Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 3 năm 2021: Thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo kinh tế - xã hội Quý I, nhiệm vụ trọng tâm Quý II năm 2021.

Ngày 18/3/2021, đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3 năm 2021.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng các Đoàn thể, Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị.

Hội nghị đã nghe và cho ý kiến vào Báo cáo kinh tế - xã hội Quý I, nhiệm vụ trọng tâm Quý II năm 2021. Báo cáo đánh giá, Quý I năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực và đạt kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực, đó là: đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, nên tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt; đã tổ chức cho Nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trong không khí vui tươi, an toàn, nghĩa tình và trọn vẹn. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các sở, ngành tham mưu ban hành các Kế hoạch hành động thực hiện NQ 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ; tham mưu ban hành các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW, 13/NQ-TW của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện NQ số 58 và NQ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được sự ổn định, một số ngành, sản phẩm có mức tăng khá so với cùng kỳ như sản lượng lương thực có hạt tăng 7%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 8,3%, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 9,64%, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 11,3%; khách du lịch tăng 49,8%; huy động vốn đầu tư phát triển tăng 5,4%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 31,1% kế hoạch và tăng 4,1% so với cùng kỳ, thuộc nhóm 10 tỉnh thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. An sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời, đã huy động được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Kỷ luật kỷ cương hành chính được giữ vững, các địa phương, đơn vị đã triển khai công việc nghiêm túc ngay sau kỳ nghỉ tết; an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.

 Đồng chí Đầu Thanh Tùng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2021 của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: sản xuất công nghiệp mặc dù duy trì đà tăng trưởng nhưng vẫn còn một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng giảm so với cùng kỳ như xăng, dầu diesel, điện sản xuất; thu ngân sách nhà nước giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 24,7%); tiến độ triển khai thực hiện lập quy hoạch các phân khu chức năng trong Khu kinh tế Nghi Sơn còn chậm; kết quả thu hút đầu tư thấp và giảm so với cùng kỳ; công tác lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện còn chậm; tình trạng giáo viên vừa thừa vừa thiếu không đồng bộ về cơ cấu chưa được giải quyết triệt để; nợ đọng Bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp vẫn còn ở mức cao…

 Đồng chí Đào Vũ Việt – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Phát biểu thảo luận nội dung này, đa số các đại biểu đều tập trung vào nguyên nhân và giải pháp của những hạn chế, tồn tại về thu ngân sách giảm, kết quả đầu tư thu hút thấp; công tác quy hoạch còn chậm; thủ tục đầu tư xây dựng triển khai một số dự án đầu tư còn chậm…

Tham gia ý kiến về công tác thu ngân sách giảm mạnh, đồng chí Cục trưởng Cục Thuế lý giải, thu ngân sách Quý I đạt 24,8% dự toán, thu nội địa giảm 10% so với cùng kỳ, chủ yếu về nguồn thu từ đất, các nguồn thu thường xuyên về kinh tế ổn định, do vậy đồng chí khẳng định tiến độ thu không bị ảnh hưởng, ngành Thuế sẽ cố gắng đảm bảo đạt kết quả cao nhất.

Đồng chí Đào Vũ Việt – Giám đốc Sở Xây dựng cũng thống nhất với báo cáo về hạn chế lập quy hoạch phân khu của Khu kinh tế bị chậm, đồng chí cho rằng một phần nguyên nhân do Viện Quy hoạch Kiến trúc quá tải công việc, gần đây triển khai nhiều quy hoạch; thứ 2 do thủ tục hành chính; thứ 3 do năng lực đơn vị tư vấn còn hạn chế, công tác thẩm định ở UBND cấp huyện hạn chế…

Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng báo cáo tình trạng ô nhiễm môi trường do vấn đề sản xuất giấy vàng mã làm cá chết, đồng chí đề nghị Công an tỉnh theo dõi để xử lý.

Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cơ bản thống nhất với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, đồng chí nhận định, thừa thiếu giáo viên là vấn đề cục bộ của ngành giáo dục; để giải quyết bài toán này, đồng chí đưa ra một số giải pháp như: cấp đủ chỉ tiêu biên chế theo Quyết định 3185/QĐ-UBND  ngày 23/8/2016 và 3465/QĐ-UBND ngày 09/9/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh, hoặc giao kinh phí để nhà trường tự hợp đồng; đồng chí cũng đề nghị việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm giáo viên phải do Phòng Giáo dục phối hợp với Phòng Nội vụ cấp huyện nghiên cứu đề xuất.

 Đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Phát biểu thảo luận, đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định một số khó khăn trong công tác thu ngân sách nhà nước năm 2021. Về quy hoạch phân khu bị chậm, đồng chí phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Đồng chí Đầu Thanh Tùng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bổ sung thêm phần đánh giá theo các chỉ tiêu đề ra để có bức tranh toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội. Đồng chí lưu ý vấn đề các trường đã thực hiện đúng nguyên tắc tuyển giáo viên hằng năm theo biên chế được giao hay chưa.

 Đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao Báo cáo kinh tế - xã hội đạt chất lượng, rõ ràng, sát với tình hình thực tế. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần đánh giá thêm một số chỉ tiêu như chỉ tiêu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức và công dân.

Về đánh giá chung, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với báo cáo, yêu cầu bổ sung thêm phần đánh giá công tác triển khai Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng chí cũng lưu ý một số tồn tại hạn chế. Đồng chí yêu cầu các cấp, ngành, địa phương rà soát thủ tục hành chính hoàn thành mức độ 3,4 để công khai theo đúng thời gian yêu cầu. Trong tháng 4, yêu cầu tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương giải quyết vướng mắc khó khăn trong công tác GPMB, đầu tư công, thu ngân sách. Đồng chí nhấn mạnh, về công tác thu ngân sách cần đặt ra các phương án khó khăn nhất, xấu nhất để xây dựng giải pháp tháo gỡ. Đồng chí giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp phải tập trung công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng lựa chọn tư vấn quy hoạch; tập trung công tác xúc tiến đầu tư; khẩn trương xây dựng Đề án cây xanh trên địa bàn Khu kinh tế; rà soát lại tất cả các dự án do Ban quản lý, đề xuất kiến nghị từng dự án. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính nghiên cứu dành đủ kinh phí để lập quy hoạch. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các huyện khẩn trương hoàn thành công tác Kế hoạch, Quy hoạch sử dụng đất các địa phương, chậm nhất là 30/5/2021 báo cáo UBND tỉnh. Đồng chí lưu ý kỷ luật kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo.

 Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Tiếp đó, Hội nghị cũng nghe và cho ý kiến vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai việc lập Quy hoạch theo đúng quy định của luật Quy hoạch và các văn bản phạm quy pháp luật có liên quan. Theo đó, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải phù hợp với các chủ trương đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch của Trung ương và quy hoạch phát triển vùng. Đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh của tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, liên tục tạo ra các lợi thế so sánh mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập trung nguồn lực để phát triển 4 vùng kinh tế động lực, 5 trụ cột, 6 hành lang kinh tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có thế lực, trí lực và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, có khả năng nắm bắt và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn. Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa hợp lý gắn với tiềm năng thế mạnh của từng vùng, miền và khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong tỉnh. Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho nhân dân; bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường các bên tham gia vào quá trình phát triển của tỉnh. Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực miền núi và đồng bằng, ven biển. Bảo tồn và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố tiềm lực, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh; trong đó nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng – an ninh là điều kiện kiên quyết, phát triển kinh tế là trọng tâm. Chủ động nắm bắt tình hình không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, đặc biệt chú trọng ở các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, hải đảo. Mở rộng các quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

 Đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Cũng theo báo cáo quy hoạch, phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý để phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm du lịch ven biển, du lịch nghỉ dưỡng và logistics của cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045 đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Báo cáo quy hoạch cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá; phương hướng phát triển các ngành và tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; phương án phân bố và khoanh vùng đất đai; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng hóa sinh học; phương án bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên trên địa bàn; phương án phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; danh mục các dự án và thứ tự ưu tiên; giải pháp nguồn lực thực hiện.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu đơn vị soạn thảo tiếp tục cập nhật số liệu, bám sát NQ 58, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, khẩn trương hoàn thành trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Hội nghị cũng đã thảo luận cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh do Sở Xây dựng soạn thảo; đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 so Sở Giáo dục và Đào tạo soạn thảo; dự thảo Quy hoạch vùng huyện Nông Cống đến năm 2045./.

 

Bích Phương