UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 11/2021.

Ngày 26/11/2021, UBND tỉnh đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11/2021, nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Uỷ viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại hội nghị.

Theo báo cáo từ Sở KH&ĐT, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 của tỉnh được thực hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng… Nhưng kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh vẫn được kiểm soát tốt, không để lây lan trên diện rộng. Đến ngày 23/11 đã có hơn 1,7 triệu người được tiêm phòng vắc xin COVID-19, đạt tỷ lệ bao phủ cho người từ 18 tuổi trở lên đến 65%. Đến nay cả tỉnh có 2.074 người mắc bệnh, trong đó đã có 1.080 người khỏi bệnh, 12 người tử vong. Tỉnh được xếp vào nhóm có tỷ lệ bị nhiễm bệnh thấp và thấp hơn nhiều so với cả nước. Đây là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi và đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân cả tỉnh trong công cuộc phòng, chống COVID-19.

Về tăng trưởng kinh tế, ước đạt GRDP năm 2021 sẽ đạt 8,6-9,0%, đây là mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Trong đó; nông, lâm, thủy sản vẫn có bước phát triển toàn diện. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,61 triệu tấn, bằng 104,5% KH và tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trên lĩnh vực Công nghiệp – xây dựng có chỉ số IIP năm 2021 ước tăng 16,93% so với cùng kỳ. Trong năm có thêm 6 cụm công nghiệp được thành lập mới; lĩnh vực xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng ước đạt 11,5%.

Các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19; song hoạt động thương mại của tỉnh vẫn được duy trì ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 ước đạt 135.659 tỷ đồng, bằng 108,5% KH, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 5.339 triệu USD, bằng 133,5% KH, tăng 42,7%.

Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại hội nghị.

Công tác xúc tiến đầu tư vẫn đạt kết quả tích cực, thu ngân sách vượt xa so với dự toán. Tính đến 25/11, toàn tỉnh đã huy động vốn đạt 137.630 tỷ đồng, bằng 98,3% KH, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Việc thu ngân sách ước đạt 32.420 tỷ đồng, đạt 122% dự toán năm và tăng 3% so với cùng kỳ.

Chất lượng các hoạt động văn hóa-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên được quan tâm, hoạt động bảo vệ môi trường được chú trọng. Công tác xây dựng, triển khai các đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng được chỉ đạo quyết liệt và đạt kết quả quan trọng. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính được triển khai đồng bộ, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; cải cách hành chính được đẩy mạnh; kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được tăng cường. Quốc phòng-an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo thuận lợi cho kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Chất lượng thẩm định, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được nâng lên; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Tình hình thực hiện một số chỉ tiêu về tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng các dự án sử dụng đất… có nhiều chuyển biến tích cực.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội trong năm vẫn còn một số hạn chế, cụ thể như: Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp, dự án trọng điểm còn chậm. Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đảm bảo theo yêu cầu, tỷ lệ lấp đầy còn thấp; thiếu diện tích lớn đất sạch trong các khu, cụm công nghiệp để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư. Tiến độ thực hiện và giải ngân một số dự án ODA còn chậm. Tiến độ thu hồi vốn tạm ứng của các dự án chưa đảm bảo theo kế hoạch. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lưu trú..., số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể, chấm dứt hoạt động tăng so với cùng kỳ.

Về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn còn một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện chưa nghiêm túc, còn chủ quan trong phòng chống, dịch bệnh. Công tác quản lý người cách ly, nhất là cách ly tại gia đình ở một số nơi chưa đảm bảo quy định; cách ly tập trung còn xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Công tác theo dõi, quản lý công dân từ các tỉnh, thành phố có dịch trở về còn biểu hiện lơi lỏng; việc rà soát, nắm bắt thông tin, hướng dẫn khai báo y tế, phân luồng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại hội nghị.

Về lĩnh vực văn hóa, xã hội: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nhất là ở khu vực miền núi vẫn còn khó khăn; đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Tỷ lệ bác sỹ làm việc tại các trạm y tế xã chưa đảm bảo theo quy định. Số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trong các doanh nghiệp có xu hướng tăng. Tai nạn lao động vẫn còn xảy ra; số vụ đuối nước trẻ em tăng cao so với cùng kỳ.

Trên cơ sở ước kết quả năm 2021; phân tích, đánh giá bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước và những thuận lợi, khó khăn trong năm 2022. Báo cáo cũng đưa ra 3 phương án tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 như sau:

Phương án 1 (phương án trung bình): Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 10% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,1% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 14,3% trở lên (công nghiệp tăng 15,3% trở lên, xây dựng tăng 12% trở lên); dịch vụ tăng 7,5% trở lên; thuế sản phẩm tăng 6,3 trở lên%. GRDP bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 2.750 USD.

Phương án 2 (phương án khá): Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 11,5% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,6% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 15,8% trở lên (công nghiệp tăng 16,9% trở lên, xây dựng tăng 13,6% trở lên); dịch vụ tăng 9,5% trở lên; thuế sản phẩm tăng 7,8% trở lên. GRDP bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 2.800 USD.

Phương án 3 (phương án cao): Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 13% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,8% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 16,8% trở lên (công nghiệp tăng 17,9% trở lên, xây dựng tăng 14,2% trở lên); dịch vụ tăng 12,3% trở lên; thuế sản phẩm tăng 10,2% trở lên. GRDP bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 2.840 USD.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị.

Trên cơ sở nội dung của báo cáo và ý kiến các đại biểu thảo luận về những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế; các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tháng cuối năm và kế hoạch cho năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý báo cáo cần bổ sung một số điểm: Cần bổ sung thêm kết quả đạt được trên lĩnh vực du lịch du lịch, chi tiết hơn các vấn đề về thu ngân sách. Về phần hạn chế, báo cáo cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các chỉ tiêu được giao, nhưng chưa hoàn thành. Trên lĩnh vực nông nghiệp, bản đồ thổ nhưỡng vẫn chưa hoàn thành để quy hoạch vùng trồng hợp lý; số lượng các sản phẩm OCOP nhiều, nhưng chưa đi sâu vào thị trường; công tác quản lý nhà nước về xây dựng, đất đai nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa tốt; sự phối hợp giữa các địa phương với các sở, ngành còn chưa hiệu quả…

Trong thời gian tới, cần xác định chiến lược của năm 2022 là năm phòng, chống dịch; xây dựng kịch bản cụ thể, linh hoạt để thích ứng. Đồng chí thống nhất về mặt quan điểm với phương án 2 trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2022; các ngành, địa phương, đơn vị cần căn cứ vào kế hoạch chung để xây dựng lộ trình thực hiện cho năm tới, xác định chỉ tiêu mũi nhọn, trọng điểm để ưu tiên thực hiện. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng tham mưu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Sở KH&ĐT cùng Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, hoàn chỉnh lại báo cáo để trình BTV Tỉnh ủy trong kỳ hợp tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn bày tỏ mong muốn các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tiếp tục đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát huy nền tảng đã được tạo dựng từ những kết quả nổi bật của năm 2021 để tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2022.

Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Sở KH&ĐT trình bày báo cáo Kế hoạch đầu tư công tỉnh Thanh Hóa năm 2022; Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương năm 2021; Báo cáo dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương năm 2022; Báo cáo phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022. Với những nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng như các đại biểu thống nhất với những nội dung của báo cáo.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.

Chiều cùng ngày, phiên họp tiếp tục nghe và thảo luận về Báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu biên chế công chức hành chính, biên chế sự nghiệp năm 2021 và kế hoạch giao biên chế năm 2022 do Sở Nội vụ xây dựng. Theo báo cáo, kế hoạch giao chỉ tiêu biên chế năm 2022 gồm có: Biên chế công chức hành chính và biên chế sự nghiệp. Trong đó, biên chế công chức hành chính là: 3.695 biên chế và  biên chế sự nghiệp là: 59.763 biên chế.

Với nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cơ bản thống nhất nội dung các báo cáo, kế hoạch. Đối với việc thực hiện chỉ tiêu biên chế công chức hành chính, biên chế sự nghiệp năm 2021 và kế hoạch giao biên chế năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất giữ nguyên số giao biên chế công chức hành chính trong năm 2022 như năm 2021. Riêng biên chế sự nghiệp, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ phối hợp rà soát lại biên chế sự nghiệp giáo dục ở các cấp học, từ đó tham mưu xây dựng kế hoạch giao phù hợp, sát yêu cầu thực tiễn.

Tiếp đó, hội nghị nghe và thảo luận báo cáo Danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá năm 2022 do Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày; báo cáo Tờ trình sáp nhập, đổi tên thôn tại các xã thuộc huyện Như Thanh và huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa do Sở Nội vụ báo cáo.

Ngày mai, phiên họp với các nội dung quan trọng khác.

 

Xuân Nghĩa