UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 12 năm 2021.

Ngày 23/12/2021, đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 12 năm 2021. Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh liên quan.

Mở đầu phiên họp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh trình bày báo cáo Chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo đó, dự kiến kiến Chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh có 148 nội (gồm: 98 nội dung trình UBND tỉnh và 50 nội dung trình Chủ tịch UBND tỉnh); trong đó, có 118 nội dung do các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị khác đề xuất và 30 nội dung do Văn phòng UBND tỉnh đề xuất.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh báo cáo tại phiên họp.

Về xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022. Theo bố cục, Kế hoạch sẽ bao gồm 6 phần: Chủ đề của năm 2022; Phương châm hành động; Trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2022; Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Giao chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, địa phương, đơn vị; Tổ chức thực hiện.

Nội dung của Kế hoạch, năm 2022 là năm tập trung hành động để đưa các chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống. Nên kế hoạch đề xuất chủ đề của năm 2022 là “Năm hành động, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” và phương châm hành động là “Đoàn kết - kỷ cương - chủ động - đổi mới - hiệu quả”.

Về nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 06/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; Nghị quyết số 173/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo số 175/BC-UBND ngày 06/12/2021 của UBND tỉnh về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh năm 2021; trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2022 và các kế hoạch của UBND tỉnh.

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên họp.

Về chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, địa phương, đơn vị; kế hoạch cũng xây dựng 16 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có 10 chỉ tiêu trong Nghị quyết của HĐND tỉnh là: (1) Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; (2) Xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP; (3) Số doanh nghiệp thành lập mới 3.000 doanh nghiệp; (4) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; (5) Tỷ lệ giảm nghèo; (6) Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia; (7) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn, cơ quan đạt tiêu chí kiểu mẫu; (8) Chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; (9) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý; (10) Tỷ lệ đô thị hóa. 06 chỉ tiêu quan trọng khác giao cụ thể cho các địa phương, đơn vị là: (1) Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp; (2) Tỷ lệ sơ đủ điều kiện tiếp nhận, giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; (3) Giải phóng mặt bằng; (4) Thành lập mới hợp tác xã; (5) Số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; (6) Khu dân cư, gia đình văn hóa.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hướng đến các mặt đời sống xã hội. Đồng thời nhấn mạnh: Năm 2022 cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, đã được UBND tỉnh ban hành; hạn chế và cắt giảm tối đa việc ban hành những chương trình, đề án, dự án không thực sự cấp bách, cần thiết. Do có các ngành, đơn vị phải rà soát kỹ đề xuất các nội dung để xây dựng chương trình công tác hiệu quả, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tiễn của tỉnh.

Đối với Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất nội dung dự thảo kế hoạch. Thống nhất chủ đề năm 2022 là “Năm hành động, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”; phương châm hành động là “Đoàn kết – kỷ cương – trách nhiệm – sáng tạo – hiệu quả”.

 Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo tại phiên họp.

Từ chủ đề và phương châm hành động đó, đồng chí yêu cầu các ngành, các địa phương cần phải tập trung “tăng tốc”, triển khai hiệu quả trên tất cả các mặt công tác. Tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch; nhanh chóng đấu mối, phối hợp với các bộ, ngành chức năng cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đã được thông qua. Thường xuyên nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vương mắc trong quá trình thực thi các nhiệm vụ. Việc giải quyết khó khăn, vướng mắc phải sát với yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đúng với quy định của pháp luật.

Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến tham luận tại phiên họp, nhanh chóng hoàn thiện lại 2 dự thảo, trình các Phó Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, góp ý; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Tiếp đó, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trình bày Đề án “Phát huy giá trị truyền thống của người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Theo báo cáo, bố cục đề án được chia làm 4 phần: Phần 1 là: Sự cần thiết, căn cứ, mục đích, đối tượng và phạm vi xây dựng Đề án; Phần 2: Các giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Thanh Hóa và công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xây dựng và phát triển văn hoá con người Thanh Hoá; Phần 3: Quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; Phần 4: Tổ chức thực hiện.

 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại phiên họp.

Mục tiêu của đề án nhằm Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng đất con người Thanh Hóa, khắc phục cơ bản những hạn chế, tồn tại để xây dựng các chuẩn mực giá trị mới đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH và hội nhập quốc tế. Nâng cao nhận thức, lòng tự hào, tự trọng, ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương Thanh Hoá; từ đó vận dụng vào trong lao động sản xuất, trong học tập, công tác, trong chiến đấu và đời sống xã hội; tạo thành sức mạnh nội sinh quan trọng, làm động lực mạnh mẽ để thực hiện khát vọng xây dựng và phát triển quê hương Thanh Hóa văn minh, hiện đại và kiểu mẫu.

Sau khi thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đây là vấn đề mang tính nhân văn, khó mang tính chất định nghĩa cụ thể. Về cơ bản, đồng chí đồng thuận với tinh thần của đề án. Tuy nhiên, đề án cần phải căn cứ vào các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế từ lịch sử để làm rõ được các vấn đề đặc trưng hơn. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp thu các ý kiến tham luận tại phiên họp, tiếp tục tổ chức các hội thảo và lấy ý kiến các ngành, các nhà nghiên cứu; bổ sung tư liệu biện chứng và xây dựng giải pháp đúng, trúng với tiêu đề của đề án.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Chiều cùng ngày, phiên họp tiếp tục nghe và thảo luận về Đề án phát triển công nghiệp chế biến chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; Đề án xây dựng Cơ chế, chính sách thu hút và mở rộng sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo giai đoạn 2022 – 2030. Cả 2 đề án do Sở Công Thương chuẩn bị và báo cáo.

Cho ý kiến về 2 đề án trên, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Sở Công Thương và cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo các đề án. Đồng thời giao đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, cập nhật thông tin, dữ liệu, những quan điểm mới về công nghiệp chế biến, chế tạo để hoàn thiện đề án. Riêng Đề án xây dựng “Cơ chế, chính sách thu hút và mở rộng sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh Thanh Hoá, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo giai đoạn 2022-2030” ngoài tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng chí lưu ý đơn vị chủ trì soạn thảo phải khẩn trương, tranh thủ sự ủng hộ, tư vấn về chuyên môn của Bộ Công thương và các bộ, ngành chức năng để hoàn thiện đề án.

Tiếp đó, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025. Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo tờ trình về Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa.

 Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận phiên họp.

Về Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với báo cáo do Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Đồng chí giao đơn vị chủ trì cần tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, đồng thời xem xét bổ sung thêm nội dung hỗ trợ việc khởi sự doanh nghiệp. Về mức phí hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số, chỉ hỗ trợ 1 lần đầu. Về kinh phí và nguồn vốn hỗ trợ, thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư dự thảo.

Đối với tờ trình Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch cho tỉnh là việc làm cần thiết và cần nhanh chóng hoàn thiện hoàn thiện. Đồng chí thống nhất với phương án 1 trong bản thảo do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trình bày tại hội nghị; tuy nhiên cần xem xét tham khảo thêm sự cách điệu cho logo của biểu tượng. Đơn vị chủ trì tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, hoàn chỉnh lại bản thảo để trình BTV Tỉnh ủy xem xét phê duyệt trong thời gian tới.

Sau một ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 12 năm 2021 đã hoàn thành các nội dung đề ra./.

 

Xuân Nghĩa