Tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Ngày 20/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch nêu rõ, sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Việc thực hiện chính sách này cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh theo phương châm quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, đảm bảo chính sách hỗ trợ được kịp thời đến tay người lao động, người sử dụng lao động. Đảm bảo huy động đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách theo quy định; làm tốt công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phải xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, thiết thực; đồng thời, Kế hoạch là cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh.

Nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; không bỏ sót, trùng lặp đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Trong trường hợp đối tượng vừa đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, vừa đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của địa phương thì chỉ được hưởng một chính sách có mức hỗ trợ cao nhất. Phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương; căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.

Theo kế hoạch, sẽ có 12 nhóm chính sách hỗ trợ gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn với người điều trị COVID-19 (F0) từ 27/4 đến 31/12/2021; hỗ trợ 1 lần với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, hoạ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và chính sách đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

Nội dung xem chi tiết tại đây./.