Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng miền Trung và Tây Nguyên: Thanh Hóa là địa phương có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,66%, cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Sáng ngày 15/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến với 19 địa phương về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng miền Trung và Tây Nguyên. Dự tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đồng chí Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm tắt Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, GRDP của vùng miền Trung 6 tháng ước đạt 6,4% cao hơn bình quân cả nước (5,64%) và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Có được kết quả này là nhờ sự đóng góp của các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như: Quảng Nam (11,72%); Thanh Hóa (8,66%), Nghệ An (7,58%), Bình Thuận (7,53%). GRDP của vùng Tây Nguyên 6 tháng đầu năm đạt 7,21% cao hơn bình quân cả nước.

Về sản xuất công nghiệp vùng miền Trung tiếp tục tăng trưởng, Chỉ số công nghiệp (IIP) 8 tháng một số địa phương cao như: Thanh Hóa tăng 15,5%, Hà Tĩnh tăng 18,28%, Quảng Nam 21% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số IIP của một số địa phương vùng Tây Nguyên đạt cao, như: Đắk Lắk tăng 29,46%, Lâm Đồng tăng 11%, Kon Tum tăng 9,57%...

Về hoạt động xuất nhập khẩu vùng miền Trung tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020. Các địa phương có tỷ trọng xuất khẩu lớn trong vùng và có kết quả đạt khá, tăng cao so với cùng kỳ như Thanh Hóa (tăng 16,3%), Đà Nẵng (tăng 17,8%), Quảng Nam (tăng 28%) và Quảng Ngãi (tăng 18,6%). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng Tây Nguyên tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Về thu ngân sách Nhà nước vùng miền Trung trên địa bàn 8 tháng đầu năm 2021 đạt 88% so với dự toán năm, cao hơn mức bình quân cả nước (cả nước 77%). Vùng Tây Nguyên đạt 96% dự toán năm.

Tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, vùng miền Trung đã cấp mới được 59 dự án FDI với số vốn đăng ký 1,09 tỷ USD; vùng Tây Nguyên cấp mới 7 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 443 triệu USD.

Song song với phát triển kinh tế, các địa phương thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động được thực hiện..

Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống nhân dân. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gặp khó khăn; tiêu thụ sản phẩm, sản xuất công nghiệp một số địa phương bị đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ, vận chuyển. Nguy cơ thiếu hụt lao động có kinh nghiệm, tay nghề cao do các doanh nghiệp dừng lao động. Người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, kéo dài… Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp như: Đà Nẵng (4,99%), Quảng Ngãi (4,03%), Khánh Hòa (0,49%)…

Đồng chí Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa

phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa là địa phương có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,66%, cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,47%; công nghiệp – xây dựng tăng 12,9%; dịch vụ tăng 7,3%; thuế sản phẩm giảm 0,4%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực, tổng thu đạt hơn 15.800 tỷ đồng, bằng 60% dự toán và tăng 5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt các sở, ngành tham mưu ban hành các Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ; tham mưu ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, đưa Nghị quyết vào cuộc sống…

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các Bộ, ngành Trung ương nên tình hình kinh tế - xã hội các địa phương vẫn giữ được sự ổn định và tiếp tục có bước phát triển. Đối với tỉnh Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,66%, cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ và ước tính đạt 9,01% trong năm 2021.

Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình trong nước, thế giới và thực tế bối cảnh của tỉnh, tỉnh Thanh Hóa dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021, như sau: GRDP đạt 12,3% trở lên, tổng giá trị xuất khẩu đạt 5,4 triệu USD trở lên, huy động vốn đầu tư phát triển đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 27.600 tỷ đồng, thành lập mới 3.000 doanh nghiệp, kế hoạch đầu tư công năm 2022 dự kiến là 12.380 tỷ đồng.

Tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ chủ động xây dựng các kịch bản, kế hoạch ứng phó kịp thời, linh hoạt trong phục hồi kinh tế và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, nhất là các lĩnh vực chịu tác động nặng nề. Đồng thời, sát sao trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không để gián đoạn sản xuất, nhất là các doanh nghiệp chủ lực, có đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại thực chất nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Địa phương cũng sẽ giao sớm và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa đề nghị các bộ, ngành có thẩm quyền sớm ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án xã hội hóa theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; đồng thời, sớm ban hành sửa đổi, bổ sung quyết định về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, trong đó bổ sung một số chỉ tiêu như: Giá trị sản xuất các sản phẩm trên địa bàn, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động xã hội…để đáp ứng tốt hơn công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng sớm giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tỉnh sớm có kế hoạch triển khai thực hiện.

Về mục tiêu năm 2022, các địa phương đều tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và 03 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2021 – 2025.

Phát biểu tại điểm cầu các địa phương đều tập trung thảo luận về những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc; đặc biệt những giải pháp quan trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt của các địa phương thời gian qua đã điều hành phát triển kinh tế - xã hội ổn định và có bước phát triển trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhiều thách thức không nhỏ cũng đang đặt ra khi các địa phương vẫn phải tập trung nguồn lực cho công tác chống dịch; các chuỗi sản xuất, cung ứng gián đoạn, cầu thị trường suy giảm, cước vận chuyển tăng; đời sống người dân một số vùng gặp khó khăn do thiếu việc làm.

Do vậy, thời gian tới, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế để đón đầu ngay các cơ hội sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong kế hoạch này, cần phân tích sự tác động của dịch bệnh đến các ngành nghề có lợi thế đẩy mạnh gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các ngành sản xuất trọng điểm; đồng thời gắn với các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá, các quy hoạch đã được duyệt.

Về kế hoạch đầu tư công, các địa phương cần bám sát Nghị quyết, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để triển khai thực hiện. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch, đề xuất nhu cầu vốn phân bổ phù hợp khả năng giải ngân của địa phương, chủ động theo thầm quyền, phân cấp trong nội bộ tỉnh.

Trên cơ sở tiếp thu, lắng nghe các ý kiến phát biểu, đề xuất từ các tỉnh, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng giải đáp các đề xuất của các địa phương. Đồng thời Bộ sẽ xem xét ban hành các Thông tư trong thẩm quyền hoặc đề xuất Chính phủ ban hành, sửa đổi các Nghị định, luật để xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương vận hành khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng ghi nhận, cập nhật các thông tin và khó khăn riêng, đặc thù của các tỉnh trong vùng để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022./.

 

Bích Phương