Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022.

Chiều ngày 12/1/2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. Đồng chí Vũ Đức Đam- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến đời sống, kinh tế – xã hội, Bộ LĐ, TB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm thực hiện tốt sự bao phủ của các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động (NLĐ), người dân gặp khó khăn; triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm không bị đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, tổng kinh phí hỗ trợ của cả nước là gần 36 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng. Triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ ảnh hưởng dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị SDLĐ, tương ứng 9,68 triệu NLĐ với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Bộ LĐ, TB&XH đã ban hành chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc. Cùng với đó, ngành thực hiện hiệu quả các giải pháp đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm mới, qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66%; 1.579 nghìn lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo kết quả rà soát cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của cả nước khoảng 2,23%, giảm 0,52% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 3,37%, giảm 0,34% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4% và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ước giảm 3% so với năm 2020.

Năm 2022, ngành LĐ, TB&XH đặt ra mục tiêu phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung cầu, đảm bảo huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Đồng thời phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm đối tượng; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, các địa phương đã nêu ý kiến đóng góp làm rõ hơn những kết quả ngành đã đạt được, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành với ngành LĐ, TB&XH.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành LĐ, TB&XH trong năm 2021, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Đồng chí cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, như: Tập trung phát triển thị trường lao động, nhất là các thị trường lao động ở nước ngoài; hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tích cực xây dựng các mạng lưới bảo vệ trẻ em tại các địa phương; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành; chú trọng chăm lo đời sống, hỗ trợ người dân đón Tết đầm ấm, an toàn, nhất là các đối tượng chính sách xã hội…

Xuân Nghĩa