Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông 2020 và triển khai kế hoạch vụ Đông 2021 các tỉnh phía Bắc”.

Sáng ngày 8/9/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả sản xuất vụ đông 2020 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2021 các tỉnh phía Bắc. Đồng chí Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đại diện lãnh đạo, các chuyên viên của Sở NN&PTNT tham dự hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị, vụ Đông 2020, các tỉnh phía Bắc diễn ra trong điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ Trung ương đến địa phương và sự cố gắng nỗ lực của người dân, kết quả ước tính sản xuất vụ Đông 2020 như sau: Diện tích cây trồng vụ đông 2020 đạt 375 nghìn ha. Tổng sản lượng cây trồng vụ đông 2020 đạt 4.565 nghìn tấn, tăng 110 nghìn tấn so với vụ đông 2019. Cây trồng có sản lượng tăng chủ yếu là rau tăng 65 nghìn tấn, ngô tăng 66,3 nghìn tấn, khoai tây tăng 6 nghìn tấn. Tổng giá trị cây vụ đông 2020 (tính theo giá hiện thời) đạt khoảng 32.628 tỷ đồng, cao hơn không đáng kể so với vụ đông 2019.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới giá trị thu nhập cây trồng vụ đông 2020 cao hơn so với vụ Đông 2019 là do đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ Đông từ cây trồng sản xuất bấp bênh, chịu áp lực về thời vụ, giá trị kinh tế thấp như đậu tương, lạc, khoai lang đã được sang cây trồng có giá trị cao hơn như: Nhóm hoa cây cảnh, cây dược liệu; nhóm rau ăn củ, ăn quả rau chất lượng cao; ngô thực phẩm phục vụ ăn tươi, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi... sản xuất trong nhà màn, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có thị trường đầu ra ổn định, trồng rải vụ đã góp phần tăng giá bán so với vụ Đông 2019 như: Khoai tây (tăng 01 triệu đồng/tấn), rau đậu các loại (tăng 0,5 triệu đồng/tấn)...

Kế hoạch triển khai sản xuất vụ Đông năm 2020, Bộ NN&PTNT tiếp tục phấn đấu đạt diện tích khoảng 400 nghìn ha và sản lượng 4,6 triệu tấn. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34-35 nghìn tỷ đồng (giá tại thời điểm). Trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 85 triệu đồng/ha. Cơ cấu nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm tỷ lệ khoảng 55% tổng diện tích cây vụ Đông; nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) khoảng 45% tổng diện tích cây vụ Đông.

Tại Thanh Hóa, xây dựng phương án sản xuất vụ đông 2021-2022, ngành nông nghiệp tỉnh nhận định: dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến xuất khẩu, lưu thông hàng hóa nông sản. Do đó, ngành định hướng tiếp tục đa dạng hóa các nhóm cây trồng trong vụ Đông, đặc biệt chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm hiện tượng vừa thừa, vừa thiếu. Mở rộng diện tích đối tượng cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định, ưu tiên các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa, như: Khoai tây chế biến, dưa chuột, bí xanh, hành tỏi, các loại hoa… Đồng thời, gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh phía Bắc trong sản xuất vụ Đông những năm qua. Đồng chí đề nghị các tỉnh căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa vụ mùa 2021, điều kiện nguồn nước, đất đai và thị trường để chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp, đảm bảo đạt diện tích sản xuất vụ Đông tối đa, chắc ăn và đạt hiệu quả kinh tế.

UBND các tỉnh sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp thực tế để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cây vụ Đông. Thứ trưởng mong muốn các tỉnh sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung chỉ đạo sản xuất, đổi mới phương thức chỉ đạo; hỗ sản xuất, kết nối cung cầu và liên kết trong điều kiện dịch COVID-19 như hiện nay để đảm bảo vụ Đông thắng lợi và hiệu quả.

Sở NN&PTNT các tỉnh sớm rà soát điều chỉnh kế hoạch vùng gieo trồng cây vụ Đông; đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tăng cường tuyên truyền các chủ trương chính sách, tiến bộ kỹ thuật, cập nhật diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh đến người sản xuất.

Căn cứ vào kế hoạch chung của Bộ, các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, thích ứng với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Thực hiện triệt để các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển, lưu thông hàng hóa không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ như thời gian vừa qua.

 

Xuân Nghĩa