ĐỀN BÀ TRIỆU VÀ TỤC ĂN TẾT NGUỘI.
Khu lăng mộ và đền thờ Bà Triệu nằm trên địa phận làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá (Phú Điền xưa gọi là Kẻ Bồ, Bồ Điền). Từ thành phố Thanh Hoá theo đường Quốc lộ 1A - Nam - Bắc, đến núi Bân Sơn (bên phải) là ta đã được chiêm ngưỡng toàn cảnh đền thờ - Lăng Bà Triệu.
Đền thờ Bà Triệu, tựa lưng vào dãy núi Bân (tên chữ là Bân Sơn) mặt đền ngoảnh hướng Tây (trông ra Quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt), đối diện với dãy Tùng Sơn, nơi có lăng mộ Bà Triệu và ba vị tướng của Bà.
Tương truyền đền Bà Triệu được xây dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế). Khi nhà vua đem quân đi dẹp giặc ở phương Nam, qua đây đã trú quân lại một đêm. Được Bà Triệu báo mộng giúp vua, nên ngày thắng giặc trở về, nhà vua đã cho sửa sang lại lăng mộ và lập đền thờ Bà. Lúc đầu, đền nhỏ bé lợp tranh, trải qua nhiều đời tu sửa mới nguy nga, cao đẹp như hiện nay.
|
Đền Bà Triệu. |
Bà Triệu (226-248) được nhân dân và sử sách gọi bằng nhiều tên khác nhau: Triệu Âu, Triệu Thị Trinh, Triệu Trinh Nương, Lệ Hải Bà Vương. Theo dã sử, Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226). Quê hương bà ở vùng núi Quân Yên, quận Cửu Chân (xã Định Công, huyện Yên Định ngày nay). Bà là em gái Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng. Cha, mẹ mất sớm, Bà ở với anh. Năm 20 tuổi, Bà đã chiêu nạp trai tráng trong vùng, luyện tập võ nghệ. Sau hợp binh với anh nổi dậy khởi nghĩa. Khi Triệu Quốc Đạt mất, Bà được nghĩa quân tôn làm chủ soái. Mặc dầu vua nhà Ngô phải huy động đại quân và cử danh tướng Lục Dận để đàn áp cuộc khởi nghĩa Bà Triệu nhưng cũng phải mất gần ba năm, qua nhiều trận giao tranh quyết liệt, với những tổn thất nặng nề, chúng mới đẩy lùi được cuộc khởi nghĩa này. Bà Triệu tự vẫn trên núi Tùng Sơn ngày 21 tháng 2 năm Mậu Thìn (248). Đền thờ Bà Triệu cũng là nơi trưng bày, lưu giữ được nhiều đại tự, câu đối, nhiều đạo sắc phong của các triều vua, nhiều thơ ca kim cổ và đồ thờ (Long ngai, giao kỳ, bài vị, tàn quạt, voi, ngựa, gươm giáo...). Bà Triệu đã được các triều đại phong kiến nhiều lần phong sắc (nay tạm kể có tới 30 lần) với hàng trăm mỹ tự và danh hiệu khác nhau như: “Bậc chính phụ nhân”, “Anh liệt phu nhân”, “Hùng tài phu nhân”, “Hồng âm, mậu đức đại vương” v.v... Câu đối về Bà Triệu cũng có rất nhiều như:
“Giết Lục Dận lừng trời Việt
Đuổi Đặng Tuân khét đất Ngô”.
(Lục Dận và Đặng Tuân là tướng quân Đông Ngô).
- Đầu voi, miệng cọp, vì nước quên mình
Trời khéo để làm gương dấu tích
Trưng Vương là thế đó
Con Lạc, cháu Hồng, nấy nhà biết mặt,
người thử xem có phải vốn dòng Triệu đế hãy còn đây”.
(Triệu Đế là vua họ Triệu - chỉ Triệu Quang Phục)
Hoành quang dương hổ dị
Đối diện bà Vương nan.
Tạm dịch:
Dang tay chống hổ dễ
Giáp mặt bà Vương gay)
- Nữ thả huy qua, danh chân cổ
Tượng đầu trước kích, tích lưu kim
Tạm dịch:
(Tay gái vung dao lên nối trước
Đầu voi đạp guốc, dấu còn nay)
vạn nhân thanh sơn hiển thánh
Nữ trung hào kiệt, thiên thu
Bạch tượng truyền thần”.
Tạm dịch:
(Tình anh ở trên trời, vạn bậc non xanh hiện thánh
Hào kiệt trong nữ giới, nghìn thu voi trắng truyền thần).
Thơ ca nói về Bà Triệu có khá nhiều, hiện được sưu tầm và lưu giữ tại đền Bà ở Phú Điền. Đó là những câu thơ ca ngợi Bà Triệu được gắn với truyền thống đánh giặc cứu nước của dân tộc đã làm dấy lên lòng yêu nước ở mỗi người dân đất Việt:
Phải đánh vì chưng giặc đến nhà
Cờ đề chữ Triệu giục voi ra
Giận nòi giống Việt về tay nó
Cho tướng quan Ngô biết mặt Bà
Tam quốc nhân tài đây có một
Nhị Trưng nữ chúa nữa là ba
Còn trời, còn đất, còn non nước
Còn chuyện anh hùng gái nước ta.
(Khuyết danh)
Đặc biệt là những câu thơ của Bác Hồ:
Tỉnh Thanh Hoá có một Bà
Tên là Triệu Ẩu, tuổi đà đôi mươi
Tài năng dũng cảm hơn người
Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương
Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời.
(Lịch sử nước ta 1942 - Hồ Chí Minh)
Hàng năm, trong vùng nhân dân tổ chức giỗ Bà vào 21 tháng 2 âm lịch đúng dịp mùa xuân. Nhưng ngay từ ngày đầu xuân mồng một Tết, ở xã Phú Điền (trước đây) đã có tục lệ đặc biệt gắn liền với dịp giỗ Bà Triệu. Đó là tục lệ: ăn Tết nguội.
Tục này diễn ra vào khoảng trưa ngày mồng một, cỗ cúng giao thừa để xong lại. Sáng mồng một cả nhà đi chúc tụng bà con, họ mạc, trở về sau lúc chính ngọ thì dọn cỗ ra ăn gồm bánh và thịt, không nấu nướng thức ăn mới.
Theo những cụ cao niên am hiếu ở địa phương giải thích rằng: Tục ăn tết nguội là để tưởng nhớ tới cuộc hành quân của Bà Triệu. Bởi từ sáng sớm, Bà Triệu xuất quân đi đuổi giặc. Dọc đường chỉ có lương khô, đồ nguội, không thể nấu nướng được giữa lúc hành quân nên ăn nguội là hợp lý. Đến chiều tối, khi đã quét sạch lũ giặc khỏi vùng, quân sĩ mới trở về, ăn mừng thắng lợi. Lúc ấy thì bếp đỏ lửa, dân làng náo nức đem đồ nấu sốt, nóng tới khao quân. Kể từ đó, dân làng Phú Điền giữ đúng tục này: Buổi trưa ăn nguội, buổi chiều - bữa ăn tối ngày mồng một đầu xuân mới thì rất thịnh soạn, biểu lộ rõ không khí hân hoan của bữa ăn mừng chiến thắng.
Biên soạn theo: “Đất và người xứ Thanh”