Hội nghị nghe báo cáo và bàn các biện pháp giải quyết dứt điểm vấn đề bàn giao đất cho địa phương tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sáng ngày 01/9/2021, đồng chí Lê Đức Giang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị nghe báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý việc tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh, chuyển mục đích và cho thuê mượn đất sai quy định tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành và các huyện liên quan, các công ty, đơn vị đang sử dụng và quản lý diện tích đất trong diện cần giải quyết.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo tình hình sử dụng đất và việc xử lý tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh, chuyển mục đích sử dụng đất của các ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty nông lâm nghiệp hiện nay. Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 ban quản lý rừng phòng hộ, 1 Trung tâm Nghiên cứu, khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng, 7 công ty TNHH, 2 công ty lâm nghiệp với tổng diện tích đất đang quản lý, sử dụng là 108.695,5 ha. Đến nay, các đơn vị sử dụng đất cùng các ngành liên quan và các địa phương đã thực hiện cắm mốc, ranh giới đo đạc địa chính cho 6 đơn vị: Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa, Công ty TNHH Hai thành viên FLC Lam Sơn, Công ty TNHH Hai thành viên ứng dụng công nghệ cao và Thực phẩm sữa Yên Mỹ, Công ty TNHH Hai thành viên Hồ Gươm – Sông Âm, Công ty TNHH Nông Công nghiệp Hà Trung và Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc. Trước đó, Công ty  TNHH MTV Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa tự bỏ kinh phí để đo đạc từ năm 2013…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Hiện các Ban quản lý rừng phòng hộ đang có gần 1.715 ha đất chồng lấn, gần 94 ha đất bị xâm canh, hơn 2.000 ha đất không có nhu cầu sử dụng… với tổng diện tích 3.815,22 ha. Việc quản lý, sử dụng đất đai của các Ban quản lý chưa hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đời sống người lao động và hộ nhận khoán còn khó khăn. Công tác giao đất của Ban quản lý cho các hộ dân chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều khu vực có bao gồm nhà ở trước đây bị khoanh vào đất công ty nông, lâm nghiệp hay các công ty nông, lâm nghiệp tự ý cho công nhân, hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình, nhà ở, cư trú, chuyển nhượng, cho mượn, cho thuê trái pháp luật trong phạm vi đất, rừng do các nông lâm, trường quản lý…

Do vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan và các huyện rà soát, có hướng giải quyết triệt để và giao đất về cho các địa phương quản lý, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng phân tích, dẫn các căn cứ pháp luật và đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ các vấn đề liên quan. Đại diện lãnh đạo các đơn vị sử dụng đất cũng thống nhất phương án bàn giao lại cho các địa phương quản lý những diện tích chồng lấn, xâm canh, không sử dụng…

Đồng chí Lê Đức Giang – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phê bình Sở Tài nguyên và Môi trường vì triển khai chậm chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc rà soát, giải quyết các vướng mắc và nhiệm vụ liên quan được giao.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành các thủ tục cho việc bàn giao toàn bộ diện tích đất chồng lấn giữa các huyện với các ban quản lý rừng phòng hộ về các huyện quản lý trước ngày 9/9/2021. Đối với diện tích đất chồng lấn giữa Công ty TNHH Một thành viên Cao su Thanh Hóa với các huyện, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hoàn thành quyết định bàn giao về cho các huyện quản lý trước ngày 29/9/2021. Đối với diện tích chồng lấn tại Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng lại phương án, bàn giao cho các huyện quản lý trước ngày 30/11/2021.

Giao Sở Tài chính bố trí kinh phí cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ đo đạc bản đồ; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh xác định tài sản công còn lại trên đất bàn giao, tham mưu phương án thu tiền sử dụng đất sau khi được bàn giao, từ tháng 01/2022. Từ nay đến ngày 25/9, giao Thanh tra tỉnh thành lập Đoàn thanh tra toàn diện những vi phạm đất đai tại các nông, lâm trường cũ, công ty TNHH ở huyện Thạch Thành, chỉ rõ cụ thể những sai phạm của địa phương, đơn vị, cá nhân trong việc bàn giao đất.

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các Ban quản lý rừng phòng hộ phối hợp với các huyện để bàn giao đất; sau khi các địa phương được bàn giao đất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu phương án sử dụng đất đối với diện tích đất kém hiệu quả báo cáo UBND tỉnh. Với các huyện, sau khi được bàn giao đất, phải xây dựng phương án sử dụng đất ngay sau khi có quyết định bàn giao để báo cáo tỉnh./.

 

Bích Phương