Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Tài nguyên và Môi trường.

Sáng ngày 31/12/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Tài nguyên và Môi trường. Đồng chí Lê Văn Thành – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2021 với đầy khó khăn thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương, của toàn ngành Tài nguyên và Môi trường với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”; đến nay, toàn ngành đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong năm 2021, đóng góp trực tiếp, quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, đã tháo gỡ những vướng mắc thể chế để phát huy nguồn lực tài nguyên trong phát triển kinh tế xã hội, nút thắt về quỹ đất đai được giải quyết, vướng mắc về nguyên liệu khoáng sản cho sản xuất từng bước được tháo gỡ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các dự án hạ tầng quan trọng, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, bảo vệ nguồn nước, phòng chống hạn hán, nguồn thu ngân sách từ đất đai đạt gần 15,2% ngân sách nội địa, nguồn thu từ khoáng sản đạt 4.589 tỷ đồng, thu từ tài nguyên nước đạt khoảng 5.900 tỷ đồng. Cải cách hành chính tiếp tục thúc đẩy với 95% số thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn, 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính giúp cắt giảm bớt thời gian chi phí tuân thủ thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 94,71 % (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%); 80% các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao được kiểm soát vận hành đóng góp tăng trưởng. Nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, giảm 78% thiệt thại về tài sản so với trung bình 10 năm vừa qua…

Đồng chí Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế: tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, không đồng bộ giữa pháp luật về quản lý tài nguyên với các pháp luật khác, một số quy định chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn, chưa đủ rõ gây khó khăn cho tổ chức thực hiện ở địa phương; tình trạng lãng phí tài nguyên như đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tài nguyên khoáng sản còn bị khai thác trái phép, chưa được chế biến sâu để mang lại hiệu quả kinh tế cao; tiềm năng về kinh tế biển chưa được phát huy đầy đủ; thách thức về an ninh nguồn nước đang là vấn đề lớn trong bối cảnh nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37%;…

Năm 2022, ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện đồng bộ thể chế, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi, thượng tôn pháp luật; tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật, thất thoát, lãng phí, các hành vi nhũng nhiễu trong thực thi công vụ; Tập trung xây dựng tài nguyên số với các nền tảng dữ liệu lớn thực hiện chuyển đổi, phát triển kinh tế số ngành; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch; Tập trung triển khai Luật Bảo vệ môi trường, chặn đứng xu thế gia tăng ô nhiễm, từng bước cải thiện chất môi trường, phục hồi các hệ sinh thái; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; Hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phát triển KT-XH, phòng chống thiên tai; chủ động tận dụng các hỗ trợ về tài chính, công nghệ và đón các dòng vốn đầu tư vào phát triển hạ tầng và triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; Hiện đại hóa hạ tầng không gian địa lý; ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường…

Hội nghị đã nghe các ý kiến, tham luận do đại diện lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trình bày đóng góp vào tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu năm 2022.

Đồng chí Lê Văn Thành – Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Thành – Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Tài nguyên và Môi trường năm vừa qua trong bối cảnh khó khăn do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, có nhiều nhiệm vụ lớn được giao trong năm 2021.

Đồng chí đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố trong cả nước bằng sự chủ động, sáng tạo và nỗ lực hết mình để tiếp tục hiện có hiệu quả nhiệm vụ kép trong đó là vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19, vừa thực hiện, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm 2022, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Hội nghị cũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho ngành Tài nguyên và Môi trường thời gian qua./.

 

Bích Phương