Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 10 năm 2021: Thanh Hóa được đánh giá dịch COVID-19 ở cấp độ 2; tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục được phục hồi và nhiều lĩnh vực có bước phát triển.

Ngày 27/10/2021, đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 10 năm 2021.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; đại diện Thường trực HĐND tỉnh; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh; Trưởng các ban, ngành, đơn vị: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, Cục Hải Quan Thanh Hóa, Cục Quản lý thị trường, Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa, Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

Đồng chí Lê Minh Nghĩa – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Trong tháng 10, dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân trở lại trạng thái “bình thường mới”. Trong tỉnh, số lượng người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch trở về tăng mạnh, Thanh Hoá tiếp tục có các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong các khu cách ly và trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát và lây lan ra diện rộng là rất lớn.

Đồng chí Mai Xuân Liêm - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, kịp thời, quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nên tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn được kiểm soát tốt. Thanh Hóa được đánh giá dịch Covid-19 thuộc cấp độ 2, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021 của tỉnh tiếp tục phục hồi và nhiều lĩnh vực có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng mạnh so với cùng kỳ, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,98%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,3%; giá trị xuất khẩu tăng 44,9%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 2.255 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng ước đạt 27.389 tỷ đồng, bằng 103% dự toán và tăng 13,6% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công tăng 9,7%. Chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, đúng quy định, kịp thời triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thanh Hoá đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Ủy ban của Quốc hội hoàn chỉnh Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 khóa XV. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: dịch tả lợn Châu phi tái phát ở một số địa phương; một số chỉ tiêu dịch vụ, du lịch, vận tải giảm so với cùng kỳ; công tác GPMB đạt thấp so với kế hoạch; công tác phòng chống dịch Covid-19 ở một số ngành, địa phương đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, còn có biểu hiện lơi lỏng trong theo dõi, giám sát công dân từ các tỉnh, thành phố có dịch trở về địa phương…

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận nội dung họp.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Văn phòng UBND tỉnh khẩn trương tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, hoàn thành Báo cáo để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, đồng chí Đỗ Minh Tuấn phấn khởi với những kết quả tích cực đạt được trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh; đây là cơ sở, động lực để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tháng vừa qua tỉnh đã khởi công Dự án Flamingo Hải Tiến (Hoằng Hóa) với tổng vốn đầu tư 3.350 tỷ đồng và một số dự án lớn khác. Đây là nỗ lực trong công tác điều hành, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

Nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý về những “chậm phản ứng” của sở, ngành, đơn vị trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của một số lĩnh vực; một số thủ tục, giải quyết công việc còn lòng vòng;…

Thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành rà soát lại nhiệm vụ của ngành mình năm 2021 để hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra, trong đó ưu tiên số 1 cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dân cư di chuyển về tỉnh; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, tham mưu thực hiện hiệu quả Nghị quyết 58; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức sử dụng lao động, người lao động tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, giao ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt danh sách, tuyên truyền sâu rộng để người dân dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ; yêu cầu các địa phương, ngành, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ có khó khăn, vướng mắc gửi Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp để UBND tỉnh giải quyết, sửa đổi, phân cấp nếu cần thiết. Tập trung giải quyết những hạn chế, khuyết điểm đã tồn đọng, được chỉ ra từ nhiều năm qua.

Đồng chí Trịnh Hữu Hùng – Giám đốc Sở Y tế trình bày dự thảo Tờ trình tại Hội nghị.

Tiếp đó, đồng chí Trịnh Hữu Hùng – Giám đốc Sở Y tế trình bày dự thảo Tờ trình đề nghị ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế trình độ cao làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025. Theo báo cáo, để đạt mục tiêu 13 bác sĩ/10.000 dân, đưa dịch vụ y tế trở thành một trong 5 trụ cột tăng trưởng theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX; dự kiến đến năm 2025 ngành y tế cần có khoảng 4.953 bác sĩ, cả tỉnh còn thiếu 850 bác sỹ; trong đó còn thiếu 112 bác sĩ trạm y tế xã. Dự thảo đề xuất chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao là tăng mức hỗ trợ thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế công lập bằng với mức hỗ trợ thu hút giảng viên mới về công tác tại Phân hiệu Đại học Y Hà Nội, đồng thời giảm một số tiêu chuẩn điều kiện về trình độ đào tạo. Theo đó, ngoài thu hút bác sĩ tốt nghiệp giỏi, xuất sắc tại Trường Đại học Y Hà Nội, dự thảo đề xuất thu hút các bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc tại các trường: Đại học Y Dược Thái Nguyên, Đại học Y Dược Thái Bình, Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh; bác sĩ nội trú, bác sĩ có trình độ sau đại học được thu hút về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu rõ, đối với Nghị quyết số 44/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Y tế nghiên cứu, tham mưu dự thảo Nghị quyết thay thế NQ 44; đối với dự thảo Tờ trình ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế trình độ cao làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, đồng chí yêu cầu cần nghiên cứu nội hàm theo hướng gộp thành chính sách thu hút bác sĩ và bác sĩ trình độ cao về làm việc tại các đơn vị dự nghiệp y tế công lập. Do đó, cần đánh giá lại Nghị quyết 69/2017/NQ-HĐND về quy định các cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở kế thừa NQ 69, cần làm rõ hơn lý do, nguyên nhân thu hút bác sĩ trình độ cao; căn cứ đưa ra mức hỗ trợ.

Góp ý cụ thể, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đối với nhóm bác sĩ trình độ cao, có thể tham khảo các nhóm đối tượng theo NQ 44; mức hỗ trợ theo tinh thần càng khó khăn càng hỗ trợ nhiều hơn.

Đối với việc thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công lập, mức hỗ trợ cần phân theo nhóm đối tượng thu hút theo địa hình vùng đồng bằng ven biển, vùng núi cao…; nhóm về công tác tại Trạm y tế xã (cũng phân loại theo từng vùng địa hình). Đối với khu vực thành phố và lân cận có thể không đưa vào phạm vi chính sách thu hút bác sĩ.

Đồng chí Đầu Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận và cho ý kiến vào dự thảo Đề án củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025. Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định sự cần thiết phải ban hành Đề án. Góp ý cụ thể nội dung, đồng chí đề nghị đánh giá thêm, kỹ, sâu hơn về hạn chế, tồn tại HTX phi nông nghiệp. Về quan điểm, mục tiêu cần bám sát Nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước. Nghiên cứu các mô hình HTX phi nông nghiệp từ thực tiễn để xây dựng được mô hình phù hợp, hiệu quả đối với tỉnh. Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã nghiên cứu các phương án tài chính thực hiện Đề án đảm bảo đạt hiệu quả.

Hội nghị cũng thảo luận và thống nhất thông qua Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2020 do Sở Tài chính soạn thảo./.

 

Bích Phương