguyễn Quán Nho, Lương Đắc Bằng, Nhữ Bá Sỹ, Mai Anh Tuấn... Những người con ưu tú đó đã trở thành niềm tự hào, là động lực tinh thần của vùng đất và con người Thanh Hóa trong suốt quá trình giữ nước và dựng nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của những người con ưu tú của quê hương. Các hội thảo khoa học về Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Thánh Tông… đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở Trung ương và địa phương... với những nghiên cứu khoa học đảm bảo tính thuyết phục, là những tư liệu sống động khẳng định cống hiến và công lao của những người con ưu tú, làm rạng danh quê hương Thanh Hóa.

Tiếp nối thành công của các hội thảo khoa học đó và sự thống nhất chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký". Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu và khánh thành đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo khoa học lần này nhằm khẳng định tài năng, tôn vinh công lao và những đóng góp đặc biệt của Nhà sử học Lê Văn Hưu trong lịch sử dân tộc; qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ; đồng thời giới thiệu, quảng bá truyền thống lịch sử, văn hoá, vùng đất và con người xứ Thanh đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Đồng chí cũng gửi lời trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các quý vị đại biểu đã dầy công nghiên cứu, có các tham luận, tập hợp tư liệu sống động về Bảng nhãn Lê Văn Hưu và bộ Đại Việt sử ký, đóng góp cho hội thảo này. Đồng thời bày tỏ mong muốn, thông qua những tham luận và ý kiến được trình bày tại Hội thảo sẽ làm phong phú, sâu sắc thêm những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của Nhà sử học Lê Văn Hưu và bộ Đại Việt sử ký đối với quê hương, đất nước. Đây sẽ là những nguồn tư liệu lịch sử hết sức quý báu của lịch sử dân tộc và là tài liệu quan trọng để thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự cống hiến của các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước; khơi dậy và nêu cao lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN thời kỳ hội nhập và phát triển.

Đoàn chủ tọa chủ trì buổi hội thảo.

Tiếp đó, hội thảo được nghe nhiều bài tham luận đưa ra các bằng chứng khoa học nhằm làm rõ thêm nguồn gốc quê hương, thân thế, sự nghiệp của nhà sử học Lê Văn Hưu. Điển hình như nhà nghiên cứu Phạm Tấn với tham luận “Kẻ Rỵ (làng Phủ Lý) - quê hương của nhà sử học Lê văn Hưu - từ cội nguồn đến thế kỷ XIII”; PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ với tham luận “Tiểu sử và sự nghiệp của Lê Văn Hưu”; PGS.TS Đào Tố Uyên với tham luận “Nhân cách sử học Lê Văn Hưu”… Đồng thời thông qua quá trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, tâm huyết và trách nhiệm của các tác giả đã khẳng định giá trị, ý nghĩa của bộ Đại Việt sử ký và đóng góp to lớn của Lê Văn Hưu cho nền sử học Việt Nam. Điển hình như các tham luận: “Về ý thức hệ Nho giáo và tính khách quan trong bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu” của PGS.TS Nguyễn Minh Tường; “Bàn thêm về hệ giá trị của Lê Văn Hưu qua những lời bình trong Đại Việt sử ký toàn thư” của GS.TS Võ Văn Sen - Th.S Võ Phúc Toàn…

Các nhà khoa học phát biểu tham luận tại hội thảo.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 37 báo cáo khoa học có chất lượng chuyên môn cao (gồm Đại học Quốc gia Hà Nội 10 báo cáo; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam 10 báo cáo; tỉnh Thanh Hóa 8 báo cáo; Hội Sử học Việt Nam 7 báo cáo; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 báo cáo) của 42 tác giả (ở Hà Nội 24 tác giả, Thanh Hóa 12 tác giả, thành phố Hồ Chí Minh 5 tác giả và Thừa Thiên Huế 1 tác giả). Ban Tổ chức đã tổng hợp các báo cáo thành 3 nhóm vấn đề, gồm “Lê Văn Hưu: Thời đại, quê hương và hành trạng” (10 báo cáo); “Sự nghiệp sử học của Lê Văn Hưu” (15 báo cáo); “Di sản Lê Văn Hưu và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản” (12 báo cáo).

PGS. TS Nguyễn Minh Tường tham luận tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Năm 2022 là vừa tròn 750 năm ra đời bộ Quốc sử đầu tiên của Quốc gia Đại Việt cũng là 700 năm Ngày mất của Nhà Sử học Lê Văn Hưu. Việc tổ chức Hội thảo khoa học “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” như một lời tri ân, tôn vinh Tổ sư nghề viết Sử Việt Nam Lê Văn Hưu và thông qua đó tôn vinh nghề viết sử, khẳng định vai trò không thể thay thế của Sử học trong các Vương triều Trần, Lê, Nguyễn trước đây cho đến Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.

Qua quá trình tổ chức hội thảo, các vấn đề về tiểu sử, hành trạng của Lê Văn Hưu và bộ Đại Việt sử ký sẽ vẫn tiếp tục phải đi sâu nghiên cứu và thảo luận nhiều hơn nữa trong thời gian tới, để lớp hậu thế sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lê Văn Hưu, hướng tới chương trình Kỷ niệm 800 năm Ngày sinh của Danh nhân văn hóa lớn Việt Nam, Tổ sư ngành Sử Lê Văn Hưu vào năm 2030.

Trong chế độ khoa cử phong kiến Việt Nam lưu danh hơn 200 người con của Thanh Hoá thi đỗ tiến sĩ, trong đó Bảng nhãn Lê Văn Hưu là một trong số những nhân vật tiêu biểu. Ông là nhà sử học, người thầy, nhà quân sự, danh nhân văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XIII - XIV. Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) trong một dòng họ nổi tiếng ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, từ thuở nhỏ ông đã sớm thể hiện tư chất thông minh và có chí hướng lập công danh làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Mười tám tuổi, Lê Văn Hưu thi đậu Bảng Nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần lấy Khôi nguyên.

Bảng nhãn Lê Văn Hưu là tác giả của tác phẩm lịch sử nổi tiếng “Đại Việt sử ký”, bộ sách gồm 30 quyển, trình bày diện mạo lịch sử nước ta qua gần 15 thế kỷ (từ năm 207 trước công nguyên đến năm 1244). Đây là bộ quốc sử đầu tiên ở nước ta, được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen và được Ngô Sĩ Liên - sử thần thời Hậu Lê căn cứ để biên soạn “Đại Việt Sử ký toàn thư”; đồng thời Ngô Sĩ Liên đã đánh giá Lê Văn Hưu là "Đại thủ bút đời Trần”. 

Sinh thời, Bảng nhãn Lê Văn Hưu là người có tư tưởng thấm nhuần đạo lý của Nho giáo, nên trong quá trình làm quan ông luôn yêu thương dân chúng, chăm lo cho đời sống của Nhân dân và cống hiến, phụng sự triều đình, với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng. Ông mất vào năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi. Hiện nay, trên đất Thiệu Trung vẫn còn phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông.

PGS. TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo đã khẳng định tài năng, tôn vinh công lao và những đóng góp đặc biệt của Nhà sử học Lê Văn Hưu trong lịch sử dân tộc, góp phần tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, giới thiệu, quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người xứ Thanh đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Những thành tựu tại hội thảo là tiền đề, động lực hết sức quan trọng để Thanh Hoá tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện khát vọng thịnh vượng; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, phấn đấu sớm đưa Thanh Hoá trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của đất nước.

 

Xuân Nghĩa